Hồ sơ thi đại học: Sở độc quyền in, gây phiền hà!

Sau khi được dư luận góp ý, Bộ GD&ĐT đã chấm dứt độc quyền in ấn, phát hành bộ hồ sơ tuyển sinh trong ba năm qua và phân cấp về cho các sở GD&ĐT địa phương thực hiện. Tuy nhiên, đến lượt các sở lại độc quyền làm việc này. Tại sao? Hôm qua, ông Huỳnh Minh Trí - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Bồi dưỡng giáo viên Sở GD&ĐT TP.HCM, đã trả lời phỏng vấn của Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này.

Không chấp nhận cái sai

. Thưa ông, vì sao những hồ sơ không phải do Sở phát hành có nội dung giống y lại không được Sở thừa nhận?

Hồ sơ thi đại học: Sở độc quyền in, gây phiền hà! ảnh 1+ Thứ nhất là những hồ sơ đó sai về mặt hình thức theo quy định của Bộ. Hồ sơ nào có dấu treo mộc đỏ là không đúng với mẫu hồ sơ chúng tôi đã phát hành (không có mộc đỏ). Thứ hai, nếu chúng tôi đã thấy sai mà vẫn chấp nhận cái sai thì là không đúng. Vì vậy mà những hồ sơ “giả” không được chấp nhận.

. Nhưng Văn phòng đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM lại cho rằng những hồ sơ mà Sở GD&ĐT TP.HCM cho là “giả” vẫn đúng mẫu quy định của Bộ nên nơi đây vẫn thu nhận bình thường. Vậy ai đúng, ai sai? Số hồ sơ này sẽ được xử lý như thế nào?

+ Sở GD&ĐT TP.HCM có nhiệm vụ in ấn và phát hành hồ sơ đăng ký dự thi (ĐH, CĐ, THCN), xử lý hồ sơ theo đúng nghiệp vụ chuyên môn trên cơ sở thí sinh nộp hồ sơ tại Sở GD&ĐT TP.HCM. Còn việc của những đơn vị khác chúng tôi không nắm. Việc xử lý các hồ sơ này như thế nào thì là của cấp trên.

. Năm nay, Sở dự kiến số lượng hồ sơ đăng ký dự thi bán ra cho thí sinh là bao nhiêu bộ?

+ Khâu phát hành hồ sơ do Văn phòng Sở thực hiện, chúng tôi không nắm rõ lắm. Hình như khoảng trên 300 ngàn bộ (mỗi bộ giá 2.000 đồng - PV).

Không cần chuyển cho ai (?)

. Nhiều phụ huynh cho rằng mẫu hồ sơ do Bộ làm sẵn, vậy tại sao Sở không giao cho nhiều đơn vị khác cùng làm hoặc đưa lên mạng để người dân tải về, giảm phiền hà cho phụ huynh?

+ Bộ đã giao quyền cho chúng tôi thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi vẫn có hệ thống in ấn, phát hành nội bộ cho các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên... nên chúng tôi phải làm, không cần chuyển cho ai.

. Nhưng trên thực tế, hồ sơ đăng ký dự thi in ra rất đơn giản. Thậm chí nhiều nơi in thì giá sẽ cạnh tranh hơn. Và quan trọng là không còn cảnh khan hiếm hồ sơ hoặc chuyện in chui như hiện nay?

+ Không được đâu! Để in được hồ sơ, chúng tôi phải đảm bảo in đúng mẫu của Bộ, khi đi in chúng tôi phải ký tên lên trên bản “bông”, phải tự chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu có sai sót. Chúng tôi không khắt khe nhưng nếu để cho các nơi in đại trà sẽ không đảm bảo chất lượng (in xấu, mờ, sai nội dung...) thì ai chịu trách nhiệm?

. Xin cảm ơn ông.  

Bà Trần Thu Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH Bộ GD&ĐT:

Hiểu theo nghĩa độc quyền là sai

Trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT đã quy định rất rõ: Trách nhiệm in ấn và phát hành hồ sơ đăng ký dự thi được giao cho các sở GD&ĐT. Các sở tổ chức, phối hợp in ấn và phát hành làm sao có lợi cho thí sinh.

Ví dụ, thí sinh ở tận Cần Giờ cũng có thể mua được hồ sơ ngay tại địa phương chứ không phải lặn lội vài chục cây số về đến Sở GD&ĐT TP.HCM mới mua được. Quy chế không quy định cho các sở GD&ĐT địa phương nói chung và Sở GD&ĐT TP.HCM nói riêng độc quyền in ấn, phát hành hồ sơ. Sở GD&ĐT TP.HCM hiểu theo nghĩa độc quyền là sai với quy chế.

Ông Vũ Hiền Phương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh:

Xã hội hóa khâu in

Hiện nay chúng tôi chịu trách nhiệm in hồ sơ dự thi. Tuy nhiên, việc xã hội hóa khâu in hồ sơ chúng tôi nghĩ cũng cần phải làm. Nếu có đơn vị nào in ấn đẹp, giá cả rẻ hơn, có lợi cho thí sinh thì chúng tôi sẵn sàng chuyển giao.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận:

Làm sao dễ mua là được

Trước đây, nhiều sở GD&ĐT phản ứng gay gắt việc Bộ GD&ĐT độc quyền trong việc in ấn và phát hành bộ hồ sơ dự thi ĐH, CĐ, THCN. Nhưng khi Bộ chuyển giao cho các sở thì chính các sở cũng tự in ấn độc quyền. Tôi nghĩ đã có sẵn mẫu hồ sơ của Bộ rồi thì sở hoặc đơn vị nào khác cũng có thể tham gia vào việc in hồ sơ này. Quan trọng là làm sao in ấn đúng quy định mẫu của Bộ và thí sinh dễ mua.

TR.HIỆU ghi

TRƯƠNG HIỆU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm