Nhà nước giảm can thiệp để tự chủ đại học

Đại diện các trường cho rằng cần phải có sự công bằng giữa trường công và trường tư, bằng cách giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính…

Tiên phong trong các trường ĐH tư thục cả nước với định hướng trở thành ĐH tự chủ, năm 2017, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có nghiên cứu về vấn đề tự chủ trong ĐH tư thục, và cũng đã có một số ý kiến đề xuất gửi các cơ quản quản lý để được công nhận ĐH tư thục tự chủ. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa chính thức được công nhận.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, phân tích tự chủ ĐH hiện nay là xu hướng mang tính toàn cầu trong quản trị ĐH. Trong đó xu hướng chính là cắt giảm can thiệp của quản lý nhà nước, tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường.

Xu hướng này là bắt buộc khi giáo dục ĐH phát triển về quy mô, đa dạng về loại hình và khi vai trò của giáo dục ĐH trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ngày càng quan trọng. Tuy vậy, mức độ tự chủ ĐH giữa các nước, các khu vực khác nhau phụ thuộc vào trình độ phát triển, lịch sử, văn hóa, luật pháp.

Hội thảo thu hút các nhà khoa học, các trường ĐH, các quan quản lý giáo dục tham dự  thảo luận. Ảnh: AN NHIÊN

Ông Hùng cho rằng việc tự chủ về quản trị, tổ chức, chương trình đào tạo, nhân sự giúp các trường giảm phụ thuộc ngân sách nhà nước trong hoạt động. “Hiện cả nước đã có 23 trường công lập được tự chủ, thế nhưng các trường ĐH ngoài công lập mặc dù hoàn toàn tự chủ tài chính vẫn chưa có trường nào được tự chủ”, ông Hùng boăn khoăn.

Ông Hùng đánh giá, giáo dục ĐH Việt Nam, trải qua hơn 30 năm đổi mới, đã có bước tiến vượt bậc về chất và lượng. Quy mô đào tạo tăng cao, nhiều ngành nghề mới ra đời, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Cùng đó đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Phương pháp đào tạo từng bước đổi mới gắn liền với thực tiễn.

Tuy vậy, bên cạnh các thành tích, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém về chất lượng, hiệu quả, nội dung, phương pháp, công tác quản lý. Cụ thể các trường ngoài công lập, mặc dù chưa có khung quy định nhưng thật sự đã tự chủ về nhiều mặt. Theo đó, Luật Giáo dục đại học 2012 cần sửa đổi để đẩy mạnh quyền tự chủ của các trường.

Trong tham luận của mình, GS-TS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long, cho rằng đối với một trường ĐH tư thục, mới chập chững vào đời, chưa có sự trợ giúp của nhà nước hay doanh nghiệp thì tự chủ tài chính tối đa và muốn có tự chủ tài chính tối đa thì sở hữu phải thuộc về mình. Ngược lại cái khung tự chủ tài chính sẽ hẹp hơn khi sử hữu không thuộc về mình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm