Không nên 'lôi kéo' con trẻ phản đối các hành vi sàm sỡ

 Clip: HLV Muay Thái Trần Trung Sơn dạy học sinh đối phó với kẻ sàm sỡ.

Thiếu tá, TS.Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an đã nhận định như trên tại tọa đàm “Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em – chống được không?" tổ chức sáng 8-4.

Buổi tọa đàm do ttrường THPT Nguyễn Du, TP.HCM phối hợp với báo Tiền Phong và một số đơn vị tài trợ tổ chức.

Thiếu tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lâm cho biết, những ngày qua sự việc khiến dư luận quan tâm nhất là vụ một người đàn ông sàm sỡ với bé gái trong thang máy tại chung cư Galaxy 9 (quận 4, TP.HCM). Sau khi sự việc xảy ra, nhiều cư dân Galaxy 9 trong đó có 3 mẹ con đã cùng mặc áo đồng phục in dòng chữ “Lạm dụng tình dục là tội ác”, “Cùng lên tiếng bảo vệ trẻ em gái” để phản đối hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy.

“Điều đáng nói, phong trào này có sự tham gia của rất nhiều trẻ em. Theo quan điểm của tôi thì đó là việc làm không nên. Đối với trẻ, sự phân định giữa cái đúng và cái sai, việc nên làm và không nên làm còn mơ hồ. Hai em nhỏ kia làm theo mẹ không phải xuất phát từ nhận thức mà xuất phát từ sự điều khiển của mẹ”.

Học sinh thích thú với những chia sẻ từ các chuyên gia liên quan đến vấn đề bạo lực học đường, ấu dâm. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Một khi người lớn “lôi” trẻ em vào một sự phản bác nào đó thì các em sẽ phải hiểu vì sao mình tham gia và vì mục đích gì. Do đó các em sẽ biết rõ câu chuyện không hay. Điều này vô hình chung người lớn đã tiêm nhiễm một câu chuyện tiêu cực, thay vì có thể xây dựng những kỹ năng, giá trị sống tích cực cho các em. Vậy tại sao chúng ta không chọn phương án cung cấp cho con những thông tin tích cực để các con có sự phản kháng trước những hành vi tiêu cực?”, ông Lâm đặt vấn đề.

Tại sao chúng ta không chọn phương án cung cấp cho con những thông tin tích cực để các con có sự phản kháng trước những hành vi tiêu cực 

Cũng theo ông Lâm, sau khi biết được thủ phạm gây ra vụ sàm sỡ, cư dân mạng đã đăng tải nhiều thông tin bêu rếu người này. Việc làm này không đúng vì nó ảnh hưởng đến quyền con người. Một cá nhân khi chưa có bản án của tòa thì người đó không phải là tội phạm, hoặc khi học chưa có kết luận của cơ quan chức năng thì người đó vẫn là công dân bình thường, được pháp luật bảo vệ.

"Vấn đề mấu chốt là khi chúng ta đứng trước sự việc đó, cần phải có một cái đầu lạnh, trái tim nóng và một tư duy tích cực để ứng xử một cách chuẩn mực, phù hợp và văn minh. Đấy là vấn đề mấu chốt của một xã hội văn minh chứ không phải chúng ta thể hiện một cách cực đoan", ông Lâm nói tiếp. 

“Thay bằng việc đưa lên những status hay comment một cách cực đoan thì chúng ta comment hoặc đưa theo kiểu định hướng xã hội sẽ tốt hơn. Nếu chúng ta không am hiểu tốt nhất không nên tham gia. Thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ việc đau lòng từ những hành động này, đôi khi tước đoạt cả mạng sống của một cá nhân. Đó là điều không nên", ông Lâm nhấn mạnh.

Ông Lâm cũng cho biết, thời gian qua tình trạng bạo lực học đường cũng nóng lên. Điển hình là sự việc một học sinh tại Hưng Yên bị bạn lột đồ và đánh đập. Đáng lo ngại, nhiều người cho rằng nên đuổi học 5 học sinh đánh bạn để răn đe.

“Tôi không đồng tình với giải pháp này vì con người tồn tại trong 3 môi trường gia đình, xã hội và nhà trường. Trong đó, môi trường xã hội học sinh không tham gia nhiều, gia đình là nơi hình thành sự yêu thương, nhân cách mang tính sơ khai và mang tính chất nền tảng. Còn nhà trường chính là nơi đào luyện để trở thành một con người căn bản, hoàn chỉnh. Vậy khi đuổi học nghĩa là chúng ta đã tước đi cơ hội để họ hướng thiện. Trong giáo dục, một nguyên lý bất di bất dịch phải là giáo dục họ để họ trở thành những công dân có ích chứ không phải chúng ta chăm chăm khi họ vi phạm thì xử lý, đuổi học. Tôi cho rằng đó là phản giáo dục. Trong từng sự việc cụ thể phải xác định được căn nguyên của vấn đề để đưa ra giải pháp phù hợp”, ông Lâm chia sẻ thêm.

Bà Phan Thị Hoài Yến, giảng viên môn Tâm lý học, trường Đại học Y dược TP.HCM, cho biết khi biết trẻ bị xâm hại thì việc đầu tiên các bậc phụ huynh hãy tạo cho con một môi trường an toàn. Nghĩa là ở đó con cảm thấy được bảo vệ, được vỗ về, yêu thương. Phụ huynh cần phải cho con biết lỗi không do con, phải làm cho con bình tâm bằng cách ở bên cạnh con nhiều hơn.

Tiếp đó, phụ huynh hãy đưa trẻ đến chuyên gia tâm lý. Bởi sự việc xảy ra, bản thân con trẻ đã bị tổn thương, chịu cú sốc quá lớn. Trong trường hợp này, chỉ có những chuyên gia tâm lý  mới có khả năng chữa lành vết thương.

"Một thực tế hiện nay là mỗi khi một sự việc xảy ra lại có quá nhiều thông tin được đưa một cách rộng rãi. Thậm chí tên các nạn nhân đưa ra công khai nên nhiều người cảm thấy tội nghiệp cho các em. Các em đi đâu cũng có người nhìn, tỏ vẻ thương xót. Thực tế, các em không cần cảm thấy thương xót mà cần phải được hỗ trợ tâm lý để vượt quả”, bà Yến chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm