Nơi học sinh có thể ý kiến về thái độ của thầy cô giáo

“Các em học sinh đã mạnh dạn hơn trong việc phản ánh kịp thời không chỉ những dấu hiệu của việc bị bạo hành trong gia đình hay ngoài đường phố, mà còn mạnh dạn bày tỏ những ý kiến, thắc mắc về cách giảng dạy, thái độ của thầy cô giáo qua từng tiết học một cách rất chừng mực, lễ độ và tôn trọng, đặt ra các yêu cầu công bằng và khách quan trong mối tương quan thầy - trò, trò với trò.

Đặc biệt, các em còn nhanh nhạy nhận biết những dấu hiệu sa sút về sinh hoạt, học tập của các bạn có liên quan đến những tệ nạn ngoài xã hội như cờ bạc, cá độ và nguy hiểm nhất là việc tụ tập hút shisa. Chính nhờ vậy, nhà trường đã phát hiện và giải quyết kịp thời nhiều vụ việc nguy hại, thông báo đến gia đình để tăng cường giáo dục, quan tâm và kết hợp với chính quyền địa phương phường 3 để xử lý vi phạm của những đối tượng ngoài trường”.

Bà Lâm Minh Trang, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, phường 3 (Gò Vấp), trình bày về thay đổi của học sinh khi tham gia dự án “Trường học thân thiện - bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương” tại buổi triển khai dự án này ở giai đoạn 2 do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế (SCI) phối hợp cùng Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức ngày 12-5.

Cũng theo bà Trang, từ trước đến nay, với thời gian hạn hẹp khi lên lớp, các thầy cô vốn quen những mệnh lệnh áp đặt với học sinh để mang lại hiệu quả ổn định ngay lập tức, việc áp dụng những biện pháp kỷ luật tích cực đòi hỏi nhiều thời gian hơn cũng khiến các thầy cô ngại ngần vận dụng. Nhưng qua thời gian, các thầy cô dần nhận ra ích lợi của việc áp dụng những biện pháp kỷ luật tích cực như thư khen, nhắc nhở, làm việc riêng… thay vì trách phạt đã thay đổi hành vi của học sinh. Từ chỗ ngang bướng, ngỗ nghịch, dần dần các em biết nhận lỗi, biết kiềm chế tốt hơn, mở lòng ra với bạn bè, với thầy cô. Mối quan hệ giữa thầy, trò dần trở nên tốt đẹp hơn, thân thiện hơn.

Trước đó, dự án “Trường học thân thiện - bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương” giai đoạn 1 do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế (SCI) triển khai từ năm 2013-2016 tại hai quận Gò Vấp và Củ Chi đã đạt được nhiều kết quả như bước đầu xây dựng và vận hành cơ chế báo cáo về các trường hợp xâm hại và bóc lột trẻ em tại trường học với sự tham gia của trẻ em, phụ huynh và ban giám hiệu; áp dụng quản lý lớp học bằng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực thay vì trừng phạt thân thể và tinh thần...

Đại diện SCI trao bộ sách ảnh chính sách bảo vệ trẻ em cho Sở LĐ-TB&XH TP.HCM

Giai đoạn 2 sẽ kéo dài trong ba năm (2017-2019) với ngân sách hơn 30,8 tỉ đồng. Theo đó, dự án sẽ triển khai tại 50 trường tiểu học và THCS, nâng cao hoạt động của ban bảo vệ trẻ em, các tổ chức xã hội và cộng đồng tại 24 xã, phường trên địa bàn bốn quận, huyện gồm Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp và Củ Chi. Dự án hướng đến mục tiêu là hỗ trợ giáo dục và bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng và phân biệt đối xử; hỗ trợ trẻ em nhập cư, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ an sinh cơ bản như giáo dục, vui chơi và được bảo vệ trong một môi trường an toàn và thân thiện.

Có mặt tại buổi làm việc, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH), đánh giá dự án góp phần thúc đẩy nền giáo dục có chất lượng, khiến các em học sinh cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui thay vì thấy sợ, thúc đẩy quyền trẻ em tham gia vào nhiều hoạt động hơn nữa. Theo ông, Luật Trẻ em sắp sửa có hiệu lực, đây là ví dụ điển hình luật đi vào cuộc sống. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm