Luật Giáo dục đại học cần thực chất và đổi mới

Tại hội nghị lấy ý kiến xây dựng Luật Giáo dục đại học (ĐH) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại TP.HCM ngày 28-4, GS Phạm Phụ thẳng thắn: “Chúng ta chưa có chiến lược, có nghĩa là chưa có chính sách mà vội vàng làm luật. Tôi có cảm giác luật này đưa ra không có tác dụng”.

Nhiều nội dung thụt lùi

TS Phạm Thị Ly, Trung tâm Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng: “Lẽ ra bộ luật này đưa ra một bộ khung pháp lý để giải quyết vấn đề xã hội hóa giáo dục một cách xác đáng nhất nhằm bảo vệ quyền lợi của người học cũng như bảo vệ lợi ích xã hội nhưng đáng tiếc dự thảo không có một điều khoản nào minh định những vấn đề tối quan trọng này”.

Về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH, GS-TSKH Phan Kỳ Phùng, nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng, nói: “Tính tự chủ của các trường chưa rõ ràng”. PGS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, dẫn chứng: “Các nước có hệ thống ĐH thành công hay tương đối thành công đều không có khái niệm chương trình khung của Bộ GD&ĐT, trong khi ở Việt Nam bị ràng buộc chiếm khoảng 85% nội dung chương trình. Bộ cần tăng sự tự chủ của cơ sở đào tạo trong việc định đoạt nội dung chương trình đào tạo. Nếu Bộ vẫn bảo lưu quan điểm cần can thiệp thì can thiệp cũng cần hạn chế. Dự thảo nên sửa lại quy định không quá 50% khối lượng kiến thức tối thiểu…”.

Luật Giáo dục đại học cần thực chất và đổi mới ảnh 1

Học chế tín chỉ bị bỏ quên trong dự thảo Luật Giáo dục ĐH. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong giờ thực hành. Ảnh: QUỐC DŨNG

GS Phạm Phụ bức xúc: “Tất cả những vấn đề gay cấn, khó khăn hiện nay thì dự thảo này đều tránh né hết. Trong khi chỉ viết những vấn đề chung chung, không cần thiết”. Theo GS Phụ, dự thảo này là một bước lùi so với Luật Giáo dục năm 2005 khi không có chỗ nào nhắc đến thiết chế hội đồng trường. Trong khi, cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục ĐH phải có hội đồng trường, để có tự chủ ĐH phải có hội đồng trường, quyền tự chủ giao cho hội đồng trường chứ không giao cho hiệu trưởng.

Còn xem nhẹ đào tạo

Về thời gian đào tạo, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân dẫn chứng: “Phương thức đào tạo theo tín chỉ còn lập lờ trong dự thảo. Nếu Bộ vẫn quyết định kể từ năm 2012 đào tạo trong toàn nền giáo dục ĐH theo tín chỉ thì tại sao không quy định phương thức đào tạo này trong luật?”. TS Lê Tấn Duy, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, nhấn mạnh: “Xu thế chung về đào tạo ĐH của chúng ta hiện nay là theo học chế tín chỉ. Đã đào tạo theo tín chỉ mà căn cứ vào thời lượng năm học là không cần thiết, thay vào đó nên căn cứ vào số tín chỉ người học tích lũy đủ theo quy định của trường và được Bộ đồng ý”.

GS Trân còn phân tích: “Dự thảo luật chưa quan tâm đến các trường CĐ nghề và việc liên thông từ các trường CĐ nghề lên ĐH để đào tạo cao hơn. Gần như Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT không muốn nhập với nhau. Trong khi tình hình thế giới hiện nay, phát triển khoa học và công nghệ bắt buộc dạy nghề cần nghiên cứu sâu. Vì vậy, Chính phủ không nên để kéo dài thêm nữa việc đào tạo nghề cấp CĐ và ĐH tồn tại song song và biệt lập với giáo dục ĐH”.

Một trong những vấn đề dự thảo luật né tránh là mô hình ĐH quốc gia, ĐH vùng. TS Lê Tấn Duy, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, nhìn nhận: “Hiện nay ở nước ta đang tồn tại các mô hình giáo dục ĐH khác nhau, đó là ĐH quốc gia, ĐH vùng, trường ĐH, học viện và viện ĐH. Chúng ta chưa có một đánh giá cụ thể nào đối với các mô hình này, cũng như hiệu quả hoạt động. Và dự thảo luật không hề nói đến ĐH quốc gia, ĐH vùng”.

PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đề nghị trong Luật Giáo dục ĐH cần có một chương quy định riêng về ĐH quốc gia, vì: “ĐH quốc gia là một cơ quan thuộc Chính phủ, có quyền tự chủ cao trong việc xây dựng tổ chức bộ máy. Cả nước hiện có hai ĐH quốc gia, nhất thiết phải làm rõ vị trí của ĐH quốc gia trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và trong hệ thống giáo dục ĐH nói riêng”. Ông Đạt cho biết đây không phải là lần đầu tiên ĐH quốc gia đề nghị đưa vai trò ĐH quốc gia vào Luật Giáo dục ĐH, vì đến nay luật này đã có nội dung dự thảo đến lần thứ tư.

Luật hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục ĐH

Luật Giáo dục ĐH chỉ nên ban hành khi nó đặt nền tảng pháp lý rõ ràng để giải quyết các yếu kém và bất cập hiện nay của giáo dục ĐH. Phải luật hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục ĐH nhằm hai mục tiêu: Một là phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp ĐH. Hai là tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được tiếp cận ngày càng nhiều với giáo dục ĐH.

GS-TSKH NGUYỄN NGỌC TRÂN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

Cần quy định giới hạn mức học phí

Các trường có được nhiều thầy giỏi, cơ sở vật chất tốt, phương pháp giảng dạy tốt phải có quyền đòi hỏi mức học phí cao và ngược lại. Do đó, cần có quy định dự kiến việc thiết lập một khung học phí với độ chênh lệch hợp lý giữa mức tối thiểu và mức tối đa. Tuy các trường có quyền tự ấn định mức học phí tương xứng với chất lượng giáo dục do mình cung ứng nhưng cũng phải loại trừ khả năng trường tận dụng lợi thế đó để ấn định mức học phí không hề tương xứng với chất lượng đào tạo, dù không vượt khung.

PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm