Học sinh lội bùn bắt cá ngay giữa sân Trường Trưng Vương

Duy Ngọc, một nữ sinh lớp 12, vừa nói vừa khoe chiến lợi phẩm là một con cá tươi roi rói em vừa bắt được khi tham gia một trò chơi trong chương trình “Tình đất phương Nam”.

Sáng 15-11, Trường THPT Trưng Vương, quận 1 tổ chức ngày hội trải nghiệm văn học - hóa học - địa lý - thể dục quốc phòng với chủ đề “Tình đất phương Nam”.

Học sinh Trường THPT Trưng Vương, quận 1 hào hứng tham gia ngày hội. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tham gia ngày hội, học sinh toàn trường đã được tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn.

Mỗi học sinh khi tham gia ngoại khóa sẽ được cộng tối đa mỗi môn (văn – hóa – địa) 3 điểm vào cột hệ số 1. Khi tham gia các hoạt động, mỗi hoạt động cộng 1 điểm.

Đầu tiên, các em được thưởng thức các tiết mục do nghệ sĩ Hà Tiên biểu diễn như bài hát của nhạc sĩ Bắc Sơn Còn thương rau đắng mọc sau hè; một bài vòng cổ Hương sắc miền Nam, một trích đoạn vở Hàn Mạc Tử. Ngoài ra các em còn được trải nghiệm trình diễn dân ca Nam bộ cùng dàn nhạc do trường mời về.

Cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, trong trang phục áo bà ba tím tặng hoa cho các nghệ sĩ tham dự chương trình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Sau hoạt động này, học sinh tiếp tục tham dự cuộc thi “Rung chuông vàng”. Cuộc thi thu hút gần 1.000 học sinh tham gia với những câu hỏi liên quan đến nghệ thuật cải lương và vùng đất Nam bộ.

 U Minh nổi tiếng với món đặc sản nào sau đây: A. Cá lăng nướng than; B. Lẩu mắm; C. Vịt quay; D. Cua rang muối hay Các món ăn về chuột đồng không thể bỏ lỡ khi bạn đến với tỉnh thành nào: A. An Giang; B. Đồng Tháp; C. Sa Đéc; D. Hậu Giang...

Cuộc thi diễn ra gay cấn, sổi nổi, cuối cùng một nam sinh khối 12 đã giành vòng nguyệt quế với câu hỏi Lễ vật nào không thể thiếu trong đám cưới của dân tộc Khmer.

Cuộc thi "Rung chuông vàng" thu hút nhiều học sinh tham gia. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bên cạnh đó, trong ngày hội, giữa sân trường còn xuất hiện rất nhiều gian hàng. Mỗi gian hàng mang đặc trưng của các môn học.

Một nam sinh cho biết tham gia gian hàng “Nam bộ quê em”, chúng em sẽ hát một câu hò, điệu lý hoặc câu hát mang âm hưởng dân ca Nam bộ để được cộng điểm.

Học trò thể hiện một câu hò mang âm hưởng dân ca Nam bộ để được cộng điểm. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Qua gian hàng “Bánh xèo bông điên điển”, dựa vào kiến thức hóa học, tụi em sẽ sử dụng nguyên liệu (bột, tôm, thịt, giá,…) do ban tổ chức cung cấp tiến hành đổ bánh xèo - món ăn dân dã của miền Nam. Vị chua chua ngọt ngọt của bông điên điển sẽ mang đến người thưởng thức hương vị bánh xèo mới lạ khó quên.

Học sinh thích thú khi được tự tay làm bánh xèo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tới các gian hàng của môn địa lý, thể dục quốc phòng, tụi em sẽ được tham gia các trò chơi dân gian như ném vòng cổ vịt, bịt mắt đập bóng và cuối cùng là tát mương bắt cá.

Trò chơi ném vòng cổ vịt. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trò chơi bịt mắt đập bóng. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trò chơi tát mương bắt cá. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Những tiếng cười rộn ràng khi lần đầu tiên nhiều em được trải nghiệm lội bùn bắt cá. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Chia sẻ cảm xúc khi tham dự chương trình, em Trần Lê Cẩm Tú, học sinh lớp 12, cho biết đây là một hoạt động lý thú. “Bên cạnh việc được chơi những trò chơi dân gian, tụi em còn được cung cấp những kiến thức về văn học, văn hóa ẩm thực, về các môn nghệ thuật truyền thống. Học mà chơi, chơi mà học”.

Cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên, tổ trưởng tổ Ngữ văn, cho biết từ trước tới nay nhà trường thường tổ chức các hoạt động trải nghiệm do các tổ cùng liên kết thực hiện.

Năm nay chọn  “Tình đất phương Nam” vì trong quá trình dạy, giáo viên nhận thấy các em sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn nhưng các em vẫn chưa hiểu rõ về vùng đất mình gắn bó. Vì thế, ngày hội là cơ hội để các em hiểu và thêm yêu về mảnh đất này.

Mặt khác, chương trình cũng giúp học sinh cảm nhận sâu sắc về giá trị của âm nhạc truyền thống dân tộc trong đời sống, đặc biệt là vẻ đẹp của nghệ thuật cải lương - nghệ thuật sân khấu truyền thống Nam bộ. Qua đó, chương trình góp phần bồi đắp tinh thần tự hào dân tộc và tình yêu mến con người Việt Nam.

"Hoạt động ngoại khóa - trải nghiệm được tổ chức tích hợp - liên môn với mục đích vận dụng những kiến thức bộ môn hóa học, địa lý, thể dục, văn học giúp học sinh hiểu thêm về đặc điểm địa lý, văn hóa Nam bộ qua các món ăn dân dã vùng sông nước miền Tây như bánh xèo, bánh bò, gỏi ngó sen… cùng các trò chơi vận động, trò chơi dân gian đặc sắc. Qua đó, tạo ra một sân chơi bổ ích để tạo hứng thú cho học sinh đối với các môn học. Đồng thời cũng là môi trường rèn luyện sức khỏe cho các em, khỏe để học tập, khỏe để cống hiến cho Tổ quốc" - cô Nguyên nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm