'Khai giảng' hay 'khai trường' ?

'Khai giảng' hay 'khai trường' ? ảnh 1

Trẻ em bước vào lớp 1. Ảnh: Phạm Anh

Theo nhiều từ điển, ý nghĩa từ "khai giảng" như sau:

- Bắt đầu giảng dạy: Trường học khai giảng (Nguồn: vi.wiktionary.org; informatik.uni-leipzig.de và vdict.com);

- Bắt đầu, mở đầu một năm học, khóa học khai giảng lớp huấn luyện quân sự học sinh dự lễ khai giảng.

Đồng nghĩa: Khai trường

Trái nghĩa: bế giảng (Nguồn:tratu.plo.vn).

Theo Từ điển tiếng Việt (do GS Hoàng Phê chủ biên, Viện Ngôn ngữ học, 2006), trang 490, thì: Khai giảng: Bắt đầu năm học, khóa học. Các trường sắp khai giảng. Khai giảng lớp huấn luyện.

'Khai giảng' hay 'khai trường' ? ảnh 2
Nhà thơ Phạm Chu Sa dùng từ "khai trường"

Khai trường

Ý nghĩa từ "khai trường" cũng được các Từ điển trên ghi:

- Bắt đầu khai giảng năm học: Ngày khai trường.

Đồng nghĩa: Khai giảng.

Riêng Từ điển tiếng Việt (do GS Hoàng Phê chủ biên, Viện Ngôn ngữ học, 2006), trang 491 thì: Khai trường: Bắt đầu năm học ở nhà trường. Ngày khai trường.

Tựu tường 

Theo nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình: "Các từ khai giảng, khai trường hay tựu trường đều là từ Hán-Việt, cùng nằm trong một trường nghĩa liên quan tới “nhà trường” nói chung. Mỗi một từ lại được hình thành từ các thành tố ghép lại và dĩ nhiên, ngữ nghĩa gốc của chúng là khác nhau.

'Khai giảng' hay 'khai trường' ? ảnh 3

Bài viết của nhà ngôn ngữ học, PGS Phạm Văn Tình

Khai, có nghĩa là “mở, mở đầu”. Nghĩa này ta thường gặp trong các từ, như: khai bút (viết hoặc vẽ lần đầu tiên vào dịp đầu năm - khai bút đầu xuân), khai hỏa (hỏa: lửa, khai hỏa: bắt đầu nổ súng), khai mạc (mạc: màn, khai mạc: bắt đầu, mở đầu (hội nghị, cuộc thi, hội diễn…);
khai trường (trường: Nơi tụ họp) có hai nghĩa: 1. Bắt đầu mở một công trường (nghĩa này quá cũ, ít dùng); 2. Bắt đầu năm học mới ở nhà trường (thường sau đợt nghỉ hè).
Mọi người chúng ta, nhất là các thế hệ học sinh, hẳn còn nhớ vào tháng 9 năm 1945, Bác Hồ đã có bức thư gửi toàn thể các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Khai trường cũng gần nghĩa với tựu trường (tựu: tới, tựu trường: (học sinh) tập trung tại trường vào đầu năm học...). Bình thường, ta hoàn toàn có thể nói: Chúng mình gặp nhau vào ngày khai trường; hay đợi đến ngày tựu trường, chúng mình sẽ gặp nhau…
Khai trường là “ngày bắt đầu mở cửa trường (sau đợt nghỉ hè, kết thúc năm học cũ)”. Học sinh tựu trường, dự khai trường sau đó giải tán, phải một vài ngày (hoặc một thời gian sau) mới tập trung trở lại và vào học chính khóa.
Bây giờ, thường sau lễ "khai giảng" là hầu hết các trường tổ chức vào lớp luôn. Ngày khai giảng sẽ là ngày tập trung toàn thể, thực hiện một vài nghi lễ cần thiết, sau đó cả giáo viên và học sinh bắt tay ngay vào công việc giảng dạy và học tập" (Nguồn: Bản tin số 259, ĐH Quốc gia Hà Nội).

Ý nghĩa ngày 5-9

Chỉ sau ba ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn đọc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2-9, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Người đã có Thư gửi cho học sinh ngày 5-9-1945. Bác viết:

"Các em học sinh,

Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam".

Bác cũng khẳng định: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".

Từ bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi học sinh ngày 5-9-1945, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng ký Văn bản số 4192/BGDĐT-VP (18-8-2015) gửi các giám đốc Sở GD&ĐT về việc tổ chức lễ khai giảng năm học 2015-2016. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã lấy ngày 5-9, trở thành ngày khai giảng của tất cả trường trên cả nước. 

Văn bản nêu rõ: "Lễ Khai giảng tổ chức thống nhất trên toàn quốc vào buổi sáng, ngày 5-9-2015 - “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”.

Nội dung Lễ Khai giảng chú trọng tổ chức việc đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước và các hoạt động tập thể (văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian...), đảm bảo Lễ Khai giảng thực sự trở thành ngày hội khai trường". 

Khai trường hay khai giảng, hay tựu trường? 

Chúng ta nên thống nhất cách viết, cách đọc ngày 5-9 là "Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường" là ngày "khai trường".

Một số hình ảnh các báo sử dụng từ "khai trường":

'Khai giảng' hay 'khai trường' ? ảnh 4

'Khai giảng' hay 'khai trường' ? ảnh 5

'Khai giảng' hay 'khai trường' ? ảnh 6

'Khai giảng' hay 'khai trường' ? ảnh 7

'Khai giảng' hay 'khai trường' ? ảnh 8

'Khai giảng' hay 'khai trường' ? ảnh 9
Báo VNExpress dùng "khai giảng"

Ngày khai trường, chợt nhớ thời cắp sách đến trường không sao quên được truyện ngắn "Tôi đi học" của nhà thơ Thanh Tịnh:

"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học"...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm