Những 'bà Mẹ hổ' dạy con kiểu Trung Quốc

Cuốn sách là hồi ký về hành trình dạy con nghiêm khắc đến tàn nhẫn “kiểu Trung Hoa” của bà để chúng trở thành những đứa con xuất sắc trong học tập và âm nhạc. 
Khi mẹ hổ “rèn con”

Hai cô con gái Amy Chua là Sophia (23 tuổi) đã tốt nghiệp ĐH Harvard danh giá và hiện làm việc tại trường Luật Yale, còn Lulu (20 tuổi) là sinh viên năm thứ 2 ngành lịch sử của ĐH Harvard. 

 Một buổi luyện đàn của Lulu dưới sự kèm cặp của “mẹ hổ” Amy Chua (Ảnh: Wall Street Journal)

Hai cô bé lớn lên trong sự dạy dỗ nghiêm khắc, thậm chí nhiều người con gọi đó là “hành xác”, buộc phải răm rắp tuân theo các nội quy gồm 10 điều do “bà mẹ hổ” Amy Chua đặt ra: cấm “ngủ lang”; cấm hẹn hò; cấm đóng kịch ở trường, cấm xem tivi hay chơi game máy tính; cấm kêu ca vì điều cấm ấy; cấm tự chọn hoạt động ngoại khóa; điểm sát hạch, điểm thi tất các các môn học phải đạt loại A (loại cao nhất); thành tích học tập phải nhất lớp trừ môn thể dục và sân khấu; không được chơi bất cứ nhạc cụ nào khác ngoài piano và violin; phải học piano và violin.

Amy khăng khăng rằng: “Tuổi thơ như một quá trình rèn luyện, là một thời gian để xây dựng nhân cách và tích lũy cho tương lai”. Chính vì theo đuổi quan điểm đó mà Amy Chua luôn gây áp lực học hành cho con cái, những khi các con luyện tập không đạt yêu cầu của bà đề ra, bà không tiếc lời mắng mỏ, la hét, thậm chí xúc phạm, lăng mạ chúng. Cũng có lúc, tình cảm mẹ con giữa họ trở nên căng thẳng cũng vì cách “kèm” con quá khắt khe của bà đến nỗi có lúc cô con gái bà phải thốt lên “Con ghét mẹ!”, theo Guardian.

Báo Guardian có dẫn một đoạn trong sách “Khúc chiến ca Mẹ Hổ” về việc Amy “tường thuật” một buổi luyện đàn của cô bé Lulu. Hồi Lulu (tên thân mật của Louisa) lên 7, cháu phải tập piano bài Chú lừa con lông trắng của nhạc sĩ Pháp Jacques Ibert. 

Bản nhạc rất hay nhưng khó phối hợp hai tay, con bé tập mãi không được. Nó chán nản tức giận bỏ cây đàn, giậm chân thình thịch không chịu tập. Tôi ra lệnh: “Ngồi vào đàn ngay!” Lulu cãi: “Mẹ không được bắt con làm thế.” Tôi bảo: “Ô hay, mẹ bắt con phải làm thế đấy!”

Sau khi ngồi vào đàn, con bé phản ứng bằng cách bấm phím loạn xạ rồi xé bản nhạc vứt xuống đất. Tôi nhặt lên dán lại rồi kẹp vào bìa ni lông, như vậy nó không thể xé được nữa. Rồi tôi kéo túi đồ chơi của Lulu đến bên chiếc ô tô và bảo nó: “Nếu ngày mai con chưa tập được bài ấy thì mẹ sẽ đem chỗ đồ chơi này của con cho các bạn khác hết.” 

Nhưng con bé chẳng chịu phục tùng mẹ. Thấy vậy tôi dọa: “Thế thì mẹ sẽ đem chúng đi dốt hết”. Rốt cuộc tôi kèm Lulu tập đàn cho tới bữa ăn tối. Suốt thời gian ấy tôi không cho cháu nghỉ một phút nào, không cho uống nước, không cho đi toilet. 

Phụ huynh tây và ta

Amy Chua sinh năm 1962, là hậu duệ của dòng họ Chua danh giá gốc Phúc Kiến, Trung Quốc. Bố mẹ bà là người Hoa ở Philippines đến định cư tại Mỹ, nên có thể coi Amy là thế hệ dân Trung Quốc nhập cư thứ hai. Bà tốt nghiệp ĐH Harvard với tấm bằng Tiến sỹ và hiện là Giảng viên Luật tại ĐH Yale. 

Cô con gái lớn Sophia tốt nghiệp ĐH Harvard danh giá (Nguồn: Daily Mail) 

Ngoài công việc giảng dạy, Amy còn viết báo, viết sách và đi diễn thuyết ở nhiều nước khác trên thế giới, nhưng dường như phần lớn thời gian và tâm huyết bà đều dành cho việc giáo dục hai cô con gái nhỏ của mình.

Từ cách dạy con của một người mẹ gốc Hoa “chính cống” được thừa hưởng “cốt cách” của người Trung Quốc, Amy Chua trong một bài báo có tên “Why these mothers are so superior?” (tạm dịch: Tại sao các bà mẹ Trung Quốc lại giỏi như vậy?) đăng trên tờ Wall Street Journal, bà Amy cho rằng các bậc cha mẹ người Hoa khác người phương Tây ở ba điểm:

Điều đầu tiên, các bậc cha mẹ phương Tây rất ngại làm tổn thương sự tự tin, lòng tự trọng của con trẻ. Cho nên, dù chúng có làm việc gì thất bại, họ vẫn cố khen con, an ủi con bằng cách nói về những ưu điểm của con. 

Nói cách khác, cha mẹ phương Tây thường lo lắng cho tâm lý đứa trẻ. Ngược lại, người Hoa không hành xử như vậy, họ không tiếc lời mắng mỏ thậm chí xúc phạm chúng.

Bởi tâm lý của các bậc cha mẹ Trung Quốc luôn đòi hỏi một kết quả hoàn bảo do họ tin rằng con mình có thể làm được điều đó.

Thứ hai, người Hoa cho rằng con cái phải biết ơn cha mẹ về mọi chuyện họ làm cho chúng. Đây là truyền thống của người Hoa, là sự kết hợp giữa lòng hiếu thảo được đề cao trong đạo Khổng tử và thực tế về sự hy sinh thầm lặng của người làm cha làm mẹ. 

Do đó, bằng cách nào đó, những đứa trẻ Trung Quốc phải báo đáp cha mẹ bằng cách vâng lời cha mẹ và phải khiến cha mẹ tự hào. Ngược lại, người phương Tây không cùng quan điểm đó. Họ cho rằng cha mẹ phải có trách nhiệm với con cái, con cái không “mắc nợ” cha mẹ điều gì cả. 

Thứ ba, cha mẹ người Hoa tin rằng họ biết điều gì là tốt nhất cho con mình, cho nên họ không cần để ý tới yêu cầu và thị hiếu của con mà cứ ép buộc con làm theo ý họ, dù chúng không thích. 

Đó là lý do vì sao nữ sinh Trung Quốc không được yêu đương khi còn học phổ thông, không thể ngủ lại nhà bạn bè hay không dám mở miệng xin phép mẹ tham gia tập kịch ở trường…

Dư luận “xẻ đôi”

Theo Developmental Psychology, với cuốn sách này, dư luận cũng “xẻ” Amy Chua làm đôi, nửa cho là đúng, nửa cho là sai. Những người ủng hộ bà tin rằng sự nghiêm khắc đó đã được chứng minh bằng thành tích đáng nể của hai cô con gái. 

Cô con gái lớn Sophia (23 tuổi) đã tốt nghiệp ĐH Harvard danh giá và hiện làm việc tại trường Luật Yale, còn Lulu (20 tuổi) là sinh viên năm thứ 2 ngành lịch sử của ĐH Harvard. Cả hai cô đều là những tay chơi đàn piano và violin điêu luyện.

 Amy Chua cùng hai cô con gái Louisa và Sophia tại nhà riêng ở New Haven, Conn (Ảnh: Wall Street Journal) 

Mặt khác, những người trái với quan điểm của Chua nói rằng những phương pháp khắc nghiệt đó không mang lại kết quả phát triển tối ưu cho những đứa trẻ. 

Người ta lo ngại rằng những chi tiết mà Chua thể hiện trong cuốn sách Battle Hymn of the Tiger Mother chỉ là những kinh nghiệm cá nhân của bà chứ không phải dựa trên một nghiên cứu khoa học nào. 

Đặc biệt, điều này trở thành vấn đề khi đưa ra lời khuyên cho các bà mẹ trên toàn thế giới. Mặc khác sự khắc nghiệt cả về tâm lý lẫn vật lý của bà có khả năng dẫn đến những hậu quả khôn lường trong phát triển tâm lý và tính cách cá nhân về lâu dài của trẻ.

Mặc dù phần đông ý kiến cho rằng những đứa trẻ người Mỹ gốc Á có được thành công là nhờ sự dìu dắt của “những bà mẹ hổ” như Amy Chua, nhưng nghiên cứu trên tạp chí Tâm lý học của người Mỹ gốc Á, một trong những tạp chí của Hiệp hội tâm lý học Mỹ hồi tháng 3-2013 chỉ ra rằng những đứa trẻ có những “bà mẹ hổ” như vậy thực sự đạt điểm trung bình –GPA thấp hơn so với những đứa trẻ có những bà mẹ “dễ tính” và trên thực tế, những đứa trẻ này luôn có GPA cao nhất, khả năng điều chỉnh tâm lý tình cảm xã hội tốt nhất .

Có lẽ, thành công nhất của Amy Chua là quyển sách của bà khơi mào cho mỗi bậc cha mẹ chúng ta có cơ hội tranh luận, tư duy, và hình thành một triết lý giáo dục cho riêng mình, chứ không phải do “Khúc chiến ca Mẹ Hổ” là một cẩm nang nuôi dạy trẻ. 

Cuốn sách này đã “cấp phép” cho người Mỹ gốc Á thực hiện các phương pháp dạy con nghiêm khắc nhằm bảo đảm sự thành công cho con em trong thời buổi kinh tế toàn cầu đầy cạnh tranh nhưng nghiên cứu trên chính là hồi chuông thức tỉnh cho những ông bố bà mẹ hổ bởi nếu họ cứ tiếp tục “gay gắt” với con cái mình như vậy sẽ không khiến con mình trở nên thành công phi thường được.

Một số nghiên cứu trong ngành Kinh Tế học gần đây đã gợi ý rằng, giáo dục của cha mẹ không phải là chỉ số chính đo “thành công” của con cái. “Môi trường” mới là chỉ số chính.

 

“Hổ mẹ” sinh “hổ con”?

Theo Daily Mail mới đây, hai cô bé Sophia và Lulu nói rằng họ sẽ đào tạo những “chú hổ con” của mình sau này theo đúng như cách mẹ cô đã nuôi dạy cô, đồng thời phủ nhận những gì người ta nói về cách dạy dó.

“Mọi người đều nói rằng mẹ tôi dọa đốt đồ chơi của tôi nhưng tôi nhớ rằng tuổi thơ của mình rất hạnh phúc. Tôi không sợ và cũng chưa bao giờ sợ mẹ tôi. Rõ ràng trong tâm trí tôi, cha mẹ tôi luôn bên cạnh các con mình. Họ kỳ vọng ở chúng tôi rất nhiều nhưng vì họ tin rằng chúng tôi có thể làm được những điều tuyệt vời hơn” – Sophia chia sẻ.

Lulu cũng nói rằng mẹ cô không phải là bà mẹ “trực thăng”, luôn bám sát mọi hoạt động của con một cách thái quá, mẹ cô cũng không cô lập cô khỏi đời sống xã hội. Chẳng qua bà chỉ muốn ưu tiên cho những điều quan trọng hơn.

Cả hai chị em cô đều nói rằng dạy con “kiểu Trung Hoa” của bà Amy không tạo ra tác động tiêu cực nhưng những gì nhiều người nghĩ. Sophia và Lulu nói rằng họ ủng hộ cách làm của cha mẹ mình. Bởi cách dạy nghiêm khắc đó đã làm chị em cô độc lập hơn. Họ tin rằng các bà “mẹ hổ” nhất định có chỗ đứng cho riêng mình về cách dạy con, đồng thời họ sẽ “noi gương” bà Amy để “đào tạo” ra những “đứa hổ con” của họ sau này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm