Nói dối, làm giả đang được bao che

“Ở xã hội ta, các giá trị tốt đẹp được công bố rất nhiều như công bằng, bình đẳng, vì người nghèo... nhưng các giá trị hay chuẩn mực ngầm đang chi phối xã hội lại là vật chất, tiền bạc, quyền lực. Không ai phủ nhận sự trung thực là quan trọng nhưng nói dối, làm giả được xã hội mặc nhiên chấp nhận, bao che...”.

Không thể “tụng” theo kiểu xưa

Cũng theo bà Oanh, nguyên tắc đạo đức cơ bản là không nói dối, không ăn cắp, không giết người, không làm cho người khác những gì mình không muốn họ làm cho mình. Tuy nhiên, chính giáo dục theo kiểu “dạy vẹt, học vẹt” đã dẫn tới thực trạng nói một đàng làm một nẻo. “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” được tung hô nhưng lợi ích cá nhân lại đang thống trị và chi phối hành vi số đông, “Điều đó cho thấy không thể giáo dục đạo đức theo kiểu xưa bằng cách đưa ra những nguyên tắc chung để “tụng” cho trẻ nghe và bắt chúng “tụng” lại như những cái máy...” - bà Oanh thẳng thắn nói.

Bà Oanh cho hay trong gia đình, trẻ nhỏ học bằng chính cách cha mẹ chăm sóc chúng và tổ chức cuộc sống gia đình. Trẻ có thói quen được chăm sóc tốt về vệ sinh cá nhân lớn lên sẽ sống ngăn nắp; Trẻ học nhường nhịn với anh chị em trong nhà, khi đi xe ra đường sẽ dễ nhường những lái xe khác; Trẻ bị phạt nặng khi nói dối và được khen thưởng khi nói thật sẽ dễ dàng sống trung thực... “Cử chỉ, hành động của người lớn là những bài học thuộc liền” - bà Oanh kết luận.

Thầy cô phải là gương sáng

Theo ông Hùynh Công Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, tập thể sư phạm nhà trường hiện chưa làm gương tốt cho học sinh. Chương trình dạy còn nặng, chưa tạo điều kiện tốt để hình thành nhân cách học sinh, “Những nội dung đạo đức, pháp luật và kỹ năng sống khó được phân biệt trong quá trình giáo dục...” - ông Minh nói. Bà Vũ Thị Phương Chi, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, nhận định chương trình giáo dục đạo đức công dân cho học sinh hiện còn ôm đồm nhiều vấn đề, có những vấn đề chưa phù hợp tâm lý, lứa tuổi học sinh. Chương trình cũng chưa xác định rõ những phẩm chất đạo đức cơ bản cần giáo dục theo từng cấp học, đảm bảo tính liên thông chặt chẽ.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, chuyên viên Phòng Giáo dục quận 6, giáo viên phải tự tìm cho mình những phương pháp dạy học tốt nhất nhằm giúp học sinh có kỹ năng ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Cần phát huy thế mạnh của các phương pháp như sắm vai (đóng kịch), thảo luận, tổ chức trò chơi, đề án, “Thực tế cho thấy học sinh rất thích học môn giáo dục công dân vì trong giờ học các em được bày tỏ ý kiến. Điều quan trọng là thầy cô phải là gương sáng mọi lúc mọi nơi để học sinh noi theo” - bà Hiền nhấn mạnh.

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm