Những đột phá của giáo dục TP.HCM

Đây được xem là năm học mà TP.HCM hứa hẹn sẽ có những phát triển mạnh mẽ về giáo dục với hàng loạt trường học mới được đưa vào sử dụng, nhiều giải pháp đổi mới quyết liệt trong dạy và học.

Trường thoát ngập, hết chật chội

Những ngày này, phụ huynh học sinh (HS) không khỏi vui mừng khi hàng chục trường học tại TP.HCM lần lượt khánh thành để đón chào năm học mới, từ mầm non đến bậc THPT. Nhất là những địa bàn đông dân nhập cư và khó khăn như quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Phú, Thủ Đức, quận 12, quận 5...

Nhiều ngôi trường mà thầy trò và phụ huynh chờ hàng chục năm trời trong cảnh ngập úng, chật chội, nay đã được xây mới thay thế hoặc xây thêm để có chỗ học, như trong lễ khánh thành cơ sở 2 của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, quận Bình Thạnh. Trường được xây mới trên tổng diện tích sàn sử dụng là 1.829 m2 với tổng mức đầu tư gần 30 tỉ đồng từ ngân sách TP. Trường có quy mô một trệt ba lầu với 14 lớp và các phòng chức năng.

Bày tỏ niềm vui này, cô Nguyễn Thị Thái An, giáo viên dạy tiếng Anh duy nhất của trường, nói: “Tôi chờ đợi có trường mới từ ngày tôi về trường đến nay đã bốn năm rồi. Trước giờ thấy trường xập xệ, cứ mưa là lại ngập, phòng học thì tối tăm, nhà vệ sinh cũng hôi hám mà thương học trò lắm”.

Tuy không kịp khánh thành vào dịp khai giảng nhưng cô trò Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5) cũng háo hức từng ngày khi chờ đợi ngôi trường mới dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9. Ngôi trường cũ là hai khối nhà ghép lại, cao sáu tầng, xây dựng trước năm 1975 được sử dụng gần 30 năm nay. Nếu không có bảng hiệu, không ai nghĩ đây là trường tiểu học vì chật chội, tối tăm và không có sân chơi cho HS. Có lẽ vì vậy nên khi có được ngôi trường mới được xây ngay gần đó với diện tích khoảng 1.200 m2, kinh phí hơn 20 tỉ đồng với 20 phòng học là niềm hạnh phúc khó tả hết của cô trò và phụ huynh.

Cô trò Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, quận Bình Thạnh hân hoan trong ngày khánh thành trường và khai giảng năm học mới. Ảnh: PA

Con công nhân, trò xã đảo mừng vui vì có chỗ học

Một điểm mới đáng ghi nhận và cũng vui không kém cho con em của công nhân là nhiều ngôi trường mầm non được khánh thành ngay trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX).

Cụ thể như Trường Mầm non KCX Tân Thuận (quận 7) đã khánh thành tháng 6 vừa qua để bắt đầu tuyển sinh cho 17 nhóm lớp và một số phòng chức năng khác.

Gần đây nhất là cùng một ngày (19-8), quận Thủ Đức có đến hai trường mầm non là Hoa Đào (thuộc KCX Linh Trung 1) và mầm non Hoàng Yến (thuộc KCX Linh Trung 2) đã làm lễ khánh thành. Không chỉ có trường cho con đi học thuận lợi mà điều khiến nhiều công nhân vui mừng hơn cả là các trường còn mở 12 lớp mẫu giáo (mỗi trường sáu lớp) để thí điểm nhận giữ trẻ ngoài giờ đến 18 giờ 30 mỗi ngày và thứ Bảy hằng tuần để công nhân tiện đi làm.

Một điều đặc biệt nữa của năm học này là tin vui với HS lớp 10 tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ khi được TP mở lớp 10 ngay trên xã đảo. Lớp 10 này được mở tại Trường THCS Thạnh An và thuộc phân hiệu của Trường THPT Cần Thạnh. Được biết lớp có 28 em và đã bắt đầu đi học từ ngày 15-8. Ngoài ra, huyện Cần Giờ đã có kế hoạch xây mới Trường THCS Thạnh An, dự kiến năm học 2017-2018 sẽ đưa vào sử dụng và điều chỉnh thành Trường THCS - THPT Thạnh An nhằm tạo điều kiện cho học sinh xã đảo được học bậc THPT tại địa bàn.

8 giải pháp đột phá của TP.HCM năm học 2016-2017

1. TP sẽ chấm dứt dạy thêm, học thêm trong nhà trường.  HS có nhu cầu học thêm sẽ đến các cơ sở, trung tâm bồi dưỡng văn hóa bên ngoài đã được cấp phép về dạy thêm để học.

2. Năm đầu tiên TP triển khai mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế từ mầm non đến THCS với 23 trường, nâng tổng số trường thực hiện mô hình này của toàn TP là 26 trường.

3. TP tự xây dựng khung chương trình và soạn bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của TP dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT. Dự kiến sách sẽ sử dụng chính thức từ năm học 2018-2019 và cuốn chiếu từ lớp 1 đến lớp 12.

4. Bộ GD&ĐT đã đồng ý cho TP tự thực hiện kiểm tra, đánh giá và công nhận tốt nghiệp cho HS THPT. Hiện Sở GD&ĐT TP đang xây dựng đề án cụ thể để trình Bộ GD&ĐT trong tháng.

5. TP nhân rộng giữ trẻ 6-18 tháng tuổi đến 24 quận, huyện, tập trung nhiều ở các địa bàn đông công nhân và người lao động.

6. TP bắt đầu thực hiện kế hoạch nhận giữ trẻ ngoài giờ đến 17 giờ 30 hằng ngày và thứ Bảy hằng tuần cho con công nhân tại KCX-KCN trên địa bàn TP. Năm học này TP sẽ thực hiện thí điểm tại ba trường mầm non thuộc quận Bình Tân và Thủ Đức. Sau đó Sở sẽ có đánh giá, rút kinh nghiệm để từng bước nhân rộng.

7. TP đã được Bộ GD&ĐT đồng ý và sẽ tổ chức khảo thí trình độ tiếng Anh của học sinh theo bốn kỹ năng nghe - đọc - nói - viết (không xét việc hoàn thành môn học theo cơ cấu điểm số như hiện nay).

8. Các dự án xây trường học mới phải đưa hạng mục hồ bơi vào những dự án có đủ đất, nhất là những dự án có diện tích từ 1 ha trở lên, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy-học bơi của nhà trường.

_____________________________

Năm học 2016-2017, toàn TP tăng hơn 59.000 HS, nâng tổng số HS của TP lên gần 1,5 triệu em. Để kịp đảm bảo đủ chỗ học cho con em trong năm học mới, TP đã rốt ráo đưa vào sử dụng hơn 2.000 phòng học mới với ngân sách đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm