‘Muốn đổi nguyện vọng mà run quá!’

“Tham khảo điểm sàn của các trường em… rối luôn. Điểm sàn thấp hơn điểm năm ngoái, em muốn rút hồ sơ chuyển nguyện vọng (NV) mà run quá!”. Đó là tâm lý khá phổ biến của các thí sinh đăng ký xét tuyển đại học có điểm 18-20 trước “ván cờ” thay đổi NV bổ sung. Ngày mai (15-7) sẽ là ngày các thí sinh thay đổi NV xét tuyển.

Vừa làm vừa bất an

Thí sinh Trần Minh Thư (quận 6, TP.HCM) đạt 20 điểm tổ hợp văn-toán-lý hết sức lo lắng. Đối chiếu điểm thi của mình thấp hơn điểm chuẩn năm ngoái của Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) nên em đã quyết định rút khỏi trường này để chuyển sang một trường khác. “Em đã tham khảo phổ điểm thi THPT 2017 thì thấy có hàng ngàn thí sinh có điểm 20 nên chưa biết tính toán sẽ quyết định vào trường nào. Mấy ngày nay em và cha mẹ tính toán sẽ chuyển NV1 ngành quản trị kinh doanh từ Trường ĐH Kinh tế-Luật sang Trường ĐH Sài Gòn và NV2 sẽ chuyển từ Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM sang Trường ĐH Công nghệ thực phẩm mà cũng run quá, sợ quyết định sai lầm” - thí sinh này cho biết.

Minh Thư cho biết phải chờ đến ngày cuối thì em mới nộp vì chưa biết có bao nhiêu thí sinh có điểm như mình cùng đăng ký xét tuyển.

Còn thí sinh Bùi Văn Sơn (quận 12, TP.HCM) trước khi công bố điểm thi quả quyết sẽ đạt 24 điểm và đăng ký NV1 ngành CNTT Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM nhưng thực tế chỉ đạt 22,5 điểm nên quyết định rút khỏi trường tốp trên này để thay đổi NV xét tuyển.

“Khi biết điểm của mình không với tới ngành, trường định hướng, tâm lý con tôi hơi chùng xuống nên tôi gợi ý một số trường có cùng ngành CNTT để điều chỉnh NV. Sau khi rà soát các trường, cháu dự định sẽ thay đổi NV1 vào Trường ĐH CNTT, NV2 giữ nguyên xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. “Điểm chuẩn năm ngoái của Trường ĐH CNTT dao động 20-24 điểm, nay điểm của cháu nằm giữa khoảng này nên gia đình khá lo lắng vì mức điểm này khá nhiều. Mặt khác, so với điểm chuẩn năm ngoái của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thì điểm của cháu hơn 1,5 nhưng mặt bằng điểm năm nay khá cao nên cả nhà đang bối rối việc thay đổi hay giữ NV” - cha của Sơn cho biết.

Thí sinh tham khảo thông tin tuyển sinh và chỉ tiêu vào các trường đại học năm 2017. Ảnh: P.ĐIỀN

Điểm lệch không nhiều thì không nên điều chỉnh

PSG-TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng với thí sinh có điểm 22-24 và những thí sinh có điểm thấp hơn không nên quá phân tâm.

Theo TS Quang, thí sinh thường có tâm lý chọn ngành hot thay vì ngành mình thích, hoặc chạy đua theo ngành có điểm đầu vào cao, do vậy thường có tâm lý phân tán. Khi có điểm, các em rà ngành để xét tuyển sinh ra phân vân, bối rối. “Nên kiên trì với ngành mình đã chọn nếu thấy điểm không lệch quá nhiều so với điểm chuẩn năm ngoái. Ngoài ra, để không đánh mất cơ hội trúng tuyển vào các trường, thí sinh nên chọn thêm 1-2 ngành mình thích có điểm đầu vào thấp hơn NV1 để đảm bảo an toàn” - TS Quang nói.

TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng điểm chuẩn các trường, các ngành năm nay khó lường so với các năm trước vì phương thức xét tuyển năm nay có sự thay đổi. Nếu như các năm trước các trường xét tuyển độc lập thì năm nay các trường ĐH phía Nam (từ Quảng Bình trở vào) xét tuyển theo nhóm. Trước đây các trường xét tuyển độc lập chỉ cần hạ điểm chuẩn thấp hơn để gọi thí sinh nhiều hơn, sau đó cân đối đủ chỉ tiêu. Năm nay xét tuyển theo nhóm trường sẽ lọc thí sinh ảo, sau đó các trường mới gọi thí sinh nên rất khó đưa ra lời khuyên cụ thể lúc này. “Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì điểm các ngành năm nay sẽ có tăng hơn năm ngoái. Do đó, trước khi thí sinh thay đổi NV nên căn cứ vào điểm thi mình có và điểm chuẩn vào các trường năm ngoái” - TS Sơn tư vấn.

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, lưu ý với các trường đã phân hạng mức sàn khác nhau cho từng nhóm ngành/ngành, nếu mức lệch không nhiều thì thí sinh không nên điều chỉnh NV.

24 điểm vẫn run

Không chỉ thí sinh có điểm 20-22 lo lắng mà ngay cả em có điểm 24 cũng không yên tâm. Chị Ngô Thị Kiều, mẹ của thí sinh Phan Ngọc Bảo Anh (quận 9, TP.HCM), cho biết: “Điểm thi của cháu cao hơn 2 điểm so với điểm chuẩn của Trường ĐH KHXH&NV năm ngoái. Tuy nhiên, tâm trạng vẫn bất an vì ngành ngôn ngữ Nhật mấy năm gần đây thí sinh theo học rất nhiều. Khi vào website của trường này rà điểm chuẩn năm ngoái thì thấy mặt bằng điểm đầu vào rất cao. Cộng thêm thí sinh năm nay điểm cao cũng rất nhiều nên cháu khá căng thẳng, thường xuyên vào mạng dò điểm của tổ hợp này có bao nhiêu thí sinh cùng cạnh tranh với mình để đưa ra quyết định cuối cùng”.

Những con số gây bối rối

Ở khối A, năm nay có 406.032 thí sinh làm đủ bài thi trong khi năm ngoái là 251.240. Tỉ lệ thí sinh xét tuyển ĐH khoảng 75%, năm trước là 70%.

Ở khối B, có 397.947 thí sinh, năm ngoái chỉ 108.831 thí sinh. Tỉ lệ thí sinh trên điểm 15 chiếm tới 61%, năm ngoái là 57%.

Tổng thí sinh khối C cao gấp bốn lần năm trước. Tỉ lệ trên 15 điểm chiếm 63%.

Ở khối D, lượng thí sinh đạt 16-20 điểm gấp đôi năm trước. Tỉ lệ 15 điểm trở lên là 51%. Năm ngoái con số này khoảng 25%.

Khối A1 cũng gây bối rối cho thí sinh khi số em đạt trên 24 điểm tăng gấp bốn lần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm