Nhà khoa học Mỹ nói về chuyện tiền và nghiên cứu

Tối 4-12, tại Trung tâm Hoa Kỳ ở TP.HCM, GS Geraldine Lee Richmond, Đặc sứ khoa học Hoa Kỳ phụ trách năm nước hạ lưu sông Mekong, đã có buổi nói chuyện cùng các bạn trẻ TP.HCM. Sau đó, bà đã dành cho Pháp Luật TP.HCM một cuộc phỏng vấn xung quanh việc nuôi dưỡng tình yêu khoa học cho con trẻ và thực trạng của nghiên cứu khoa học Việt Nam.

Trải nghiệm cùng con trong gian bếp

. Phóng viên: Mọi đứa trẻ sinh ra đều có sự tò mò khám phá, theo bà làm sao để biến sự tò mò thành yêu thích nghiên cứu khoa học?

+ GS Geraldine Lee Richmond: Từ bé đến lớn tôi luôn luôn tò mò và việc nghiên cứu của tôi là để thỏa mãn cái tò mò đó. Nhưng phụ huynh góp phần quan trọng trong việc khơi gợi và khuyến khích sự tò mò như: Giúp con cái đặt ra câu hỏi, đặt ra những câu đố mang tính thử thách để làm sao biến những câu hỏi bình thường thành những vấn đề khoa học ở lứa tuổi lớn hơn.

Từ khoảng hai tuổi, mọi đứa bé đều quan sát những điều lạ xung quanh. Ba mẹ nên hướng dẫn để con quan sát chăm chú, cẩn thận hơn. Ba mẹ cũng nên cùng con quan sát và biết được các con quan sát hoạt động như thế nào để tiếp tục giải thích khơi gợi cho con tìm hiểu thêm. Khi chúng lớn hơn một chút, chúng ta có thể dẫn các con đến các hội chợ triển lãm về khoa học, công nghệ. Đó là những cơ hội cho chúng thấy các ứng dụng trong đời sống thực. Ngay trong gian bếp bạn cũng có thể cùng con trải nghiệm những thành tựu khoa học, như mô tả những điều đang diễn ra bên trong một cái máy xay sinh tố, lò vi sóng, tủ lạnh… mà chúng vẫn thấy mỗi ngày.

. Theo bà, giáo dục trong gia đình và hệ thống giáo dục nhà trường, cái nào quan trọng hơn trong việc tạo nền tảng giúp trẻ yêu khoa học?

+ Tôi nghĩ cả hai đều quan trọng. Trách nhiệm của ba mẹ là phải đền bù cho việc giảng dạy thiếu hiệu quả bằng việc gần gũi, trò chuyện, khám phá cùng con nhiều hơn. Kinh nghiệm của chúng tôi học được ở Mỹ là khi ba mẹ nói sợ toán hoặc không thích toán điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con. Do đó, dù phụ huynh sợ toán hay bất cứ một môn học nào khác, chúng ta cũng buộc phải học để cùng làm toán, cùng học với con. Điều đó quan trọng hơn bất cứ hệ thống giáo dục nào.

GS Geraldine Lee Richmond (phải) trò chuyện cùng TS Nguyễn Xuân Xanh tại buổi nói chuyện vào chiều 4-12 ở Trung tâm Hoa Kỳ (TP.HCM). Ảnh: QUỲNH TRANG

Cân bằng giữa giảng dạy và nghiên cứu

. Nếu một gia đình ba mẹ là những người lao động, chỉ biết nuôi con đủ ăn đủ học thì theo bà làm sao con có thể biết hay yêu thích nghiên cứu về sau?

+ Tôi không nghĩ việc nghiên cứu khoa học là mục tiêu của cuộc sống. Tôi nghĩ mục tiêu là làm sao để khoa học được sử dụng hằng ngày trong đời sống. Nghiên cứu chỉ là một diện mạo của khoa học; còn việc sử dụng khoa học hằng ngày để hiểu biết thế giới của bạn đó là mục tiêu.

. Thực tế ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều sinh viên yêu thích nghiên cứu khoa học, thế nhưng niềm yêu thích đó không được nuôi dưỡng bởi tâm lý học xong đại học phải lao ra đường kiếm tiền nuôi bản thân. Vậy bà có lời khuyên nào cho họ?

+ Đây không phải chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là vấn đề chung của nhiều quốc gia, đặc biệt các quốc gia Đông Nam Á. Ở các quốc gia này, sinh viên chọn đi theo con đường kinh doanh nhiều hơn là nghiên cứu khoa học. Chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa để giúp các thế hệ sinh viên kế tiếp yêu khoa học. Cụ thể nhất là hãy giữ các sinh viên tiếp tục công việc với khoa học trong 5-6 năm nữa sau khi tốt nghiệp đại học. Đó là quãng thời gian quan trọng để họ lựa chọn tiếp tục hay dừng lại việc nghiên cứu của mình. Nhưng tôi cũng ngạc nhiên là Việt Nam đang dẫn trước Mỹ về tỉ lệ sinh viên tiếp tục nghiên cứu sau đại học.

Song song đó, chúng ta buộc phải có những thảo luận nghiêm túc hơn về một cuộc sống tốt đẹp được định nghĩa như thế nào; rằng lao ra đường kiếm tiền hay giải đáp những điều bản thân mình thắc mắc. Tôi có một số người bạn khởi thủy là nhà khoa học nhưng sau đó họ làm việc trong các ngành khác như ngân hàng, hay hai điển hình vốn là nhà khoa học sau đó là doanh nhân là Mark Zuckerberg (chủ Facebook) và Bill Gates (chủ Microsoft)… Nhưng tôi lại vẫn thích làm ở phòng thí nghiệm.

. Ngay chính những người đã đạt học vị tiến sĩ tại Việt Nam, với họ tiến sĩ đã là đích đến, sau đó không tiếp tục nghiên cứu thêm nữa. Nói cách khác họ không xem nghiên cứu khoa học là một hành trình mà mục tiêu chỉ là tấm bằng để thêm chức vụ, lương bổng. Bà nhìn nhận như thế nào về việc này?

+ Đây là một vấn đề lớn phải được giải quyết, như tôi đã nói những ngày qua tại hội thảo Hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững thông qua nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 9 Ủy ban Hỗn hợp hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Hoa Kỳ diễn ra từ ngày 2 đến 4-12 tại TP.HCM - PV).

Tại Mỹ, chúng tôi phải tìm được sự cân bằng hợp lý giữa giảng dạy và nghiên cứu. Nhưng tại Việt Nam, thu nhập phần lớn của các nhà khoa học nằm ở việc dạy chứ không phải nghiên cứu. Để tốt hơn, tôi nghĩ nên có sự mềm dẻo trong việc phân bổ công việc tại các trường đại học Việt Nam, nếu không mãi mãi sẽ không có nghiên cứu diễn ra. Muốn nghiên cứu nhiều thì phải bớt dạy và họ vẫn được trả lương y như họ đi dạy. Tôi cũng hiểu vẫn có những trường đại học không muốn làm nghiên cứu mà chỉ chú trọng đào tạo.

. Xin cám ơn bà.

Nhà khoa học Mỹ nói về chuyện tiền và nghiên cứu ảnh 2
 
GS Geraldine Lee Richmond là Đặc sứ khoa học Hoa Kỳ phụ trách năm nước hạ lưu sông Mekong. Bà nhận bằng cử nhân hóa học của ĐH Kansas State năm 1975 và bằng tiến sĩ chuyên ngành lý hóa tại ĐH California, Berkeley năm 1980.

Năm 2015, bà được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Hoa Kỳ vì nền khoa học tiên tiến (AAAS) và hiện đang là người được Tổng thống Obama bổ nhiệm vào Hội đồng Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2012-2018. Bà là người sáng lập và chủ tịch Ủy ban Vì sự tiến bộ của các nhà hóa học nữ (COACh), một tổ chức cơ sở hỗ trợ sự tiến bộ của các nhà khoa học nữ ở Hoa Kỳ và các quốc gia đang phát triển.

________________________________

- Ngày 7-12, GS Richmond sẽ giao lưu cùng 15 học sinh THCS tại TP Đà Nẵng về việc thực hiện các thí nghiệm hóa học.

- Ngày 8-12, giao lưu cùng sinh viên ĐH Huế với chủ đề những thách thức, cơ hội và thành quả từ hành trình nghiên cứu khoa học.

- Ngày 11 và 12-1-2016, dự hội thảo Tôn vinh phụ nữ trong khoa học công nghệ khu vực hạ lưu sông Mekong (TP.HCM). Dự kiến sẽ có 25 nữ sinh viên trong ngành công nghệ, khoa học từ Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam có mặt tại hội thảo này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm