Lại điệp khúc trường lớp quá tải

Ngành GD & ĐT TP.HCM phải tìm cách giải quyết tận gốc việc quá tải trường lớp. Đó là ý kiến được nhiều đại biểu nêu ra tại hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2015-2016 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức sáng 26-8.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, cho biết năm nay toàn TP tăng hơn 85.000 học sinh (HS) các cấp học. Ngay đầu năm học, TP đã đưa vào sử dụng gần 1.000 phòng học mới nhưng tại nhiều trường học vẫn xảy ra quá tải, nhất là ở bậc tiểu học và mầm non. Để đảm bảo có đủ chỗ học cho HS buộc ngành giáo dục TP phải giảm các lớp bán trú ở bậc tiểu học.

Theo ông Nam, nguyên nhân thiếu trường lớp là do khi xây dựng quy hoạch trường lớp đã thiếu dự báo về tốc độ tăng dân số cơ học nên đến nay quy hoạch bị phá vỡ. “Tuy nhiên, ngành giáo dục đã có sự chuẩn bị về trường lớp, đội ngũ giáo viên. Dù chưa thể đạt chuẩn nhưng TP sẽ đảm bảo tất cả HS đều có chỗ học, không phân biệt thường trú hay nhập cư” - ông Nam trấn an.

Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp, TP.HCM) có hơn 90 lớp, hơn 4.000 HS, là trường tiểu học đông nhất nước nên luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: P.ANH

GS Trần Đông A, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ VN, lo ngại sĩ số HS/lớp tăng cao, lớp bán trú giảm, một số nơi trong TP nói không có đất sạch để xây trường, có trường lên đến cả trăm lớp thì chất lượng giáo dục khó đảm bảo tốt được. GS Đông A còn bày tỏ HS học nhiều mà cũng không có sân để vận động thì sức khỏe sẽ thế nào. “Chúng ta phải có giải pháp chứ cứ kéo dài thế này tôi sợ các em đầu thì càng to vì học nhưng người yếu ớt thì không làm được gì cả” - GS Đông A nói.

TS Hồ Hữu Nhựt, Ủy viên Ủy ban MTTQ VN TP, cho rằng muốn giải quyết vấn đề thiếu trường lớp thì phải giải quyết trước vấn đề tăng dân số cơ học. “TP phải có giải pháp chứ cứ để dân số ngày một tăng thì áp lực lên trường lớp không sao hết được” - TS Nhựt nói.

Còn ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP, đề nghị chủ đầu tư các khu chế xuất, khu công nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng trường lớp, đảm bảo chỗ học cho con em người lao động.

Ông Danh cũng đề nghị Sở nên cân đối chất lượng giáo dục giữa các trường. Hiện nay có tình trạng trường thì không ai muốn vào học, có trường thì người dân xếp hàng từ nửa đêm xin học cho con.

Ghi nhận những ý kiến này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Lê Hoài Nam cho biết sắp tới Sở sẽ cùng với các quận, huyện rà soát lại quy mô phát triển giáo dục để có những điều chỉnh quy hoạch trường lớp kịp thời. Đồng thời TP đã và đang tiếp tục hoàn tất các dự án trường học để kéo giảm sĩ số, số lớp tại các trường đông HS.

Lấy đâu đất xây trường?

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 19 sáng 26-8, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết năm học 2015-2016 dự kiến HS toàn TP sẽ tăng khoảng 85.000 em so với năm học trước. “Với số lượng này thì thử hình dung sẽ phải tăng bao nhiêu phòng học mới đủ? UBND TP đang rất lo, bản thân tôi cũng trực tiếp đi kiểm tra ở Bình Tân và Bình Chánh. Với tình hình gia tăng dân số cơ học này, đến năm 2020 chúng ta không biết lấy đất đâu ra mà xây trường học” - ông Quân băn khoăn.

Ông Quân cũng cho biết Sở Nội vụ TP đã đề xuất tăng 4.000 biên chế cho ngành giáo dục nhưng không được chấp nhận vì Bộ Nội vụ yêu cầu tinh giản biên chế, nghị quyết của Bộ Chính trị cũng yêu cầu không được tăng biên chế. TP đang rất đau đầu vì thiếu giáo viên.

TÁ LÂM

Hiện nay, ban giám hiệu nhiều trường coi đồng phục HS là nguồn phúc lợi cho trường. Nhiều phụ huynh kêu ca đồng phục đã xấu lại còn mắc. Sở nên tìm hiểu và giải quyết rốt ráo ngay, tránh việc phụ huynh tốn nhiều tiền và làm mất ý nghĩa nhân văn của việc mặc đồng phục.

Ngoài ra, Sở nên tính toán lại các mức thu để làm sao tất cả gia đình ở mọi hoàn cảnh đều có thể yên tâm cho con đi học được.

Ông NGUYỄN HỮU DANH, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm