Những ‘người thầy’ không bao giờ lên tiếng

Tại phòng giải phẫu trong khuôn viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, dòng người lặng lẽ tri ân những người đã khuất nhưng thân xác còn giúp ích cho đời. Các vết giải phẫu trên thi thể đã được khâu lại cẩn thận, phủ khăn trắng, choàng chuỗi hoa, xếp thẳng hàng.

Trả ơn đời đã bao dung

Với đôi chân tập tễnh, đi lại phải chống nạng do căn bệnh đa khớp, ông Lê Văn Cường (60 tuổi) cho hay ông phải lặn lội bắt mấy tuyến xe buýt từ huyện Củ Chi lên trung tâm TP.HCM để tới được đây. Trên đường đi, ông bị móc túi mất sạch tiền nhưng may mắn là còn tới kịp được buổi lễ.

Ông Cường đăng ký hiến xác từ tháng 4-2017, sau khi người con trai qua đời vì tai nạn. Suy nghĩ sẽ hiến xác cho khoa học đã được ông ấp ủ từ lâu nhưng mãi tới gần đây, khi ông đem tâm sự của mình kể cho các bác sĩ thì tâm nguyện mới được thực hiện mặc dù bị gia đình phản đối. Nhưng với ông, đó là một sự trả ơn với đời đã bao dung mình.

“Rất nhiều người và kể cả vợ tôi vẫn cứ nghĩ rằng sống toàn thây và chết cũng phải toàn thây. Nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản chết là hết, chôn dưới đất hay hỏa táng rồi thì cũng hóa thành tro bụi, sao không làm điều gì đó có ý nghĩa hơn khi thân xác đã chết đi của chúng ta giúp được bao nhiêu người” - ông Cường chia sẻ.

Dòng người thắp nén nhang tri ân những “người thầy” lặng lẽ hiến thân xác cho y học. Ảnh: H.LAN

Âu yếm nhìn thi hài người cha già là ông Trần Thanh Cao, mất vào năm ngoái, bà Trần Thanh Mai, sống ở quận 12 (TP.HCM) đặt lên ngực cha bó hoa cúc trắng. Bà Mai cho biết đã tròn 11 tháng ông cụ ở lại trường để phục vụ nghiên cứu khoa học. Noi theo cha, bà Mai cũng chờ ngày sẽ thực hiện tâm nguyện hiến xác cho y học.

Ý định hiến xác của bà Mai bắt nguồn từ một nỗi đau khó nguôi ngoai khi chứng kiến chị của mình ra đi mãi mãi ở độ tuổi 32 vì căn bệnh u não nan y. “Chị tôi mất năm 1994, khi bác sĩ còn chưa tìm ra cách chữa được căn bệnh ấy. Lúc đó trong đầu tôi có ý nghĩ hiến xác để phục vụ cho việc tìm hiểu nguyên nhân các căn bệnh nan y rồi nhưng chưa biết thực hiện bằng cách nào. Đến năm 2000 tôi mới viết thư xin đăng ký hiến xác. Trùng hợp là cha tôi cũng tự tìm hiểu, đăng ký trước rồi mới nói với cả nhà” - bà Mai kể.

Bà Mai nhớ lại những ngày cuối đời ông cụ luôn mang trên mình tấm thẻ đăng ký hiến xác, sợ ra đi bất thình lình con cháu sẽ quên di nguyện của mình. Khi được hỏi trước khi hiến xác bà có đắn đo không, bà Mai cười xòa: “Chết là hết, cát bụi lại trở về với cát bụi. Khi chết mà còn làm được việc có ích nữa thì còn gì hạnh phúc hơn”.

Góp phần nhỏ bé cho khoa học

Lẫn trong hàng người xếp hàng tri ân và mùi nhang trầm có tiếng khóc sụt sùi. Chị Đoàn Thị Hòa, ngụ quận Gò Vấp lặng lẽ vuốt lên má thi hài chồng là anh Đặng Phú Trường đang nằm trên tấm vải trắng, thủ thỉ hỏi anh có ngủ ngon không. “Em đã giúp anh thực hiện tâm nguyện hiến thân cho khoa học, anh cứ thanh thản ra đi” - chị nói.

Chị Hòa cho hay đến nay đã tròn 45 ngày anh đi sau khi mắc căn bệnh ung thư phổi. Khi phát hiện thời gian sống chỉ còn ngắn ngủi, anh thúc giục người thân đến trường đăng ký hiến xác. Những ngày cuối đời, anh thường tâm sự lúc sống không làm được gì cho đời thì khi chết đi cũng nên làm gì đó, dù là việc nhỏ như hạt cát.

Kế đó, lặng yên hồi lâu trước thi hài của vợ là bà Trần Thị Thu Hà, ông Trần Thanh Phong (61 tuổi), sống ở quận Thủ Đức thầm thì: “Tôi đến thăm bà đây, có nhà báo mới hỏi tôi về bà đó”.

Bà Hà mất vì căn bệnh ung thư máu và đã từng đăng ký hiến xác trước đó. Ông Phong thú thật ngày vợ cầm tấm thẻ đăng ký về, ông không cảm thấy vui chút nào vì quan điểm của ông khác vợ. Rồi thời gian trôi đi, khi mang trọng bệnh, bà mới nhắc lại di nguyện của mình và bắt ông hứa phải thực hiện bằng được.

Sau khi bà mất, buổi tang lễ vẫn diễn ra bình thường. Nhưng thay vì đưa đi hỏa táng, thi thể của vợ ông được nhà trường đón về long trọng. “Một số người đi đường thấy lạ đến đốt nhang tỏ lòng thành kính. Trước khi lên xe về trường, nhà trường cho cô bác tiễn một đoạn ra đầu hẻm. Tôi nhìn mặt vợ để tạm biệt và thấy vẻ mặt bà ấy rất toại nguyện” - ông Phong nhớ lại.

Cũng trong ngày đến trường dự lễ và thăm lại vợ, ông Phong cho biết mình cũng đăng ký hiến xác bởi quan điểm của ông và vợ đã gặp nhau, dù hơi muộn.

Tri ân 200 người vì nghĩa lớn

Lễ Macchabée thể hiện sự thương tiếc và chúc phúc của những người sống cho những người đã khuất. Ở Việt Nam, trước năm 1975, lễ hội thường được tổ chức vào Tết âm lịch. Sau năm 1975, lễ hội bị gián đoạn trong thời gian dài. Từ năm 1990, GS Nguyễn Quang Quyền, Chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu học tại ĐH Y Dược TP.HCM, đã khôi phục lễ hội này và đặt tên là “Lễ tri ân những người đã hiến thân thể cho khoa học”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm