Ngành giáo dục TP.HCM đi ngược dòng

Đây là chủ trương vừa được UBND TP.HCM thông qua theo đề nghị của Sở GD&ĐT TP.HCM. Thông tin trên đã gây bất ngờ cho hầu hết phụ huynh học sinh!

Từ năm học 2006-2007, ngành giáo dục cả nước quyết định bỏ thi tốt nghiệp THCS nhằm tạo sự thông suốt cho quá trình học phổ thông từ bậc tiểu học lên thẳng bậc THPT. Việc làm này được dư luận xã hội đồng tình, vì từ nay con em họ không phải vất vả với các kỳ thi không cần thiết trong tình hình giáo dục phổ thông trở thành phổ cập.

Tuy nhiên, vấn đề mới nảy sinh: Nhiều địa phương không đủ chỗ lớp 10 công lập để thu nhận hết học sinh tốt nghiệp THCS. Tại các địa phương này chẳng đặng đừng phải đặt ra kỳ thi tuyển vào lớp 10 công lập. Riêng tại TP.HCM, ngành giáo dục áp dụng xét tuyển ở ba huyện ngoại thành là Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ; các quận, huyện còn lại đều phải tổ chức thi tuyển. Giải thích cách làm này, giám đốc Sở GD&ĐT TP lúc đó là ông Trương Song Đức nói: “Các quận, huyện phải tổ chức thi do không có đủ trường lớp”. TP phấn đấu xây thêm trường để mở rộng dần xét tuyển ở các quận, huyện khác. Thực hiện đúng lời nói này, bốn năm sau đó (năm học 2010-2011), số quận, huyện được phép xét tuyển tăng lên thành bảy quận, huyện và từ năm 2011 đến nay tăng lên thành 9/24 quận, huyện. Đó là Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc môn, quận Thủ Đức, quận 2, quận 9, quận 6 và quận Bình Tân.

Đùng một cái, TP.HCM quyết định tất cả trường THPT từ năm học 2014-2015 phải thi tuyển lớp 10 trong sự ngỡ ngàng của phụ huynh!

Phải chăng từ năm học tới, tình trạng thiếu thốn trường lớp ở TP.HCM gia tăng? Dễ dàng nhận thấy không thể xảy ra tình trạng này vì trong các năm qua, số trường không ngừng tăng lên mà bằng chứng là số quận, huyện tham gia xét tuyển đã tăng lên. Có ý kiến cho rằng khi không thi tuyển thì học sinh lười học, đầu vào lớp 10 sẽ ngày càng thấp. Thật ra lo ngại này không mới, nó đã có từ khi còn bàn việc có nên bỏ thi tốt nghiệp THCS không. Trước đó, khi quyết định bỏ thi tốt nghiệp tiểu học cũng có ý kiến lo ngại tương tự. Các chuyên gia giáo dục khẳng định lo ngại trên không có cơ sở. Chất lượng giáo dục không phải được quyết định bởi một kỳ thi (mà chỉ thi ba môn) mà nó phải được nhào nặn, rèn luyện trong suốt quá trình học cùng hệ thống kiểm tra, đánh giá qua từng năm, từng học kỳ.

Trong khi TP.HCM “úp bộ” sang thi lớp 10 thì cũng có địa phương khác chuyển sang xét tuyển. Chẳng hạn, tỉnh Khánh Hòa đã áp dụng hình thức xét tuyển toàn tỉnh từ năm học 2013-2014. Trả lời báo chí, ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa, cho biết việc thực hiện phương án xét tuyển này là nhằm đạt đến các mục tiêu chính: Giảm áp lực thi cử cho học sinh và cả với các bậc phụ huynh; tiết kiệm qua việc giảm chi phí để tổ chức kỳ thi tuyển; góp phần làm giảm và hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, đồng thời tạo điều kiện để các thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên ngành giáo dục có thêm thời gian nghỉ ngơi, thay vì phải tập trung cho kỳ thi tuyển sinh này hằng năm như trước đây.

Trong khi Bộ GD&ĐT đang xem xét tiến tới bỏ một trong hai kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH từ sau năm 2015 nhằm giảm áp lực thi cử và tốn kém thì chủ trương thi tuyển lớp 10 của TP dường như đi ngược dòng chảy chung của giáo dục cả nước!

TỪ NGUYÊN THẠCH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm