Học yêu biển, đảo qua kể chuyện

Mẫu đồng dao về biển, đảo được thầy Bùi Tất Tươm, nguyên cán bộ Sở GD&ĐT TP.HCM, mở đầu với 1.470 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Triết, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM, trong buổi sinh hoạt chuyên đề “Em yêu biển, đảo Việt Nam” sáng 9-1.

Trong không khí hào hứng, thầy Tươm hỏi: “Mỗi khi các con nhìn trên bản đồ nước ta thấy có hình chữ gì?”. Các em khối 4, 5 nhất loạt hô to: “Chữ S ạ”. Thầy Tươm hỏi tiếp: “Các con học lớp 4, ngoài phần đất liền còn có gì nữa?”. Tất cả học sinh khối 4 đồng thanh hô to: “Có biển, đảo ạ”.

Thầy Tươm bắt đầu kể: “Biển của ta giàu và đẹp. Từ Móng Cái đến mũi Cà Mau có 4.000 hòn đảo, trong đó có những hòn đảo gắn với truyền thuyết Tiên Rồng của cha ông chúng ta. Biển của chúng ta nằm ở phía Đông nên chúng ta thường gọi là biển Đông. Biển Đông có rất nhiều tàu đi lại, cứ bốn con tàu trên thế giới đi qua các đại dương thì có một con tàu đi qua biển Đông... Các con nên nhớ Việt Nam là quốc gia biển, vừa có đất liền vừa có biển và các đảo”.

Các học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Triết tại buổi sinh hoạt “Em yêu biển, đảo Việt Nam”.  Ảnh: P.ĐIỀN

Thầy Tươm hỏi tiếp: “Hoàng Sa thuộc tỉnh, thành nào?”. Bảo Linh, lớp 5, trả lời: “Dạ thuộc TP Đà Nẵng”. “Vậy quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh nào của nước mình?”. Minh Khang, lớp 4/4, trả lời: “Dạ thuộc tỉnh Khánh Hòa”. Thầy Tươm giải thích về quần đảo Hoàng Sa rồi giảng tiếp: “Các con đã nghe ở Trường Sa có loài cây nào tiêu biểu không? Có các loài cây được trồng nhiều nhất: Cây phong ba, cây bàng vuông, cây bão táp và cây mù u…”.

“Hôm nay mình ngồi đây giao lưu cũng là cách để tri ân những người Việt Nam đã hy sinh vì chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Các con có hỏi về các bạn nhỏ ở Trường Sa có được đến trường không. Mấy năm nay nhờ tấm lòng của người dân đất liền hỗ trợ, các bạn nhỏ ở Trường Sa đã được học trong các lớp học khang trang. Nhưng nói chung các bạn ở đảo vẫn còn nhiều thiếu thốn…” - thầy Tươm giãi bày.

Thầy Nguyễn Ngọc Hải Đằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Triết, không giấu được xúc động khi cùng các học sinh tham gia buổi sinh hoạt. Thầy Đằng cũng cho biết trong trường hiện có cháu Tường Linh có cha và một cô giáo có chồng đang công tác tại Trường Sa. “Các sự tích, bài đồng dao, mẩu chuyện… không chỉ giúp các em hiểu hơn về biển, đảo Tổ quốc mà còn giúp các em lớp 4, 5 học tốt môn địa lý” - thầy Đằng nói.

Thầy Tươm chia sẻ: “Quan trọng là cảm xúc của các cháu, mỗi khi nhìn bản đồ là nhớ biển, đảo, nhớ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm