Kỳ thi quốc gia không gây xáo trộn nhiều trong dạy và học

Năm 2015, kỳ thi sẽ được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12-6. Kết quả của kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp và là căn cứ để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh vào trường.

Không thay đổi nhiều việc dạy và học

Phương án thi mà Bộ GD&ĐT công bố cơ bản như phương án một, nghĩa là thí sinh phải thi ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lí. Ngoài ra, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH-CĐ.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH-CĐ. Đối với thí sinh không học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), người chấp bút soạn thảo đề án cho biết tư tưởng của kỳ thi quốc gia trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của kỳ thi ĐH-CĐ ba chung, đặc biệt là những thành công của kỳ thi ĐH năm 2014. Kỳ thi quốc gia không làm thay đổi nhiều hoạt động dạy học ở các nhà trường. Việc tổ chức các cụm thi trên nền tảng các cụm thi ĐH, và sẽ mở rộng ra các cụm thi  khác do các trường ĐH chủ trì.

“Việc thiết kế kỳ thi quốc gia, giữ những gì tốt nhất, tinh túy nhất của kỳ thi ba chung. Mang lại thuận lợi nhất cho học sinh, không gây khó khăn và xáo trộn cho học sinh” – ông Trinh nói.

 

Lãnh đạo Bộ Giáo dục tại buổi họp báo. Ảnh: Huy Hà

Thứ trưởng Bùi Văn Ga, cho biết Bộ sẽ thành lập các cụm thi, mỗi cụm thi sẽ có 30-40 nghìn thí sinh, để không gây quá tải cho các cụm thi, đảm bảo thí sinh đi lại thuận tiện và gần nhất có thể.

Về vấn đề nhiều trường cho biết sẽ tổ chức thêm một kỳ thi bên cạnh kỳ thi quốc gia, vậy Bộ có lo ngại sẽ nặng nề và tốn kém hơn không? Ông Ga cho biết Luật Giáo dục ĐH cho phép các trường tổ chức tuyển sinh riêng theo yêu cầu đào tạo từng trường. “Như đã nói ở trên, mục đích của kỳ thi quốc gia là đích cung cấp cơ sở dữ liệu tin cậy để các trường tin tưởng sử dụng kết quả này. Tuy nhiên, những trường có yêu cầu cao, trường tinh hoa, trường đào tạo nghiên cứu có thể có kỳ thi thêm để tuyển sinh. Tuy nhiên các trường sẽ chọn phương án tối ưu nhất, đỡ tốn kém và phiền hà nhất. Bộ không khống chế số trường tổ chức thêm kỳ thi riêng” – ông Ga nhấn mạnh.

Năm nay, tất cả dữ liệu của kỳ thi như điểm số, thống kê phổ điểm sẽ công khai đưa lên mạng để các trường có căn cứ đưa ra mức điểm tuyển sinh.

Đề thi không gây “sốc”

Về đề thi, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết đề thi khá giống đề thi tuyển sinh ĐH năm 2014, đảm bảo yêu cầu tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH. Nội dung đề thi ở chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Trong đề thi vừa có phần nhận biết, thấu hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh. “Đề thi vẫn ra theo hướng mở, tất nhiên phải làm cho nó đậm lên, học sinh phải vận dụng kiến thức liên môn để làm bài thi. Tiếp tục điều chỉnh để tiệm cận với chương trình đổi mới sách giáo khoa, tuy nhiên không gây khó nhiều cho học sinh” – ông Nghĩa thông tin.

Ông Ga, nhấn mạnh chủ trương của Bộ là không gây xáo trộn nhiều và hoang mang trong học sinh, đặc biệt các em thi ĐH sắp tới. “Trước mắt cũng chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình phổ thông. Vì vậy, các em thí sinh yên tâm học tập, không có gì phải hoang mang, lo lắng. Những đổi mới của kỳ thi đều nhằm theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi, tạo cho các em nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp” – ông Ga nhấn mạnh.

Ông Hiển cho biết đề thi sẽ không tách riêng phần để xét tốt nghiệp hay tuyển sinh. Cũng không tách riêng phòng thí sinh nào thi tốt nghiệp, thí sinh nào thi cả ĐH. Nhưng có sự phân hóa trong đề thi. Và điểm để xét tuyển ĐH sẽ cao hơn điểm xét tốt nghiệp.

Liên quan đến vấn đề học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ như thế nào sẽ được công nhận miễn thi môn này, ông Nghĩa cho biết Bộ sẽ có quy định cụ thể về danh mục các chứng chỉ được công nhận, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "mua" chứng chỉ ngoại ngữ để xét tốt nghiệp.

Đăng ký nguyện vọng sau kỳ thi

Một điểm mới của kỳ thi quốc gia là thí sinh sẽ đăng ký vào các trường ĐH-CĐ sau khi có kết quả thi.

Theo đó, trước ngày 1-1 hằng năm, các trường ĐH-CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Căn cứ kết quả thi, Bộ GDĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định của quy chế. Riêng các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố công khai Đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của quy chế. 

Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nghĩa cho biết việc tổ chức một kỳ thi quốc gia rất có lợi cho thí sinh, tránh hoàn toàn rủi ro mà quy định của kỳ thi “ba chung” trước đây, có thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH.

Ông Ga bổ sung thêm một thí sinh có thể đăng ký bao nhiêu nguyện vọng phụ thuộc điều kiện do các trường quy định. Căn cứ kết quả thi, các em phải lượng sức mà đăng ký. Trước đây khi chưa có kết quả thi các em đã đăng ký nguyện vọng nên dẫn đến tình trạng thí sinh ảo nhiều. Bây giờ tuyển theo yêu cầu của trường và kết quả thi của thí sinh, hy vọng tình trạng thí sinh ảo sẽ giảm bớt.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập.