Nhận diện lạm thu trong nhà trường

Những ngày qua, dư luận phụ huynh (PH) tỏ ra khá bức xúc về tình trạng lạm thu trong nhà trường. Đây là vấn đề dai dẳng, tồn tại hàng chục năm qua, dù ngành giáo dục đã đưa ra hàng loạt văn bản nghiêm cấm.

Lạm thu từ nhà trường

Điều 105 Luật Giáo dục ghi rõ: “Trong nhà trường, ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”. Thực tế, có đốt đuốc cũng không tìm đâu ra trường chỉ thu đúng hai khoản này!

Chỉ nói riêng khoản học phí ngoài quy định, qua thông tin báo chí cho thấy các trường đưa ra nhiều khoản rất… phong phú như học phí trái buổi; học phí tăng tiết; học phí môn tăng cường; học phí môn năng khiếu; học phí môn tự chọn, học phí lớp chất lượng… Điều đáng nói là các loại học phí này đều cao gấp nhiều lần học phí chính thức. Tình trạng này diễn ra ở tất cả cấp học phổ thông.

Xin dẫn ra một trường hợp điển hình về lạm thu từ nhà trường. Tại một trường THPT ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), bên cạnh các lớp thường nơi đây còn mở các “lớp chất lượng”. Đây là một kiểu biến dạng của “lớp chuyên”, “lớp chọn” trước đây. Theo quy định, các dạng lớp này không được phép tồn tại ở các trường THPT bình thường. Ở bậc THCS thì cấm tuyệt trường chuyên, lớp chọn. Tất nhiên, để con em được vào học “lớp chất lượng”, PH buộc phải đóng thêm học phí “lớp chất lượng” và các khoản ngoài quy định khác như máy tính, đèn chiếu…

Ngoài học phí, các trường còn thu nhiều loại phí khác. Đó là các khoản như vệ sinh phí; ấn phẩm, giấy thi; nước uống…

Nhận diện lạm thu trong nhà trường ảnh 1

Cấp tiểu học được mang danh nghĩa miễn học phí hoàn toàn nhưng phụ huynh cũng “ tự nguyện” đóng góp không ít cho BĐDCMHS trong mỗi kỳ họp. Ảnh minh họa: HTD

Lạm thu từ ban đại diện cha mẹ học sinh

Điều 96 Luật Giáo dục không quy định có hội PH học sinh trong nhà trường phổ thông, thay vào đó là ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) được lập ra mỗi năm. Điều 96 cũng quy định BĐDCMHS “được phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục”.

Không phủ nhận việc có nhiều BĐDCMHS đã góp công sức, tài chính để góp phần cùng nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, có không ít BĐD lạm dụng, làm cho nghĩa của cụm từ này ngày càng xấu đi. Hầu như những việc do BĐD loại này khởi xướng đều có yêu cầu PH đóng góp và đều được coi là hoạt động giáo dục! Chẳng hạn, việc vận động PH đóng góp xây… tường rào nhà trường; trang bị… máy lạnh, máy vi tính… Ngoài các “hoạt động giáo dục” kiểu như trên, BĐD còn kêu gọi PH đóng góp vào quỹ CMHS để chi dần trong suốt cả năm học. Đến nay, quỹ này bị PH phản ứng nhiều nhất.

Lạm thu từ sự độc quyền sách giáo khoa

Luật Giáo dục không đề cập sách giáo khoa (SGK) phải được giao cho một nhà xuất bản độc quyền in và phát hành nhưng thực tế này đã tồn tại từ thời bao cấp đến nay, chưa được sửa đổi. Theo các đại biểu, điều này không phù hợp với quy luật cạnh tranh của cơ chế thị trường mà Nhà nước đang khuyến khích. Chính nhờ độc quyền in và phát hành SGK cung cấp cho hệ thống giáo dục phổ thông trong cả nước, nhà xuất bản này hằng năm thu vô một nguồn lợi khổng lồ. Tất nhiên, PH và HS là đối tượng chịu thiệt thòi. Chỗ này cần mở ngoặc nói về kinh nghiệm các nước, nếu vì một lý do nào đó Nhà nước muốn nắm lấy quyền xuất bản SGK thì số sách này được phát không đến tận các trường học, HS được mượn và hết năm học thì trả lại cho nhà trường để tiếp tục cho HS lứa sau mượn.

Lạm thu từ giáo viên

Nhưng lạm thu nói trên chỉ là phần nhỏ so với việc dạy thêm tràn lan hiện nay. Nói cho công bằng, giáo viên có quyền dạy thêm vì đây là lao động chính đáng. Nhưng điều đáng bàn là việc GV dạy thêm chính HS của mình. Nhiều quy định của Bộ GD&ĐT, của các sở cấm tiệt GV làm việc này. Điều 75 Luật Giáo dục cũng ghi rõ cấm GV có hành vi “ép buộc HS học thêm để thu tiền”. Thế nhưng tình hình này không hề giảm, nếu không muốn nói là ngày càng diễn ra trầm trọng. Một số trường còn hợp thức hóa việc dạy thêm HS trường mình bằng cách lập ra trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ.

Lạm thu từ ngoài nhà trường

Hỏi bất kỳ một PH nào có thích mua đồng phục HS do nhà trường bán không thì chắc chắn nhận được câu trả lời không thích vì vừa mắc vừa xấu. Thế nhưng ngày càng nhiều trường cứ ôm lấy việc bán đồng phục HS. Danh nghĩa là trường tổ chức nhưng thực chất là giao bên ngoài thầu trọn gói và trả “hoa hồng” cho trường. Nhà trường có thêm khoản thu lớn. Nhà thầu thì ra sức tận thu. Chỉ có PHHS là bị bắt chẹt...

Theo Điều 118 của Luật Giáo dục: “Người nào lợi dụng hoạt động giáo dục để thu tiền sai quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Căn cứ điều luật này, rõ ràng các kiểu lạm thu trên, tùy theo mức độ không nhiều thì ít, đã vi phạm! Việc xem xét, xử lý như thế nào bây giờ tùy thuộc vào cơ quan quản lý các cấp. Nhưng qua nhiều năm dường như chưa có ai bị xử lý!

TP.HCM sẽ hết lạm thu với khung học phí mới

(PL)- Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: Đến cuối tháng 9, tất cả các trường phổ thông phải hoàn tất việc họp phụ huynh ở cấp lớp và cấp toàn trường để công khai, minh bạch tất cả các khoản thu mà phụ huynh thắc mắc khi đóng góp.

Theo ông Sơn, Điều 105 Luật Giáo dục quy định: “Ngoài học phí (trừ bậc tiểu học) và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”. Tuy nhiên, mức học phí đã được giữ ổn định hơn mười năm nay (nhà trẻ 50.000 đồng, mẫu giáo 40.000 đồng, THCS 15.000 đồng, THPT 30.000 đồng/học sinh/tháng). Mức thu này đã lạc hậu. Do đó ngoài học phí, hiện nay các trường còn thu các khoản tiền khác như nước uống, phụ đạo tăng tiết, học hai buổi/ngày, bán trú, in sao đề thi, giấy thi, nha học đường… khiến phụ huynh bức xúc.

“Để tránh lạm thu sau này, Sở GD&ĐT TP.HCM đã hoàn chỉnh đề án học phí mới theo Nghị định 49/2010 và đang trình HĐND, UBND TP. Theo đó, học phí sẽ bao gồm luôn cả tiền điện, nước, vệ sinh, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất; trong suốt năm học phụ huynh sẽ không phải đóng góp gì thêm” - ông Sơn nói.

Được biết trong năm năm qua, Trường THPT Lê Quý Đôn đã áp dụng cách thu như trên với mức thu 890.000 đồng/học sinh/tháng.

Q.VIỆT

TỪ NGUYÊN THẠCH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm