Không cho trường tư dạy luật, báo chí vì ngại?

. Cơ sở nào để Bộ GD&ĐT không cho phép trường tư thục đào tạo ba ngành sư phạm, luật và báo chí, thưa ông?

Ông Văn Đình Ưng, Phó Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT: Đã có việc một số trường tư thục có sự đầu tư của nước ngoài thao túng nội dung chương trình giảng dạy ở một số lĩnh vực được coi là nhạy cảm. Họ lồng ghép vào chương trình giảng dạy một số nội dung chưa phù hợp. Ngoài ra, bộ e ngại một số trường dân lập sẽ không đảm bảo quan điểm chính trị trong một số nội dung giảng dạy.

Mặt khác, để giảm bớt kinh phí khi mời giảng viên, có trường đã gộp mỗi tiết vài trăm sinh viên/lớp. Như vậy làm sao đảm bảo được chất lượng tiếp thu của sinh viên.

. Ông có cho rằng vì những cấm đoán mà một số trường đại học tư thục sẽ lách bằng cách đăng ký mã ngành đào tạo khác nhưng bản chất lại không thay đổi. Có thể kiểm soát được không, thưa ông?

+ Hiện nay Bộ đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của tất cả bộ, ngành, người dân. Bộ sẽ lấy ý kiến lắng nghe, kết hợp với nhiều chuyên gia để có chỉnh sửa và có quyết định cuối cùng.

Không cho trường tư dạy luật, báo chí vì ngại? ảnh 1

Thực tế đã có nhiều sinh viên học đại học tư vẫn thành nhà báo giỏi . Ảnh minh họa: TỐ NHƯ

. Thậm chí việc cấm đoán này sẽ làm mất đi rất nhiều cơ hội của học sinh?

+ Hiện nay có nhiều trường có dạy ngành sư phạm đang không đủ người học và phải chuyển sang đào tạo đa ngành. Họ cứ kéo dài tình trạng như vậy thì sẽ rất ảnh hưởng chất lượng dạy và học. Chính vì vậy Bộ GD&ĐT muốn “gói gọn” đối tượng để tập trung đầu tư hơn về cơ sở vật chất, con người, trang thiết bị, giáo trình.

. Có ý kiến cho rằng vô hình trung sẽ tạo ra cơ chế độc quyền trong giáo dục đào tạo, đi ngược với chủ trương xã hội hóa giáo dục của nhà nước. Ông nghĩ sao?

- Điều này cũng… không sai. Vì vậy, Bộ đang rất cần ý kiến đóng góp của nhiều đối tượng. Cá nhân tôi thì cho rằng không phải bất kỳ trường tư thục nào cũng không đủ điều kiện tốt để đào tạo ba ngành học trên.

. Xin cảm ơn ông.

Ông Võ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tư thục Phương Đông, Đà Nẵng:

Rào cản vô lý!

Bản thân tôi không chấp nhận một số trường vẫn tổ chức tuyển sinh, đào tạo trong khi không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ giảng viên…Thế nhưng nếu vì lý do đó mà Bộ cấm tất cả trường tư thục sẽ là bất công. Đây sẽ là rào cản nhu cầu học của rất nhiều sinh viên hiện nay và đi ngược với xu hướng phát triển một nền giáo dục hiện đại, tiên tiến. Chúng tôi có điều kiện thuê giáo viên giỏi, có điều kiện cơ sở vật chất tốt, thậm chí đang đào tạo rất tốt ngành, sinh viên ra trường được nhiều nơi tiếp nhận. Tại sao lại không được tiếp nhận sinh viên?

Ông Vũ Như Cương, Phó Hiệu trường Trường dân lập Đông Đô, Hà Nội:

Đừng phân biệt đối xử

Nếu quy định trên được ban hành thì sẽ hình thành sự phân biệt đối xử hai loại hình đào tạo trong khi trường công, tư chỉ khác nhau về nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra, nhà nước đang khuyến khích các trường tư nâng chất lượng giáo dục. Một luật sư giỏi, một nhà báo viết hay cũng không phải do họ được đào tạo trong một trường đại học “xịn”. Ở những nước có nền giáo dục phát triển, nhiều trường đại học tư thục vẫn đào tạo những chuyên ngành trên.

Chẳng lẽ trường tư không đáng tin cậy, trình độ chính trị của giáo sư, phó giáo sư là thành viên nhà trường không vững vàng hay sao?

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT:

Phải thống kê chất lượng đào tạo trước

Việc Bộ GD&ĐT không cho phép đào tạo những ngành này cũng có cơ sở. Tuy nhiên, chúng ta đang trong quá trình hội nhập với nhiều nước. Vì vậy, muốn chuyển đổi những ngành phức tạp này sang một cơ sở tư thục thì cần có lộ trình, có thời gian. Chúng ta không nên so sánh kiểu “chất lượng đào tạo trường công lập tốt hơn trường tư thục”, bởi có nhiều trường tư thục tốt lắm chứ.

Đã đến lúc Bộ GD&ĐT nên có thống kê về chất lượng đào tạo những mảng này tại các trường tư thục. Không có luật nào quy định uy tín của một cơ sở đào tạo mà người ta sẽ nhìn trực diện vào chất lượng đào tạo của các trường đó.

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm