Học sinh cần được hướng nghiệp theo năng lực hơn chạy theo bằng cấp

Đó là thông tin từ ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết tại buổi tọa đàm “ĐH không phải là con đường duy nhất” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức cuối tuần qua.

Ông Tuấn nhấn mạnh thị trường lao động sắp tới là thị trường của trường nghề. Tuy nhiên, khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế còn rất nhiều bất cập. Cử nhân, thậm chí thạc sĩ thất nghiệp rất nhiều nhưng các nhà tuyển dụng không tuyển được người làm vì đến 70% sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và về kỹ năng. Ngay trong phân tầng lao động, khối ngành kinh tế, tài chính chỉ chiếm 35% nhưng tỉ lệ đào tạo lại chiếm đến hơn 60%. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do công tác hướng nghiệp chưa hiệu quả.

PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, cũng cho rằng việc nhiều bạn trẻ chọn sai ngành nghề học xuất phát từ áp lực của gia đình và quan niệm của xã hội  rằng ai có bằng cấp cao hơn sẽ giỏi hơn.

PGS-TS Sơn gợi ý, để biết chọn trường nào, ngành nghề nào phù hợp, trước hết các bạn trẻ phải biết mình là ai, có khả năng nào, phù hợp với công việc nào, phải phân biệt được đâu là sở thích, đam mê và khả năng đích thực của mình. Nếu phân vân các ngành giữa ba yếu tố đó thì nên phân theo tỉ lệ 6:4, trong đó sáu là khả năng và bốn là sở thích để ưu tiên chọn đúng. Thứ hai, cần chú ý đến khả năng tài chính của gia đình hoặc quyết tâm của bản thân vượt qua khó khăn đó để theo học. Thứ ba, phải biết xã hội cần cái gì để lựa chọn phù hợp.

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm