'Lớp phổ cập tiểu học' giữa lòng thành phố Biên Hòa

(PLO)- Trên con đường Điểu Xiển dẫn vào trạm ga Hố Nai, ít ai để ý trước cổng một căn nhà cấp 4, có treo tấm biển “Lớp phổ cập tiểu học”. Suốt 10 năm qua, tại đây có một lớp học tình thương của cô giáo Nguyễn Thị Dư (sinh năm 1950) lặng lẽ và cần mẫn một mình làm sự nghiệp “trồng người”. Chính tại lớp học đặc biệt này có nhiều trẻ em nghèo thất học biết được chữ cái đầu đời.

'Lớp phổ cập tiểu học' giữa lòng thành phố Biên Hòa ảnh 1
 Năm 2005, thấy nhiều đứa trẻ con dân nhập cư ở trọ xung quanh đến tuổi đi học vẫn ở nhà chơi đùa, thậm chí có đứa đã 11-12 tuổi mà “mù chữ”. Vì vậy, cô Dư mạnh dạn đề xuất lãnh đạo UBND và Đảng ủy phường Long Bình (TP.Biên Hòa) mở lớp dạy chữ cho con em lao động nghèo.

'Lớp phổ cập tiểu học' giữa lòng thành phố Biên Hòa ảnh 2
  Lớp phổ cập tiểu học mở tại căn nhà số 173/48T, tổ 22, khu phố 8, phường Long Bình, TP.Biên Hòa( tỉnh Đồng Nai). Tại đây, trẻ em được học chữ miễn phí hoàn toàn mà lại còn được chu cấp sách vở, bút viết, quần áo...

'Lớp phổ cập tiểu học' giữa lòng thành phố Biên Hòa ảnh 3
 Để mở được lớp, cô Dư mạnh dạn “phá” 2 căn phòng trọ của nhà đang cho thuê ở sửa sang thành... lớp học. Sau này, cô cảm thấy 2 căn phòng trọ quá chật hẹp so với sĩ số học sinh ngày tăng thêm, nên cô tiếp tục “phá” thêm...2 căn nữa. Và từ đó, trong căn phòng nóng bức, chỉ có 2 cái đèn compact và một chiếc quạt máy hàng ngày có cả trăm trẻ nhỏ đến tập đọc ê a những chữ cái đầu đời.

'Lớp phổ cập tiểu học' giữa lòng thành phố Biên Hòa ảnh 4
 Cô Dư chia trình độ của các trò nhỏ ra 3 nhóm lớp để thuận tiện cho việc kèm cặp. Nhóm lớp 1 thì cô cho các em tập rèn chữ, nhóm lớp 2 cô dạy tập đọc và nhóm lớp 3 thì dạy làm toán. Việc dạy các em cầm bút, tư thế ngồi học cho đúng cũng lắm gian nan... Vì đây là lớp học “đặc biệt” nên giáo án cô Dư soạn cũng rất “đặc biệt”, không theo một mẫu chương trình nào. Cô không dạy đại trà tất cả các môn mà chủ yếu tập trung 2 môn Tiếng Việt và Toán. Khi đã có kiến thức căn bản rồi, nếu em nào có điều kiện muốn học lên nữa thì xin ra các trường công lập hay dân lập.

'Lớp phổ cập tiểu học' giữa lòng thành phố Biên Hòa ảnh 5
 Ngoài dạy chữ, cô Dư còn chú tâm dạy những đứa trẻ nghèo thêm các kỹ năng sống như: biết cách chào hỏi, lễ phép và lòng nhân ái. Suốt 10 năm qua, cô Dư không nhớ mình đã dạy dỗ cho biết bao nhiêu em nhưng ướng lượng khoảng chừng...500 em.

'Lớp phổ cập tiểu học' giữa lòng thành phố Biên Hòa ảnh 6
  Lớp học phổ cập của cô Dư cũng đã nhận sự quan tâm của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương...

'Lớp phổ cập tiểu học' giữa lòng thành phố Biên Hòa ảnh 7
 ... và nhận được nhiều tấm lòng chia sẽ của những nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện khắp nơi. Đó cũng là sự an ủi, niềm tin và động lực để cho cô tiếp tục gắn bó với lớp học tràn ngập tình thương này.

'Lớp phổ cập tiểu học' giữa lòng thành phố Biên Hòa ảnh 8
 Niềm vui giản đơn của cô giáo già 65 tuổi chỉ là hàng ngày nhìn các học trò đọc thông, viết thạo và lễ phép với cha mẹ. “Tôi lặng lẽ “trồng người” không cần ai tôn vinh, hay danh hiệu gì. Tôi sẽ tiếp tục đứng trên bục giảng cho đến khi sức mòn lực kiệt mới thôi” - cô Dư bày tỏ.

Bài, ảnh : TRƯỜNG TRÍ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm