Người thầy của tôi:

Người thầy không bao giờ nhận quà

Đôi bàn tay dầu nhớt

Thầy dạy tôi lớp 5 có tiếng trong Trường Chi Lăng (quận 6) là... “kỳ cục”.

Khi lớp tôi vừa lên lớp 5, chuyện đầu tiên cả lớp xúm lại bàn tán ngày khai giảng là chuyện hai bàn tay thầy đen nhẻm, có vẻ như dính đầy dầu nhớt.  

Tôi chưa từng thấy bàn tay nào dơ như thế. “Bạn này hổng biết hả, tui nghe nói thầy là thợ sửa xe đó. Ở nhà thầy sửa xe không hà”, nhiều đứa khẳng định. “Đi dạy vầy rồi có người đem xe tới sửa làm sao sửa được cho người ta mà làm sửa xe” - cũng có đứa vặn lại.

Thầy chạy một chiếc xe máy nhìn không giống chiếc xe máy nào. Những giờ ra chơi, thầy luôn dắt xe ra khỏi cổng trường, đi cho đến hết giờ chơi mới quay lại. Bọn học trò rình rình và kết luận “đó, thấy chưa, thầy đi về nhà sửa xe cho khách đó!”.

Cả đám học trò bàn nhau coi thử có đúng là thầy sửa xe ở nhà hay không. Hai đứa con trai to khỏe nhất lớp xung phong đi “rình”.

Hôm sau vào lớp, mặt ỉu xìu, tụi nó kể “tan học, tụi tui đợi thầy lấy xe về thì chạy bộ theo rình. Chạy tới bùng binh Cây Gõ thì hổng biết sao mà thầy phát hiện ra hai thằng học trò “bám đuôi”, thầy quành xe lại, “nạt” cho một trận, bắt tụi tui quay lui đi về”. Cả đám con nít nhao nhao, sao hai bạn không núp chỗ nào rồi theo tiếp? Thầy đứng đó canh tụi tui, ngoái đầu lại còn thấy thầy dòm theo, phải đi thẳng hoài chứ núp sao được!

Đó không phải là thất bại đầu tiên của tụi học trò. Nghe kể lại, những lớp anh/chị các năm trước đều có những tốp “thám tử” và đều đã thất bại. Chưa có lớp học sinh nào biết được nhà thầy ở đâu.

Gần 30 năm rồi, khi nào nhớ đến thầy, tôi cũng tự hỏi vì sao hai bàn tay thầy lại đen suốt như vậy và tại sao thầy không cho biết nhà, trong khi bọn học trò vẫn hay đến nhà thầy cô để thăm mà.

Những món quà trên giỏ xe

Vào học vài tháng thì đến ngày nhà giáo 20-11. Mấy anh, chị khóa trước cảnh báo “đừng có tặng quà, thầy không nhận đâu”. Bọn học trò vẫn mang những gói quà xà bông, tập trắng, phấn, vải... đến, đặt lên bàn thầy. Thầy biểu mấy em đem về nhà xài đi chứ thầy không nhận của đứa nào hết. Ăn bánh kẹo, chơi đùa với học trò xong, thầy đi xuống phòng giáo viên. Mấy đứa học trò ngơ ngác với đám quà trên bàn. Đem xuống phòng giáo viên, lập tức gặp thầy ngồi ở đó, xua tay biểu đem về.

Có đứa nghĩ ra cách! Thế là cả đám rinh quà đi xuống nhà xe, để hết lên giỏ của cái xe cà tàng của thầy, rồi bọn học trò đi về.

Lâu lâu có đứa trong lớp được thầy cho cuốn tập, có đứa được thầy cho hộp viết... cho đến cái đứa được thầy cho cục xà bông trầm, để khoe trên bàn, thì đứa khác trong lớp nhìn thấy, la lên, rằng cục xà bông này tui tặng thầy hôm bữa 20-11 mà, cái giấy gói này, cái nơ này, tui còn nhớ mà.

“Kiểm duyệt” thay tập

Lớp 5 là năm ấn tượng nhất thời tiểu học của tôi. Tôi chỉ nhớ duy nhất một bài học trong sách là bài về mùa hoa phượng. Khi chép bài kiểm tra thuộc lòng, tôi quên chữ “phượng” nên bị đánh một roi và nhớ mãi là lớp 5 có học cái bài “mùa hoa phượng đáng ghét” này. Nhiều bài học về cuộc sống mà thầy dạy thì tôi còn nhớ rõ và cố gắng làm theo cho đến tận bây giờ.

Ấn tượng nhất là việc muốn thay tập phải trình thầy!

Đầu năm, thầy gom hết tập lại, ký tên hết lên trang bìa trong của tập, dặn kỹ tụi học trò là viết sai thì gạch bỏ, viết lại chứ không được xé tập. Xài hết tập phải trình cho thầy, thầy đếm lại mà phát hiện tập bị xé trang - thiếu trang thì đứa đó bị phạt roi, thầy kiểm tra tập mới, ký tên trang bìa, rồi sẽ cho thay.

Năm tôi học lớp 2-3, toàn dùng tập đen, năm lớp 5 đã bắt đầu có nhiều tập trắng để xài. Trẻ con, dạy thì biết, thì hiểu đó nhưng lúc mê chơi thì cứ giựt luôn tờ giấy đôi ra gấp máy bay chọi nhau trong lớp, hoặc xé miếng giấy bự ra để viết rồi chuyền nhau “nói chuyện” trong giờ học! Nghe nói bị kiểm đếm trang, tụi học trò bớt hẳn chuyện xé nháp. Đầu học kỳ 2, thường là tụi học trò sẽ thích thay tập mới cho “bảnh”. Năm đó, nhiều đứa trong lớp trình tập mới nhưng đã không được thay vì thầy không cho phép.

Tôi có lần đem tập cũ lên, xin thầy cho thay tập mới, thầy xét tập, nói tập này còn mấy trang, em phải dùng hết mới được thay, mà thay tập 50 trang thôi nghe chưa, vì sắp hết năm học rồi, đừng có phí phạm. (Hồi xưa có loại tập 48 trang (hay gọi là 50 trang), có loại 96 trang (hay gọi là trăm trang), lúc đó chưa có tập hoành tráng tới 200 trang như sau này).

Cuối năm học, thầy chỉ cho học trò dùng phần dư của tập, cắt ra để dán thành tập mới dùng nháp toán cho lớp 6.

Một năm, tôi cầm những quyển tập mới của mình về trường cũ trình thầy. Bác bảo vệ nói thầy Tùng nghỉ dạy rồi. Tôi đến thăm cô giáo lớp 4, cô nói thầy đã đi nước ngoài định cư nhưng không cho ai địa chỉ.

Hơn 20 năm rồi, tôi vẫn giữ những quyển tập từ hồi lớp 5 đó, có chữ ký của thầy ở trang đầu, những vết cắt gọn ở phần cuối tập. Trong tập, những bài làm sai ngô nghê bị gạch bỏ, có những đoạn chép ẩu, làm dối còn nguyên... Cảm ơn Thầy đã cho tôi không chỉ những bài học mà còn giữ cho tôi nguyên vẹn những kỷ niệm thời trẻ con của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm