Lạm phát học sinh giỏi: Bệnh thành tích mà ra

“Con cái chúng ta giỏi thật!”. Câu nói mang tính hài hước của nhà văn châm biếm nổi tiếng Azit Nexin người Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây đang được nhắc đến nhiều trên miệng các phụ huynh sau buổi họp cuối năm.

Tổng kết năm học 2013-2014, rất nhiều trường ở nhiều địa phương có tỉ lệ học sinh giỏi (HSG) cao chót vót. Một phụ huynh ở TP.HCM có con học bậc THCS đã đưa lên Facebook ảnh chụp lại kết quả cuối năm của lớp con mình. Bức ảnh cho thấy lớp có 50 em thì đã 49 là HSG, chỉ một HS khá. Truyền thông cũng đưa tin Trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP Huế, Thừa Thiên-Huế) có tỉ lệ HS khá, giỏi chiếm đến 99,6%; riêng số HSG đạt mức kỷ lục 1.040 HS/1.267 HS toàn trường!

Chưa kịp vui giờ đây dư luận phụ huynh tỏ ra nghi ngại: Tình trạng lạm phát HSG đang hồi phục và có chiều hướng tăng nhanh.

Ảnh của một phụ huynh ở TP.HCM đưa lên Facebook báo động tình trạng lạm phát học sinh giỏi.

“Theo tôi không có gì bất thường!”

Tuy nhiên, khi trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, về tình trạng lạm phát HSG ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương, ông lại có cách nhìn khác.

Trả lời câu hỏi: “Trước dư luận phụ huynh nghi ngại về tình trạng lạm phát HSG ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương, ông có nhìn nhận như thế nào”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nói: “Trường THCS Nguyễn Tri Phương là trường trọng điểm, chất lượng cao của tỉnh. Đầu vào của trường được tuyển rất khắt khe. Trên cơ sở đó, tôi khẳng định kết quả mà Trường THCS Nguyễn Tri Phương đạt được là thực chất và đáng tin cậy”. Ông Sơn còn cho biết kết quả đó không có gì là đột biến và bất thường cả. Hầu như năm nào trường này cũng đạt được kết quả cao tương đương như thế.

Các giáo viên cho biết ngay vào đầu năm học họ phải đăng ký chỉ tiêu HSG, do đó cuối năm phải tìm mọi cách để tỉ lệ HSG đạt kế hoạch đăng ký, nếu không sẽ ảnh hưởng kết quả thi đua, bình bầu cuối năm. Bởi vậy dù không muốn nhưng giáo viên đành phải chạy theo thành tích. Giáo viên Trường THCS Nguyễn Tri Phương cũng không phải là một ngoại lệ. Về việc này, ông Sơn diễn giải: “Theo tôi, muốn làm việc gì ta cũng phải xác định mục tiêu. Để đạt được mục tiêu phải xây dựng kế hoạch thực hiện. Giáo dục để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng thì cũng phải xác định được các nhiệm vụ trọng tâm và các chỉ tiêu về chất lượng. Tôi nghĩ đối với Trường THCS Nguyễn Tri Phương cũng vậy, giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm phải đăng ký chỉ tiêu HSG là hợp lý”.

Nguy cơ tạo ra con người dối trá

“Khi nhìn vào một kết quả đẹp, toàn bộ hoặc hơn 2/3 HS trong lớp được loại giỏi, tôi thấy rất bất thường. Làm gì có kết quả giáo dục kiểu như vậy được!”. ThS Ngô Minh Uy, Tổng Thư ký Hội Khoa học tâm lý-giáo dục TP.HCM, mở đầu câu chuyện như vậy.

Nói về nguyên nhân, ThS Uy cho rằng việc đào tạo ra hàng loạt HSG như thế đang phục vụ cho những yêu cầu, thành tích của nhà trường, của người lớn chứ không phải phục vụ cho việc học tập của HS. ThS Uy khẳng định cách đánh giá HSG như hiện nay là dối trá và báo động về lâu dài sẽ tạo ra cho xã hội gồm những con người dối trá.

ThS Uy cho rằng vấn đề này không thể trách giáo viên, mà nó là hệ quả của bệnh thành tích kéo dài. “Đáng nói hơn, giáo viên không thể giữ vững đạo đức nghề nghiệp khi có một bộ phận trong nhà trường chạy theo kiểu như vậy. Nếu giáo viên nào làm việc thực tâm, thực lòng trong lớp để đánh giá trò thực chất thì lại thành lạc loài, cá biệt” - ông nói.

GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cũng cho rằng lạm phát HSG càng ngày càng tăng. Tất cả đều là do bệnh thành tích. “Lớp học mà ít HSG thì giáo viên chủ nhiệm bị phê bình. Trường học ít HSG thì hiệu trưởng bị phê bình” - GS Cương nói.

 “Không dừng lại ở góp ý nữa”

Bàn về giải pháp xóa bỏ thực trạng lạm phát HSG, ThS Uy khẳng định để giải quyết thực trạng này không còn dừng lại ở góp ý nữa, mà đây là vấn đề của cả một hệ thống giáo dục từ trên xuống. Những người có trách nhiệm phải thực sự cùng ngồi lại, nhìn nhận tổng thể để thay đổi cách giáo dục và đánh giá HS như hiện nay. Ông cho rằng: “Sự phát triển toàn diện của một đứa trẻ không phải là việc các em được điểm cao hay thấp trong trường học, mà nó là chất lượng thực sự của việc tích lũy kiến thức, năng lực…”.

Còn theo GS Cương, ngành giáo dục đã phát động “Cuộc vận động nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong giáo dục” từ nhiều năm nay nhưng thiếu sự quyết tâm của toàn ngành giáo dục. “Cần phải thực hiện nghiêm túc. Toàn ngành phải quyết tâm học thật, dạy thật, thi thật, cho điểm thật mới mong xóa được thực trạng đáng buồn trên” - GS Cương nhấn mạnh.

V.LONG - H.HÀ - P.ANH

 

Việc lạm phát HSG hiện nay có tác động xấu không chỉ với HS mà còn tác động xấu tới xã hội. HS có thể xin điểm một cách dễ dàng thì cần gì phải học. Cơ chế xin-cho quá dễ làm cho HS lười học, không còn động lực để phấn đấu và rèn luyện. Mà xã hội toàn người giỏi “ảo” thì không thể phát triển.

GS VĂN NHƯ CƯƠNG, Hiệu trưởng Trường THPT
Lương Thế Vinh (Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm