‘Mẹ ơi sao con không được thả bong bóng?'

Ngập tràn facebook trong ngày hôm qua là hình ảnh học sinh háo hức trong ngày khai giảng năm học mới. Nhìn nụ cười các em, ánh mắt rạng rỡ, hào hứng khi được tham gia trò chơi, được biểu diễn văn nghệ tập thể, được hưởng một buổi lễ khai giảng năm học mới mà tôi thật vui.

Thế nhưng, ngẫm lại, có những ngôi trường vẫn không chịu thay đổi, vẫn theo lối cũ sáo mòn khiến tôi băn khoăn, lo lắng.

Được vui chơi trong ngày vui của mình. 

Tôi được dự hai lễ khai giảng ở hai ngôi trường tiểu học và THCS nơi hai con tôi đang học.

Ở trường tiểu học, sau chương trình đón học sinh lớp 1 được tổ chức thật trang trọng, các cháu học sinh đã phải trải qua gần một tiếng đồng hồ để nhà trường thực hiện đầy đủ các thủ tục: cô hiệu trưởng phát biểu, báo cáo thành tích, tặng quà cho các giáo viên, công nhân viên trong trường, đại diện phụ huynh phát biểu, học sinh phát biểu rồi cũng đến màn thả bong bóng. Đây là màn vui nhất của các cháu trong lễ khai giảng. Thế nhưng thật đáng thất vọng, những chùm bong bóng bay không được phát cho từng em học sinh mà nhà trường lại chỉ chọn mỗi lớp một em đại diện, lên sân khấu thả bong bóng. Nhìn ánh mắt hau háu trông theo chùm bong bóng, những cánh tay giơ lên xin cô được thả bong bóng mà tôi xót lòng. Tại sao không phát cho mỗi cháu một quả bong bóng bay, để niềm vui ấy được nhân ra cho cả ngàn học sinh trong trường?

Sau màn thả bong bóng, có hai tiết mục văn nghệ của học sinh trong trường, các cháu lớp 1 cũng không được thể hiện thì chương trình chuyển sang phần hội. Cháu nào cũng háo hức chuẩn bị tâm trạng được chơi. Thế nhưng, chỉ là trò chơi kéo co và cuộc thi cờ tướng, cờ vua dành cho những cháu đã đăng ký tham gia trước đó. Các cháu còn lại đành phải ra sảnh ngồi dợi ba mẹ đón về.

“Mẹ ơi, sao con không được thả bong bóng. Mẹ ơi, trò chơi dân gian đâu?”. Con tôi ra về mà lòng buồn rười rượi vì buổi lễ khai giảng đầu tiên trong đời cháu lại chẳng đọng lại gì trong cháu. 

Tại ngôi trường thứ hai, cũng là những phần thủ tục và những màn biểu diễn văn nghệ tưng bừng trên sân khấu và kết thúc. Trường cũng có phần hội, đó là các trò chơi dân gian, nhưng … chỉ sáu học sinh được cô giáo chọn từ mỗi lớp mới có vinh dự được tham gia. Toàn bộ học sinh còn lại đều ra về. Con trai tôi, khi nghe thông báo có trò chơi dân gian, đã buộc miệng: “Chán” khiến tôi giật mình, bởi: chơi nhưng tụi con đâu có được chơi!

Khai giảng có vì học sinh? Điều học sinh cần đâu hề to tát, chỉ là được chơi, được hưởng thụ đúng nhu cầu. Chuyện không nằm ở chủ trương hay chính sách mà chính cách thức tổ chức từ chính mỗi nhà trường. Điều đó khó lắm chăng?

Tôi, cũng như rất rất nhiều phụ huynh khác luôn mong rằng năm học mới này nhà trường hãy giảm mạnh những thứ hình thức và gánh nặng không đáng có gây mệt mỏi cho cả giáo viên và học sinh, tập trung vào dạy và học thực tế, hiệu quả. Chỉ vậy thôi! 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm