‘Lớp 9 vô trường nghề ra rồi ai dám nhận’

Hội nghị có 25/49 trường Cao đẳng (CĐ), Trung cấp (TC) chuyên nghiệp trước đây do Sở GD-ĐT TP.HCM quản lý tham dự. Hội nghị đã lắng nghe các ý kiến của các trường CĐ, TC sau khi chuyển sang hoạt động theo Luật GDNN có gì vướng mắc, để kiến nghị cơ quan chức năng, Bộ LĐ-TB&XH, quốc hội tháo gỡ.

Theo ông Ngọc, mới đây, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các trường phải chuyển đổi chương trình đào tạo theo Luật GDNN, tuy nhiên các trường hết sức lúng túng không biết chuyển đổi như thế nào, nên bỏ cái gì, giữ cái gì, vì yêu cầu hết sức chung chung, khó thực hiện.

Ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường TC Bến Thành cho rằng, các trường nghề đã có nhiều kiến nghị nhưng bặt vô âm tín. Ảnh: P.ĐIỀN

Đáng ngại hơn, thời gian đào tạo nghề bậc trung cấp 1-2 năm, với 35 tín chỉ, quá ít so với lượng kiến thức cần đào tạo. “Cần có thời gian và lộ trình để chuyển đổi, chứ... Tề Thiên cũng không chuyển đổi được. Tôi buồn vì Luật GDNN không bám thực tế, không lấy ý kiến người thực hiện”, ông Ngọc than phiền.

Vị hiệu trưởng của trường này nói thêm, trước đây học sinh THCS học nghề học thêm văn hóa, nay học sinh không học văn hóa, thử hỏi học sinh lớp 9 học nghề ra trường có ai nhận, vì chưa đủ tuổi đi làm. Chưa kể, việc liên thông còn bị ngắt khúc ra.

Đại diện Trường TC Phương Nam phàn nàn: Giai đoạn chuyển giao chúng tôi phải thực hiện hàng loạt văn bản của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT chồng lên nhau. Cụ thể, có 14 thông tư của Bộ LĐ-TB&XH, khung chương trình giáo dục quốc dân và chuẩn đầu ra của Chính phủ. Chuyển sang Bộ LĐ-TB&XH rồi không biết nghề có phát triển tốt hơn hay không. Theo tôi các bộ nên ngồi lại với nhau để bàn tính kỹ hơn”, vị này đề xuất.

Vị này cũng cho rằng, có sự bất bình đẳng giữa hệ thống trường công và trường tư thục về mặt bằng học phí và cơ chế tài chính, đất đai, khiến các trường tư khó cạnh tranh với trường công.

Ông Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường TC Nguyễn Hữu Cảnh, cho hay lâu nay có quan niệm nghề là cái gì đó thấp kém, trong khi kĩ sư, bác sĩ, luật sư…đều có tên gọi chung là nghề. “Từ CĐ trở xuống thì gọi là nghề, ĐH trở lên là hàn lâm. Có nên tồn tại sự chia cắt như thế này hay không”, ông Trung boăn khoăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm