Gương sáng giảng đường:

Nữ tiến sĩ tuổi 31 và niềm đam mê với thần kinh học

TS Hà Thị Thanh Hương trở thành nhà nghiên cứu trẻ đầu tiên của Việt Nam giành được giải thưởng danh giá Early Career Award năm 2020 của tổ chức quốc tế nghiên cứu về khoa học thần kinh (International Brain Research Organization, có trụ sở tại Pháp).
TS Hà Thị Thanh Hương hiện còn là trưởng bộ môn Kỹ thuật mô và y học tái tạo, Khoa kỹ thuật y sinh của Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). 
Hạnh phúc không phải ở giải thưởng
Nói về giải thưởng dành cho các giáo sư trẻ có tuổi đời dưới 35, TS Hương cho biết chị cũng khá bất ngờ dù đã biết đến giải thưởng này và có quá trình chuẩn bị hồ sơ từ hơn một năm trước.
Mục đích của TS Hương là muốn tìm nguồn kinh phí để thực hiện công trình “Tìm kiếm các phương pháp chẩn đoán sớm và chính xác cho bệnh Alzheimer” do chị làm trưởng nhóm. 
Giải thưởng này trị giá 5.000 euro (khoảng 140 triệu đồng) nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu chính trong giai đoạn đầu bằng cách cung cấp thêm kinh phí thực hiện nghiên cứu.
“Điều tôi vui nhất không chỉ là từ giải thưởng chúng tôi có tiền để tiếp tục nghiên cứu mà quan trọng hơn là mọi người sẽ biết và hiểu thêm về căn bệnh Alzheimer. Ở Việt Nam, hiểu biết về căn bệnh này còn hạn chế, đa số bệnh nhân đi đến khám thì đã ở giai đoạn trễ, bệnh tiến triển nhanh và rất khó chữa. Do đó, mục đích của chúng tôi là hướng đến sức khỏe của cộng đồng” - TS Hương bộc bạch.
Theo TS Hương, với kinh phí từ giải thưởng này, nhóm của chị sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển các công cụ giúp tăng độ chính xác, nhanh chóng và giảm giá thành cho chẩn đoán Alzheimer. 
Bởi theo TS Hương, thực tế ở Việt Nam hiện nay không có nhiều bác sĩ về thần kinh học để chẩn đoán Alzheimer. Nếu làm đúng quy trình chẩn đoán theo chuẩn quốc tế, ở TP.HCM chỉ có vài bệnh viện như BV 30-4, BV ĐH Y Dược TP.HCM. Trong khi đó, số người trên 65 tuổi rất lớn, người bệnh có ít cơ hội để được phát hiện và can thiệp sớm. 
Vì vậy, nhóm sẽ tiếp cận theo hai hướng, vừa ứng dụng trí tuệ nhân tạo lên phân tích ảnh MRI, vừa sử dụng các công cụ sinh học phân tử có tính đột phá lớn trong xét nghiệm máu. 
“Chúng tôi mong muốn tạo ra được những công cụ để hỗ trợ cho bác sĩ. Ngay cả những bệnh viện cấp tỉnh hay quận, huyện, những nơi nào có thể xét nghiệm máu hoặc chụp MRI được thì đều có thể ứng dụng” - TS Hương nói.

TS Hà Thị Thanh Hương (bìa phải) cùng các cộng sự làm việc tại phòng thí nghiệm.
Ảnh: BÍCH NGỌC

Mê thần kinh học từ thời học trung học
Nói về điểm xuất phát, TS Thanh Hương cho biết chị bắt đầu tìm hiểu về thần kinh học từ thời trung học, khi người thân của chị được chẩn đoán bị trầm cảm và điều đó ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của gia đình.
Lên THPT, chị theo học chuyên về sinh học, được thầy cô giảng dạy kỹ về nội dung thần kinh học khiến chị càng hứng thú hơn. Do đó, khi vào đại học, chị quyết định chọn học về công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). 
Sau khi tốt nghiệp đại học, chị giành được học bổng du học của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) và quyết định đi học chuyên ngành thần kinh học tại ĐH Stanford (Mỹ).
Tại đó, chị bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về các chứng bệnh trầm cảm, tự kỷ và mới đây nhất là Alzheimer. Vì theo chị, Việt Nam là một trong các quốc gia đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Số người bị bệnh Alzheimer ước tính hiện nay là khoảng 500.000 người. Trong khoảng năm năm tới, con số này sẽ tăng gấp đôi, sẽ là gánh nặng không nhỏ cho ngành y tế trong nước vì đến nay vẫn chưa có thuốc chữa. 
“Khi gặp phải bệnh này, chủ yếu chỉ có bác sĩ tâm thần điều trị, còn để giải quyết cho bài toán lớn thì cần có những người có những chuyên môn khác nhau nên tôi muốn được học tập, nghiên cứu chuyên sâu về mặt khoa học để cùng giải quyết bài toán lớn đó” - TS Hương chia sẻ.
Do đó, năm 2018, khi tốt nghiệp tiến sĩ, TS Hương quyết định trở về Việt Nam để tìm kiếm các cộng sự, đồng thời tìm ra các giải pháp nâng cao sức khỏe trí tuệ và tinh thần của người Việt Nam. 
Tuy nhiên, khi mới trở về, chị và nhóm nghiên cứu gặp khá nhiều khó khăn vì tại Việt Nam chưa có nhiều nhóm nghiên cứu về lĩnh vực này, cũng chưa có những dữ liệu cụ thể để đặt nền tảng. Bên cạnh đó, trang thiết bị và quá trình tiếp cận các mẫu bệnh phẩm về Alzheimer cũng hạn chế. 
Do vậy, TS Hương và các cộng sự phải bắt đầu từ việc đến các bệnh viện tìm kiếm những bác sĩ thật sự quan tâm đến Alzheimer rồi mời họ hợp tác, hỗ trợ. Sau hai năm, nhóm của chị đã kết nối được với BV ĐH Y Dược TP.HCM và BV 30-4 để nhận sự hỗ trợ. 
Đến nay, nhóm đã có bốn báo cáo tại hội nghị quốc tế về kỹ thuật y sinh và nhận được kinh phí khởi đầu từ Hiệp hội Nghiên cứu Alzheimer Việt Nam; một chương trình tài trợ bởi Viện Sức khỏe Hoa Kỳ. Mô hình chẩn đoán ứng dụng trí tuệ nhân tạo của nhóm cũng lọt vào tốp 20 của cuộc thi Đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức hồi tháng 9-2020.
Về TS Hà Thị Thanh Hương, TS Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ: “Với thành tích của mình, ở độ tuổi trẻ như vậy, cô Hương có thể có nhiều đặc quyền ở lại các nước tiên tiến làm việc nhưng cô đã trở về Việt Nam và chọn Trường ĐH Quốc tế. Điều đó cho thấy cô không chỉ trẻ, giỏi mà còn có tình cảm gắn bó đặc biệt với quê hương, Tổ quốc”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm