Học nghề nhưng không thể làm nghề!

Mục tiêu học nghề đã lệch lạc ngay từ đầu? Ảnh: TNO  

Một học sinh khi lên tới lớp 7 hoặc 8 được yêu cầu học nghề chỉ để được cộng thêm điểm vào kỳ thi vào lớp 10. (Ngày xưa là cộng vào điểm thi tốt nghiệp lớp 9). Cấp 3 thì học sinh lớp 11 để cộng điểm thi tốt nghiệp lớp 12.

Không cần biết nghề các em học có giúp cho các em kiếm sống được hay không, bởi vì người ta thường tư vấn cho các em học những nghề mà các em dễ đạt loại giỏi để kiếm điểm.

Như vậy, mục tiêu của việc Học nghề đã lệch lạc ngay từ ban đầu. Vì lệch lạc mục tiêu nên dẫn đến thực hiện cũng trở nên dị dạng.

Để có được những điểm cộng đó các em phải trải qua một năm ròng rã, mỗi tuần một buổi đến các Trung tâm Kỹ thuật Hướng nghiệp để học. Để dễ theo dõi, giáo viên chủ nhiệm thường cho cả lớp của mình học chung một môn học và ai cũng tranh nhau chọn môn mà dễ kiếm điểm nhất cho học sinh của mình đó là nghề nấu ăn.

Nếu không xin vào được lớp đó thì các lớp tin học, điện hay nhiếp ảnh mới được ngó tới bởi rất khó đạt loại giỏi. 

Tâm lý các em học nghề là vì môn học bên ngoài trường nên các em đi học như đi chơi, giáo viên dạy nghề vô cùng vất vả để quản lý và dạy dỗ. Các em học thứ mà người khác chọn cho mình, không phải là môn các em yêu thích nên việc học hết sức qua loa và hình thức.

Mặc cho giáo viên nghề rất tận tâm và vất vả, các em đi học trong tâm thế bị động nên chất lượng học tập rất kém vì thế sau khi thi nghề xong, các em chẳng còn lưu lại chút kỹ năng nào.

Như vậy HỌC NGHỀ nhưng không thể LÀM NGHỀ!

Nhiều năm qua, tôi chẳng thấy bất kỳ một học sinh nào kiếm sống được bằng cái nghề mà các em đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để học suốt một năm trời đó. Tất cả chỉ vì cái vòng luẩn quẩn: học để kiếm điểm chứ không phải để ra làm nghề.

Một năm học nghề, 9 tháng học nghề, 36 tuần học nghề, 72 giờ học nghề cho các em được điều gì? Nửa điểm, một điểm, một điểm rưỡi đó có đắt quá không so với thời gian các em đã mất đi? Nếu dùng thời gian đó cho việc các em học bơi lội sẽ có rất nhiều trẻ không phải chết đuối. Nếu dùng thời gian đó cho các em chạy nhảy phơi nắng thì sẽ có thêm nhiều học sinh cao lớn hơn, ít cận thị hơn. Nếu dùng thời gian đó cho các em tham gia hoạt động xã hội thì sẽ có thêm nhiều trái tim nhân ái. Nếu dùng thời gian đó cho các em đi biển, đi rừng thì sẽ có thêm nhiều người yêu thiên nhiên, yêu môi trường ... Có cả hàng nghìn thứ mà một đứa trẻ cần được nhận, cần được trau dồi.

Chúng ta cần làm gì? Đó là một câu hỏi lớn mà người trả lời không chỉ là các nhà lãnh đạo, các nhà giáo dục mà còn là ở chính chúng ta: các bậc làm cha làm mẹ. Hãy giúp trẻ phát hiện đam mê và năng khiếu, giúp trẻ tự định hướng nghề nghiệp chứ đừng bắt chúng thực hiện ước mơ của người lớn.

Hầu hết học sinh của Úc đều được học nghề

Việc học này xét trên tiêu chí đúng sở trường, nguyện vọng và hoàn cảnh của trẻ. Học nghề chỉ diễn ra sau khi trẻ học lớp 10. Bởi vì các em sẽ có những hướng lựa chọn sau:

Xong lớp 10 , các em có thể học nghề để đi làm luôn. Chương trình này gọi là Vocational hoặc Work Training Programs, chia làm các trình độ từ  Certificate I , II và III. Nếu chưa có nhu cầu đi làm thì học sinh sẽ tiếp tục học tiếp lên lớp 11 và khi hết lớp 11, học sinh có thể chọn: hoặc học khóa Foundation courses 1 năm để học dự bị đại học; hoặc vào khóa học nghề ở bậc Certificate IV. Nếu vẫn chưa muốn đi làm vào sau năm học 11 thì các em học tiếp hết lớp 12. Khi đó các em sẽ có nhiều lựa chọn hơn: hoặc chương trình Foundation dự bị đại học 1 năm; hoặc khóa học nghề Certificate IV như trên. 

Ngoài ra, các học sinh khá giỏi còn có thể vào thẳng năm nhất bậc đại học hoặc theo khóa học nghề trình độ Diploma.

Hệ học nghề được giảng dạy tại các trường cao đẳng công lập và trường cao đẳng tư thục. Các khóa học tại trường cao đẳng rất đa dạng: từ các khóa tiếng Anh, các khóa học nghề đến dự bị đại học hay đại học trình độ cử nhân.

Nếu hoàn tất khóa Diploma, sinh viên có thể chuyển tiếp lên năm thứ hai của một trường đại học có công nhận khóa học Diploma đó.  Hoàn tất khóa học này các em sẽ chuyển tiếp lên năm 3 đại học. Sau đại học vẫn có những khóa học nghề với các chứng chỉ nghề như Vocational Graduate Certificate và bằng Diploma nghề sau đại học Vocational Graduate Diploma.

Như vậy, việc liên thông lên đại học trở nên dễ dàng từ các khóa học nghề trình độ Diploma và Advanced Diploma, song song với các khóa nghề này có các khóa học tiếng Anh và các khóa học dự bị đại học nên các trường cao đẳng cũng là một con đường dẫn vào đại học .

Cũng dễ thấy Giáo dục ở Úc chú trọng đến việc học nghề như thế nào. Bất kể là học sinh đang học lớp 10, 11,12, cao đẳng hay đại học năm 1,2 3 đều có ngã rẽ để các em đi làm sau khi học nghề. Học nghề được đào tạo bài bản và chuyên sâu, có nhiều cấp độ cho các ngành nghề khác nhau.

Có thể thấy, học sinh ở Úc học nghề là để làm nghề.

Chủ đề Học nghề ở trường phổ thông vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Chúng tôi tiếp tục đón nhận thêm những chia sẻ, góp ý của phụ huynh và những người trong ngành giáo dục. Bạn đọc có thể gửi ý kiến trong phần Ý kiến bạn đọc  bên dưới bài viết này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm