Học phí Y dược chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, sao đào tạo bác sĩ?

Đó là chia sẻ thẳng thắn của PGS.TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tại Hội nghị Hiệu trưởng khối ngành sức khỏe vừa diễn ra tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM.

Đại diện các đơn vị thành viên Hội đồng hiệu trưởng khối ngành Sức khỏe đã có buổi thảo luận, trao đổi, đóng góp ý kiến về các vấn đề khó khăn, vướng mắc, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các Trường, góp phần đáp ứng nhu cầu lao động chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố và cả nước.

Trong đó, vấn đề được các đại biểu đề cập nhiều nhất vẫn là xoay quanh về học phí đào tạo cho nhóm ngành này.

Bởi cụ thể như theo đề án tuyển sinh năm 2020 do Trường ĐH Y dược TP.HCM vừa công bố gần đây, học phí năm học tới sẽ cao gấp 3-4 lần mức cũ. Mức cao nhất là ngành Răng - hàm - mặt với 70 triệu đồng/năm, kế đến là ngành Y khoa với 68 triệu đồng/năm. Học phí thấp nhất là ngành Y tế công cộng với 30 triệu đồng/năm, các ngành còn lại trung bình từ 38 đến 55 triệu đồng/năm.

Nhắc lại vấn đề này, PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, nếu tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo khi trường tự chủ thì mức học phí sẽ phải cao hơn. Trường vẫn có thể tính toán nhiều cách để học phí thấp hơn như là tổ chức lớp học đông, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị vừa phải, sinh viên thực hành chung... nhưng như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.   

Theo PGS.TS Tuấn, việc áp dụng học phí cao sẽ gây khó khăn phần nào cho người học nhưng có lợi cho trường và cho nền kinh tế của đất nước trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

PGS.TS Tuấn cũng cho rằng trường tự chủ nhưng nhà nước cũng cần hỗ trợ bằng việc sớm triển khai kế hoạch đào tạo theo đặt hàng cho các trường nhằm tăng nguồn lực đầu tư để nâng chất lượng đào tạo.

PGS.TS.BS. Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng ĐH Y Phạm Ngọc Thạch trao đổi tại hội nghị

Về vấn đề này, PGS.TS.BS. Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch hội đồng, cho rằng trường được phê duyệt tự chủ từ năm 2019 nhưng không được điều chỉnh tăng học phí. Trong khi đó, ngân sách lại bị cắt và bị truy thu ngược từ năm 2018. Điều này khiến tình hình nhà trường hiện nay rất khó khăn.

Theo PGS.TS Xuân, mức học phí khối ngành sức khỏe ở Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều so với thế giới trong khi đào tạo nhóm ngành này rất tốn kém.

“Mức thu học phí hiện tại ở trường tôi là 13 triệu đồng/sinh viên/năm, tương ứng hơn một triệu đồng/tháng. Mức này còn chưa đủ để chi trả học phí mầm non thì làm sao đào tạo bác sĩ, nhân lực trình độ quốc tế. Trường phải "thắt lưng buộc bụng" và rất cần thành phố tháo gỡ, nếu không thì khó có thể giữ chân giảng viên" – PGS.TS Xuân bày tỏ.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng có ý kiến về việc xây dựng đề án “Đại học chia sẻ”, cần xem xét việc tạo lập hệ thống chung về cơ sở dữ liệu, điều kiện đảm bảo chất lượng… giữa các trường đại học trong và ngoài nước, giữa các khoa trong trường, giữa các trường với doanh nghiệp… trong toàn hệ thống giáo dục tại TP.HCM.

Lý do học phí ĐH Y dược TP.HCM tăng cao
Lý do học phí ĐH Y dược TP.HCM tăng cao
(PLO)- Sau khi ĐH Y dược TP.HCM công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2020, nhiều sĩ tử không khỏi bất ngờ vì mức học phí tăng gấp 3-4 lần mức cũ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm