Khát khao con chữ giữa Sài thành - Bài 3: Lặng lẽ gieo chữ trong đêm

“Các cô chú cho học bổng, bánh kẹo, các con nhận phải biết cảm ơn và quý trọng, nghe chưa? Thực ra ai cũng có thể cho và nhận vì chúng ta cho đi cũng chính là chúng ta đang nhận lại. Cho cũng có nhiều cách cho nhưng việc dễ nhất mà ai cũng có thể cho được chính là tình thương. Như các con chia sẻ với bạn có chuyện buồn cũng là cho. Bạn nghèo hay bạn làm bài sai, mình đừng chế giễu bạn mà hãy giúp bạn học bài tốt hơn cũng là cho… Bữa nào đi học, con có cái bánh, bạn kia nhìn thèm quá, con bẻ cho bạn nửa cái bánh được không? À, con cho bạn cái bánh chính là con đã nhận rồi đó, cái bánh không là gì nhưng đó là mình cho bạn tình thương, con nhận được gì, chính là sự biết ơn của bạn đối với mình. Các con hiểu chưa, các con có thấy thực hiện được cái cho không, bạn nào làm được giơ tay thầy coi?”.

Tất cả học sinh trong hội trường giơ tay và đồng thanh đáp: “Dạ được!”.

Giáo dục bằng tình thương

Thầy Huỳnh Thúc Tịnh, ngoài 60 tuổi, Hiệu trưởng Trường Phổ cập Tiểu học ban đêm phường 12, quận Bình Thạnh, đã giảng cho học trò như thế tại một buổi hỗ trợ của mạnh thường quân cho học sinh (HS) vào một ngày cuối tháng 10 vừa qua. Những câu nói đó của thầy với HS cũng chính là động lực để thầy nhận và quản lý trường đến tận bây giờ.

Khát khao con chữ giữa Sài thành - Bài 3: Lặng lẽ gieo chữ trong đêm ảnh 1

Thầy Huỳnh Thúc Tịnh nói chuyện với HS về câu chuyện “cho và nhận” trong một buổi trao học bổng từ mạnh thường quân cuối tháng 10 vừa qua. Ảnh: PHẠM ANH

Gọi trường vì nơi đây dường như là nơi đông HS nhất quận, năm nào cũng trên dưới 80 em. Mặc dù, thầy Tịnh đã công tác tại nhiều trường trong địa bàn quận nhưng hơn 15 năm nay thầy vẫn giữ nhiệm vụ quản lý trường này.

Với thầy Tịnh, ai muốn học chữ một cách nghiêm túc thì cứ đến gặp thầy không kể tuổi tác, hoàn cảnh. Tuy nhiên, HS phải nề nếp, quần xanh áo trắng, khăn quàng đỏ, tóc tai gọn gàng vì học chữ cũng là học làm người. Nhà trường và giáo viên đã nhận dạy là phải có trách nhiệm, phải xây dựng nhân cách để các em thành người. “Có nhiều em bản tính quậy, hư nhưng tôi không thể đuổi vì trường học là nơi cuối cùng níu các em, nếu trường đuổi thì các em sẽ ra sao, biết đâu còn gây hậu quả khôn lường. Giáo dục không thể dùng cái cứng rắn mà phải dùng tình thương mới uốn nắn các em. Nhà trường, giáo viên không làm được điều đó là có lỗi với HS, thế thì dẹp trường luôn đi chứ mở làm gì” - thầy Tịnh dứt khoát.

“Cứ mỗi khi tôi đến trường, thấy em nào tóc xanh tóc vàng là tôi khuyên hoặc năn nỉ cắt ngay. Rồi những buổi thứ Hai chào cờ, tôi hay nói: “Em nào đi học về biết cúi đầu chào ông bà, cha mẹ, biết mời nước người lớn sau khi ăn giơ tay thầy coi”. Hầu hết các em đều giơ tay, tôi biết có nhiều em chỉ bắt chước giơ theo nhưng ít nhất đó cũng là nhắc nhở để các em thấy đó là việc nên làm” - thầy Tịnh nói.

Nếu nghỉ sẽ thấy có lỗi với trò

Vóc dáng nhỏ nhắn, làn da sạm đen biểu hiện rõ sự vất vả trên khuôn mặt nhưng cô giáo Trần Thị Thu, 50 tuổi, vẫn luôn thấy tự hào sau hơn 10 năm dạy lớp đêm. Hiện cô đang dạy lớp 2 tại trường thầy Tịnh với mức lương chỉ hơn 800.000 đồng/tháng.

Cô Thu vừa nhìn vào lớp học chỉ vỏn vẹn 15 HS đang chép bài, vừa bùi ngùi nói: “Đấy, nhìn các em ham học như thế, nhỏ xíu đã mồ côi rồi lặn lội từ xa đến lớp để học, cô nghỉ không đành. Lương đi dạy không là bao, chưa kể thầy cô ở đây dạy từ tháng 8 nhưng đầu tháng 11 mới có lương. Nếu vì thế mà cô nghỉ thì nghỉ từ lâu rồi nhưng ai sẽ đứng lớp. Con của cô đã không may mắn sao cô nỡ dập tắt may mắn và hi vọng của các em”.

Ngoài dạy học, cô còn đi bán giò chả ở chợ cầu Đỏ (gần trường) từ 6 giờ sáng đến chiều tối để chăm lo cho cả gia đình: Con út đang học lớp 6 và một người con 20 tuổi mắc bệnh Down, người chồng chạy xe ôm nhưng hay bệnh tật.

Khác với hoàn cảnh cô Thu, dù gần 70 tuổi nhưng mỗi chiều tối cô Bùi Thị Điệp vẫn đạp xe từ nhà đến Trường Tiểu học An Hội (Gò Vấp) để dạy. Sau hơn 35 năm đứng trên bục giảng cả lớp ngày lẫn lớp đêm nhưng với cô “đã đi dạy rồi thì không thể nào nghỉ được”.

Cô kể, trước đây có một em đến lớp lúc nào cũng chửi tục hay cầm dao nhọn hăm dọa mọi người, thậm chí luôn tìm cách phá hư xe cô khiến cô sợ hãi và mệt mỏi mỗi lần đi dạy về. Ấy thế mà khi ba của em này mất, em ấy đã khóc. Khi thấy em đi học trở lại không hiểu sao cô thấy vui và thương em lắm. Chia sẻ với em, cô mới biết em từng quậy vì thích chứng tỏ mình nhưng giờ chỉ còn mẹ nên em không muốn làm mẹ buồn. Từ đó, em học rất ngoan, còn giúp cô quản các bạn khác.

“Cô thấy mình chưa hiểu và gần các em, cô nhận ra mình dạy chữ thôi chưa đủ mà phải hiểu cả tâm tư của các em. Từ đó, chỉ cần còn em nào đến học lớp đêm, dù quậy, dù cơm ăn không no, áo mặc không ấm là cô lại thấy có lỗi, thấy trách nhiệm mình trong đó và thôi thúc cô đến lớp. Chính học trò mới tiếp thêm sức mạnh cho cô đứng lớp lâu như thế” - cô Điệp chia sẻ.

Lo từng miếng cơm, manh áo

Hầu hết HS lớp đêm đều là những học trò nghèo, kém may mắn. Vì thế, nhiều giáo viên lớp đêm luôn tâm niệm, dạy chữ thôi chưa đủ mà còn phải lo sách vở, miếng ăn, cái mặc.

Là quản lý nhưng quanh năm thầy Tịnh vẫn đi đây đó “xin” mạnh thường quân, học trò cũ hàng chục triệu đồng mỗi năm để giúp đỡ và động viên HS. Ai cho gì thầy cũng nhận, có người tự mang đến trường tặng các em. Đầu năm thì tặng quần áo, sách vở; giữa năm có học bổng; kết thúc học kỳ phải có quà để khen thưởng; tổ chức liên hoan dịp lễ tết….

Không chỉ thầy Tịnh, thời gian rảnh, cô Điệp cũng đi liên hệ các nhà hảo tâm để hỗ trợ sách vở, quần áo, quà bánh cho HS. “Cứ ai đến nhà thăm, cho quà bánh, cô lại để phần trong túi riêng rồi mang lên lớp cho các em. Tết nào cũng có mạnh thường quân đến lớp cho gạo, quà cáp. Nhìn các em cúi đầu nói “Cảm ơn” là cô vui lắm. Rồi cô hỏi các em “Thế này ăn tết đủ không?”, các em nói to “Quá đủ rồi, cô ơi!”, nghe thế mà mình vui quá chừng” - cô tự hào kể.

Các con cố gắng học là cô vui rồi

Năm nào cô cũng có một ngày 20-11 cười nức bụng vì các em dễ thương lắm. Có em nhặt những bông hoa hồng đã bỏ từ buổi tối ngày 20-11 về lấy giấy báo gói lại rồi hôm sau lên tặng cô. Cô nhìn hoa bị nát hoặc tàn là hiểu các em nhưng cô vẫn giả vờ hỏi: “Tại sao con tặng hoa cho cô ngày 21-11?”, em đó hồn nhiên nói: “Cô ơi, ban ngày một bông hoa phải 10.000 đồng, con không có tiền mua, con chờ họ hết bán, con ra lấy về”. Có em chạy lên dúi một bông hoa vào tay cô rồi chạy về mà không chúc gì cả. Có em vẽ hoa lên giấy rồi tặng cho cô, có khi vẽ hình cô giáo để tặng cô, nhìn cô không ra cô, trò không ra trò mà buồn cười lắm. Đến giờ cô vẫn giữ tất cả những quà tặng của các em trong nhà vì đó là những kỷ niệm rất quý.

Cô TRẦN THỊ THU, giáo viên lớp 2 Trường Phổ cập Tiểu học ban đêm phường 12, quận Bình Thạnh

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm