Khai giảng không thả bóng bay, chỉ ‘thả tym’

Sự lắng nghe không phải từ một thầy hiệu trưởng của Nguyệt Linh mà từ rất nhiều hiệu trưởng trên cả nước đã tạo nên một mùa khai giảng quá nhiều cảm xúc đẹp. Không chỉ mang thông điệp bảo vệ môi trường, việc ngừng thả bóng bay còn mang thông điệp rất rõ ràng: Các em được lắng nghe, được tôn trọng, được đánh giá cao, được khuyến khích tham gia bày tỏ... Ngành giáo dục đã sẵn sàng cho nhiều sự chấn chỉnh, đổi mới.

Khi các trường học hưởng ứng bức thư của Nguyệt Linh, hẳn nhiều em học sinh (HS) khác sẽ tự tin hơn, sẽ có mong muốn tham gia vào các vấn đề môi trường - xã hội một cách có trách nhiệm hơn, chủ động hơn. Đó cũng là một trong những mục tiêu mà nền giáo dục khai phóng phải hướng tới: Đào tạo ra những công dân có trách nhiệm ngay từ bây giờ và càng phát triển trách nhiệm của mình trong tương lai.

Cô bé Nguyệt Linh gửi tâm thư đến 40 trường học kêu gọi ngừng thả bóng bay trong lễ khai giảng và được ngành giáo dục hưởng ứng. Ảnh: TH

Trong thời đại công nghệ hiện nay, Internet và các phần mềm ứng dụng giúp cho việc học tập dễ dàng hơn bao giờ hết, đặc biệt là những người thích tự học. Ai cũng có thể dễ dàng học được cả một kho kiến thức khổng lồ của nhân loại từ nhiều nguồn khác nhau. Thầy cô trong các nhà trường có thể không còn là nguồn cung cấp kiến thức duy nhất và quan trọng nhất cho con trẻ nữa. Tuy nhiên, vai trò “kiến trúc sư tâm hồn” của các thầy cô sẽ không ai thay thế được và đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách hơn trong giai đoạn hiện nay. HS cần được thấu hiểu và lắng nghe nhiều hơn, cần được khuyến khích và chỉ dẫn nhiều hơn. Trong một thế giới còn nhiều biến động, trong xã hội chúng ta đang có nhiều giá trị xung đột nhau, thầy cô cần gieo trồng những hạt mầm nhân ái, giúp các em phát triển lành mạnh, cao đẹp về nhân cách. UNESCO đã chỉ ra rằng mục tiêu của học tập là học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình. Một nền giáo dục thiếu lắng nghe sẽ chỉ có thể giúp HS đạt được hai mục tiêu đầu tiên, còn lại chưa chắc có thể giúp các bạn trẻ “học để chung sống và học để khẳng định mình”. 

Rất nhiều người dù thành công trong công việc vẫn loay hoay trong câu hỏi mình đã chọn đúng nghề, đi đúng hướng, mình là ai… Các thầy cô dạy giỏi từng giúp họ gặt hái rất nhiều thành tích trong học tập nhưng ít thầy cô nào dạy họ việc lắng nghe, vun đắp, khám phá tâm hồn của chính mình. Sự đòi hỏi ngành giáo dục thay đổi để phá bỏ đi những “cái khuôn” đang đặt ra và chúng ta nhận thấy đã có những sự đáp lời. 

Nhiều trường học cũng đã thay đổi cách tổ chức lễ khai giảng. Khai giảng gọn gàng, bớt các phát biểu dài dòng, bớt các phần lễ nghi rườm rà, tập trung vào cảm xúc của HS, tạo cho các em sự phấn chấn trước khi bước vào buổi học đầu tiên. Tại Đà Nẵng, các đại biểu được xếp ngồi phía sau HS trong buổi lễ khai giảng. Đây cũng là một sự thay đổi có thể nói là khá ngoạn mục, bởi nhiều năm qua các nghi lễ trong trường học đã đóng khuôn thành “khung nghi thức” thống nhất khắp các vùng, miền, truyền từ năm này qua năm khác.
Mùa khai giảng đầu tiên không bóng bay rất đáng nhận nhiều lượt “like” và “thả tym” từ các em, theo cách nói của các em.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm