Lúng túng thực hiện quyền tự chủ đại học

Sáng 18-3, hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập giai đoạn 2014-2017 diễn ra tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì.

Hội nghị tập trung thảo luận 11 kiến nghị liên quan đến việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập.

Tại sao làm khó trường trong nước?

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phần lớn các trường đều chưa dùng hết quyền tự chủ của mình nên còn nhiều vướng mắc. Trường ĐH tự chủ là con đường tất yếu phải làm, “tự chủ không có nghĩa Nhà nước buông, các trường muốn làm gì thì làm” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Một trong những vấn đề lớn được nhiều trường ĐH quan tâm là bất cập trong quy định về tỉ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu của Bộ GD&ĐT. Một số ý kiến cho rằng việc áp dụng theo như quy định thì nhiều trường sẽ không thể mở được ngành và xác định chỉ tiêu tuyển sinh vì không đủ giảng viên và đúng chuyên ngành của giảng viên cơ hữu theo các trình độ đã quy định. Trong khi một số trường ĐH quốc tế tại Việt Nam thiếu giảng viên cơ hữu vẫn mời giảng viên ở nước ngoài theo chế độ thỉnh giảng vào để dạy. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra câu hỏi rằng: “Tại sao họ lách được mà chúng ta lại làm khó cho các trường trong nước?”.

Thí sinh chuẩn bị hồ sơ nộp vào trường đại học Sài Gòn. Ảnh: HTD

Khó quản giảng viên thỉnh giảng

Giải đáp vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho hay Bộ khuyến khích các trường mời thêm giảng viên thỉnh giảng. các trường ĐH đều phải tính đến chỉ số giáo viên thỉnh giảng. Tuy nhiên, nếu cho các trường sử dụng giảng viên thỉnh giảng với số lượng lớn sẽ dẫn đến tình trạng tuyển giảng viên ồ ạt để mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh. Khi đó Bộ sẽ khó quản lý chất lượng đào tạo, các trường thì chạy theo lợi nhuận.

Cũng theo Thứ trưởng Ga, Việt Nam khó quản lý giảng viên thỉnh giảng. nếu một người ghi danh thỉnh giảng ở 10 trường thì Bộ không quản nổi. Trên thế giới, giáo viên thỉnh giảng và cơ hữu số lượng bằng nhau. Họ muốn giáo viên thỉnh giảng là những người có kinh nghiệm thực tế, người làm doanh nghiệp, có chức danh xã hội, tăng kiến thức thực tiễn cho sinh viên.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), có ý kiến: “Hiện nay quy định mở ngành của Bộ GD&ĐT cần một tiến sĩ và ba thạc sĩ đối với ĐH và sau ĐH là năm tiến sĩ, trong đó số này có ba tiến sĩ chuyên ngành. Một số trường hợp đặc biệt, Bộ GD&ĐT làm việc với cơ quan chủ quản để có cách tính khác”. Theo bà Phụng, Bộ không quản lý được số giảng viên thỉnh giảng. những người này sẽ làm việc ở nhiều vị trí khác nhau và dạy cho nhiều trường. Vì vậy, nếu tính chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên số lượng này rất khó đảm bảo chất lượng.

Ngoài vấn đề trên, quy định về quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện giống như doanh nghiệp nhà nước, tạo ngân hàng đề thi cho các trường… cũng được thảo luận khá sôi nổi.

Cho đến nay có 13 trường ĐH công lập trực thuộc các bộ, ngành trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, thực hiện Nghị quyết 77. Tuy nhiên, hầu hết trường được phê duyệt đề án trong năm 2015 nên thời gian thực hiện còn ngắn, nhiều trường tỏ ra vướng mắc, chưa đánh giá được đầy đủ các mặt tích cực và hạn chế của cơ chế này, có trường chưa rõ thẩm quyền đến đâu về tự chủ.

______________________________

Nếu các trường không tăng chỉ tiêu thì Bộ hoàn toàn ủng hộ và khuyến khích các trường mời nhiều giảng viên để nâng cao chất lượng giảng dạy, chỉ sợ các trường nâng giảng viên thỉnh giảng lên rồi lại đòi mở rộng quy mô đào tạo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT BÙI VĂN GA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm