TP.HCM:

HS nói gì với các bác lãnh đạo trong buổi đối thoại đầu xuân?

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải phát biểu với các em thiếu nhi tại buổi gặp gỡ sáng 28-2.

Đó là những ý kiến được các em học sinh đề cập nhiều nhất tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và thiếu nhi nhân dịp Xuân Ất Mùi sáng 28-2. Đây là hoạt động thường niên do Thành ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN TP tổ chức. Tham dự có 156 học sinh, là những đội viên tiêu biểu đại diện cho hơn 1,3 triệu thiếu nhi TP.

Môn Lịch sử khô khan, viện bảo tàng xa ngái

Mở đầu buổi gặp gỡ, em Giang Thị Mộng Như, trường THCS Tân Tạo, quận Bình Tân ý kiến, em rất thích học môn Lịch Sử. Em cũng biết được nước mình có nhiều vị anh hùng lịch sử nhưng lại ít được đề cập trong sách giáo khoa. Theo em, thầy cô nên bổ sung nhiều tư liệu về các anh hùng để giúp HS hiểu rõ và noi gương. Khi dạy, thầy cô phải có nhiều hình ảnh, clip để tiết học sinh động và HS nhớ kiến thức lâu hơn.

Em Lê Khắc Minh Phương, trường THCS Vân Đồn, quận 4 cũng cho hay, kiến thức về lịch sử hay nhưng khô khan. HS chủ yếu vẫn là học từ sách giáo khoa rồi chép lại vào vở nên rất nhanh quên và nhàm chán. Theo em, để học tốt môn này, giáo viên nên cho HS đóng vai thì sẽ hiểu hơn các anh hùng lịch sử.

“Hiện chỉ có môn Văn được dạy theo dạng sân khấu hóa giúp bọn em rất dễ nhớ vì số lượng bài học rất nhiều. Em nghĩ môn Lịch Sử cũng nên dạy như vậy để HS thích thú và dễ hiểu bài hơn”- Phương nói.

 Đại diện HS phát biểu ý kiến tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP sáng 28-2.

Không chỉ việc dạy và học môn Lịch Sử còn nhiều hạn chế mà ngay cả việc đi thực tế đến các bảo tàng, di tích cách mạng để bổ trợ cho môn học này cũng còn gặp không ít khó khăn.

Em Lê Trần Quỳnh Hương, trường THCS Bàn Cờ, quận 3 cho hay, hiện em học lịch sử chủ yếu trong sách giáo khoa nên rất dễ quên. Em bày tỏ, TP xây dựng rất nhiều bảo tàng nhưng các em không được đi hết thì rất lãng phí. Em mong muốn HS sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn để được tham quan thực tế tại các bảo tàng cũng như di tích lịch sử.

Còn em Lê Thị Trúc Mai, trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh chia sẻ, TP có nhiều bảo tàng và di tích nhưng nằm cách xa nhau nên HS không tiện đi lại hết. nhà trường cũng có tổ chức các chuyến đi tham quan đến các địa chỉ đỏ, di tích cách mạng nhưng chỉ dành cho những HS tiêu biểu của trường. Còn những HS khác, dù muốn cũng không được đi, như thế là thiệt thòi cho HS.

Người lớn nói gì?

Trao đổi về vấn đề này, đại diện phụ trách môn Lịch Sử của Sở GD&ĐT TP cho hay, từ năm 2005-2006, Sở đã tập hợp được nhiều tư liệu, hình ảnh phục vụ giảng dạy môn Lịch Sử để gửi về các trường. Tuy nhiên, việc các trường lưu giữ và thực hiện như thế nào thì Sở chưa nắm. Sắp tới, Sở sẽ cho kiểm tra lại để vận dụng, tạo điều kiện cho các em học tập tốt nhất.

Về vấn đề tham quan bảo tàng, vị này cho biết, Bộ GD&ĐT đã có văn bản liên tịch về việc sử dụng các di sản lịch sử trong việc dạy học. HS sẽ được đến các bảo tàng để học tập mà không phải mua vé. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các trường là không có kinh phí và phương tiện đưa đón  các em đi lại.

Phát biểu tại đây, Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, Sở sẽ rà soát lại về nội dung chương trình, thời gian học cả môn học ngoại khóa cũng như chính khóa để HS có thể tiếp thu được kiến thức tốt nhất. Ông Sơn cho rằng, hiện nay, một số trường tổ chức cho HS đi tham quan nhưng chưa hiệu quả, còn nặng hình thức, thiếu khoa học. Nhiều trường đông HS, việc quản lý HS gặp khó khăn nên chưa đảm bảo cho tất cả HS được đi ngoại khóa.

“Sở sẽ rà soát và chỉ đạo lại để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, hạn chế cách làm hình thức của các trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các em đi thực tế được hiệu quả. Ngoài ra, Sở cũng sẽ phối hợp đồng bộ với các ban ngành, nhà trường, phụ huynh để làm sao tạo điều kiện cho HS tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất” – ông Sơn nói.

Bà Mã Thanh Cao, giám đốc bảo tàng Mỹ Thuật cũng nêu một thực tế nhiều trường tổ chức cho HS học tập cả ngày ở bảo tàng nhưng chủ yếu là trường quốc tế, còn trường công lập hầu như không có, có thể vì không có thời gian và phương tiện. "Vì vậy, TP nên có giải pháp hỗ trợ phương tiện đưa đón HS tham quan học tập sao cho thuận lợi và an toàn nhất”- bà Cao đề xuất.

Bà Nguyễn Thị Hoa Xinh, giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP.HCM cũng cho hay, mỗi năm bảo tàng đón khoảng 350 ngàn lượt khách đến tham quan, trong đó khoảng 70% là HSSV. “Chúng tôi đang tìm giải pháp để làm sao đưa bảo tàng đến với trường học. Sắp tới, chúng tôi sẽ có những loại hình bảo tàng lưu động, phối hợp với các trường tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về Bác Hồ, các anh hùng….sao cho bảo tàng thân thiện hơn với các em” – bà Hoa Xinh nói.

 

Tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cho biết TP ghi nhận các ý kiến và đề xuất của các em. 

Ông cũng đề nghị Thành Đoàn cần có các giải pháp tạo điều kiện cho các em thiếu nhi tìm hiểu về lịch sử cách mạng. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng các mô hình, hoạt động hay trong giáo dục kỹ năng, kiến thức đến các trường học ở những địa bàn khó khăn, nhất là với HS nghèo. Nâng cao chất lượng các hoạt động để giúp các em hiểu đúng và đủ về lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng của ông cha và các thế hệ đi trước. Sở GD&ĐT cần phối hợp với Thành đoàn xây dựng đầu mối tổ chức cho HS đi lại tham quan (về cả thời gian và phương tiện…), nhất là HS ở vùng xâu vùng xa.

Thành đoàn nên tiếp tục phát huy, nhân rộng các cuộc thi tìm hiểu kiến thức lịch sử. Các ban ngành cần phối hợp đồng bộ, hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất để các em học tập, tham gia các hoạt động ngoại khóa… hiệu quả nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm