Kiến nghị viết lại sách đạo đức

Sau hội thảo “Giáo dục đạo đức trong trường phổ thông” hồi cuối năm 2007, mới đây Sở GD&ĐT TP.HCM đã chính thức có văn bản kiến nghị Bộ GD&ĐT cho viết lại chương trình môn đạo đức trong nhà trường phổ thông.

Giáo dục đạo đức chưa đạt yêu cầu

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết:

Với chức năng dạy “làm người”, chương trình giáo dục đạo đức trong nhà trường phổ thông là vô cùng quan trọng. Trong những năm gần đây, với giáo trình đạo đức ở tiểu học và giáo dục công dân ở trung học (trong bài này dùng từ “đạo đức” để chỉ chung hai môn học này - PV) do Bộ GD&ĐT ấn hành đã có những chuyển biến tích cực, tuy vậy so với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay của đất nước, chúng tôi thấy cần phải có sự xem xét một cách khoa học về nội dung chương trình để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức trong trường phổ thông.

+ Ông có thể chỉ ra những bất cập trong chương trình môn đạo đức hiện nay ở trường phổ thông?

. Môn đạo đức hình thành nhân cách, xây dựng người công dân tốt, dưới gốc độ sư phạm của nhà trường cần thiết phải được thiết kế theo một quy trình phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, tạo điều kiện để giáo viên có thể thể hiện được phương pháp dạy học tương ứng với bộ môn và đặc biệt là phải làm nổi bật những phẩm chất cơ bản của con người mới đáp ứng với yêu cầu xã hội. Chương trình giáo dục đạo đức hiện nay xuyên suốt từ tiểu học cho đến THCS và THPT thể hiện có phần quá tải nhưng chưa làm rõ được các yêu cầu, mong muốn nói trên.

Dạy đạo đức kiểu thực hành

+ Môn đạo đức luôn được thầy và trò xem là môn học phụ, thời lượng phân bổ cho môn học này không nhiều, có phải đó là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “học cho có” và “dạy cho xong” trong nhà trường?

. Quan điểm xây dựng hệ thống giáo dục của ta từ xưa là theo khoa bảng, môn học nào học sinh không thích học thì phải thi để buộc học sinh phải học. Quan điểm này không còn phù hợp với quan điểm đổi mới ngày nay. Vấn đề là phải làm sao cho học sinh ham thích học tập mà không cần phải bắt buộc qua con đường thi cử nặng nề. Với quan điểm như vậy, vấn đề hiện nay được đặt ra là phải đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, nhất là đổi mới môn đạo đức - môn học gắn liền với đời sống hàng ngày. Thực tế, hiện tượng dạy môn đạo đức chưa đạt chất lượng đồng đều trong nhà trường phổ thông hiện nay là có. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là nội dung chương trình quá tải những kiến thức về triết học, về luật pháp nhưng lại còn thiếu những vấn đề thực hành kỹ năng sống. Tính hệ thống của chương trình cũng chưa được thể hiện rõ.

+ Nếu được phép cho viết lại chương trình môn đạo đức thì sẽ bắt đầu từ cấp học nào và làm gì để giờ học môn này sinh động hơn?

. Như đã nêu ở phần trên, những yêu cầu mong muốn nói trên phải thành những nguyên tắc để biên soạn giáo trình. Trước hết phải xác định những phẩm chất cơ bản của con người mới. Những phẩm chất nhân, lễ, nghĩa, trí, tín trước đây, ngày nay là gì? Trên cơ sở đó mà thiết kế chương trình từ thấp tới cao, từ chuyện kể đến thực hành (ví dụ giáo dục lòng nhân cho học sinh tiểu học là những câu chuyện kể, còn đối với học sinh bậc học cao hơn là những tình huống, cách đối xử thế nào là lòng nhân...), phân tích theo vòng tròn đồng tâm từ bậc tiểu học cho đến THCS, THPT. Cách trình bày cần làm rõ các khái niệm đạo đức với pháp luật và kỹ năng sống cho người công dân mới. Điều quan trọng là chương trình phải gọn nhẹ, cơ bản là tạo điều kiện để giáo viên hướng dẫn cho học sinh thực hành, không nên sa đà quá nhiều nội dung ở mức độ thông tin theo kiểu kinh điển hàn lâm. Chúng ta không có khả năng dạy hết những tri thức về đạo đức cho học sinh trong nhà trường phổ thông nhưng chúng ta phải đặt để một cách chắc chắn, vững bền những phẩm chất cơ bản của con người mới về trách nhiệm, về lòng yêu thương, về sự hợp tác trong lao động. Trên cơ sở ấy mà gợi mở, định hướng cho học sinh phát triển những phẩm chất tốt đẹp trong cuộc sống hơn là dạy quá nhiều mà trong thực tế giá trị đạo đức không được bảo vệ và thực thi.

+ Xin cám ơn ông.

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm