Những nhà giáo sáng tạo trong giảng dạy - Bài 2

Người thầy khiến học trò 'đắm đuối' với môn Văn

Tới Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, hỏi về thầy Bảo, hầu như học sinh (HS) nào cũng biết. “Thầy là người vui tính, hay cười, dạy văn cực hay, đặc biệt đã gây bão mạng với lời dặn học trò trước giờ thi lớp 10” - một HS chia sẻ.

HS trải nghiệm làm giáo viên

Vũ Lâm Quang Huy, HS lớp 9/1, cho biết tiết học văn với thầy Bảo bao giờ cũng nhẹ nhàng, vui vẻ. Thầy thường bắt đầu bài học bằng những câu chuyện hài hước và luôn chú ý đến cảm xúc, tâm lý của học trò.

 “Thầy thường cho tụi em đi trải nghiệm thực tế để hiểu môn văn không hề xa lạ mà gắn với cuộc sống thường ngày. Đợt vừa rồi chúng em được đi thực tế tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Sau chuyến đi đó, bằng kiến thức có được cùng với vốn văn học có sẵn tụi em đã làm nên một bộ phim về chiến tranh khiến ai cũng xúc động. Quá trình làm tuy vất vả nhưng bạn nào cũng vui” - Quang Huy nói.

Không chỉ thường xuyên cho HS đi thực tế, năm học này thầy còn cho HS trải nghiệm làm giáo viên qua việc giảng bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Mỗi lớp chia thành bốn nhóm, các nhóm sẽ tìm hiểu, soạn và giảng bài về nội dung hai khổ thơ bất kỳ cho cả lớp.

“Em từng nhiều lần thuyết trình trước đám đông nhưng lần đầu tiên đóng vai giáo viên khiến em hồi hộp. Trang phục em mặc phải trang trọng, chỉnh tề; ngôn từ cũng phải trau chuốt. Cảm xúc đứng giảng cho các bạn cũng khác. Hơn nữa, để đứng lớp trong 20 phút, nhóm em đã phải chuẩn bị mất hai tuần từ tìm hiểu nội dung, lên giáo án, đạo cụ cho bài học. Rồi bản thân em cũng phải thường xuyên qua nhà bạn dạy thử. Công việc tuy cực nhưng do tụi em tự tìm hiểu bài nên nắm chắc kiến thức. Hơn nữa, được trải nghiệm làm giáo viên giúp em thấy nghề giáo vất vả. Vì thế em càng tôn trọng và yêu quý thầy hơn” - em Nguyễn Đăng Hy bày tỏ.

“Thầy Bảo chính là người truyền lửa đam mê môn văn cho HS” - cô Nguyễn Thị Bích Huệ, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, nhận xét. Cô Huệ kể: “Hồi con tôi còn học thầy, cháu mê lắm. Cháu mê đến nỗi trên đường đi học về, cháu chỉ nói về thầy, về những bài văn thầy dạy một cách say sưa đến nỗi khi dừng đèn đỏ tôi phải nhắc: “Con có thể dừng một chút xíu được không, lát hết đèn đỏ lại kể tiếp”. Đây là điều tôi chưa từng thấy khi con học các thầy cô giáo khác”.

Cũng theo cô Huệ, giờ học của thầy luôn vui vẻ nhưng không kém phần kịch tính. “Thầy hay liên hệ nội dung thực tế với bài học để tụi con dễ nhớ. Đặc biệt, khi trả bài đầu giờ, thầy thường có một vòng quay lô tô, bóng rơi ra số nào, bạn HS mang số thứ tự đó phải lên trả bài. Hay thầy có một con cá sấu, các bạn lần lượt bấm vào răng cá sấu đó. Bạn nào bị cá cắn phải lên trả bài. Hồi hộp lắm mẹ nhưng con thích điều đó” - cô Huệ nhớ lại lời con kể.

Thầy Võ Kim Bảo cùng các học trò trong một chuyến đi thực tế. Ảnh: NVCC

Bước lên bục giảng như một nghệ sĩ

Nói về cơ duyên đến với nghề, thầy Bảo chia sẻ những năm học cấp 3, thầy thần tượng hai giáo viên dạy văn. Vì những tiết dạy của họ chạm đến trái tim, cảm xúc của học trò. Từ đó thầy nhen nhóm ước mơ một ngày không xa sẽ được đứng trên bục giảng.

“Văn là một môn nghệ thuật, để HS thích thú với môn học, bản thân người thầy nên bước lên lớp như một nghệ sĩ, rút ruột ra mà giảng. Và thực tế khi người thầy truyền được đam mê trong giờ học sẽ đem lại cảm xúc cho HS” - thầy Bảo nói.

Cũng theo thầy Bảo, để HS thích thú với môn văn, thầy thường đổi mới cách dạy. Thầy cố gắng cho HS được trải nghiệm thực tế để các em hiểu rằng môn văn không xa rời cuộc sống. Từ đó các em sẽ làm bài bằng các sản phẩm khác nhau như thuyết trình, phóng sự hoặc phim. Đặc biệt, năm học này thầy đã cho HS trải nghiệm làm giáo viên qua chủ đề về người lính.

“Qua hoạt động trên, tôi thấy các em chuẩn bị rất công phu, nhóm chuẩn bị nguyên dãy núi Trường Sơn, dùng phấn làm bụi đường; nhóm làm mô hình bếp Hoàng Cầm. Bằng việc tự nghiên cứu nội dung bài học, các em sẽ hiểu bài sâu hơn. Hơn nữa, qua việc tự chuẩn bị bài vở, các em sẽ hiểu thêm nghề giáo” - thầy Bảo nói.

Lời thầy Bảo dặn học trò trước giờ thi lớp 10 năm 2018

Làm xong bài thi môn đầu tiên, các em cứ lặng lẽ ra khỏi phòng thi, không nói với ai câu nào, đi về nhà luôn. Các em đừng trao đổi đáp án với bạn, đừng lên mạng xem đáp án, đừng gọi ngay cho thầy cô để hỏi xem mình làm bài có đúng không. Xin đừng các em nhé! Nếu kết quả không được như ý, liệu các em có đủ tinh thần để thi các môn tiếp theo không? Hãy nhớ lấy lời thầy! Cho thầy xin một ngày của các em không có Internet các em nhé! Chỉ một ngày thôi em nhé! Hết ngày hôm đó, em lại có thể thoải mái lên Facebook like và share các bài đăng của thầy mà đúng không? 

Con mình thi, quý phụ huynh cũng lo lắng không kém con. Điều này thật dễ hiểu! Nhưng mong quý phụ huynh đừng vội hỏi con: “Hôm nay con làm bài được không?” mà hãy hỏi: “Con có mệt không? Con đói không? Uống trà sữa trân châu không con?...”. Tôi tin là các con sẽ thoải mái hơn rất nhiều đấy ạ.

Thầy cũng vậy, thầy sẽ không giải đề đâu nhé! Thầy mong các em có một mùa thi thật thành công.

Vẫn soạn giáo án viết tay

Dù ở thời đại công nghệ số, bên cạnh việc soạn giáo án điện tử, thầy Bảo vẫn soạn giáo án viết tay. “Bởi chỉ khi viết tay tôi mới có những ý tưởng bột phát, những sáng kiến về bài dạy. Vì thế tôi duy trì cả hai” - thầy Bảo nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập.