‘Hãy bỏ cộng điểm đi!’

‘Hãy bỏ cộng điểm đi!’ ảnh 1
 Hãy thay đổi cách dạy, cách tiếp cận và chọn lọc ngành nghề ứng dụng với thực tế hơn. Ảnh: Như Hùng/ Tuổi Trẻ 

Đa số ý kiến gửi đến PLO sau hai bài viết Học nghề ở phổ thông: Quá hình thức! và Học nghề nhưng không thể làm nghề! đăng trên PLO trong những ngày qua đều đồng tình với thực trạng dạy nghề quá hình thức, quá lãng phí thời gian, tiền bạc tại các trường phổ thông hiện nay. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi “nên chăng bỏ” thì đa số đều cho rằng: Không nên bỏ. Bởi, còn hơn ko biết gì. Nhờ học nghề mà ít nhiều bạn nam biết đấu nối bóng điện, đi đường điện, bạn nữ thì được học nấu ăn, học điện, dù lõm bõm nhưng khi đi du học không lo đói và có thể sữa những thứ linh tinh dễ hỏng trong nhà.

Và, chung quy các ý kiến đều đề nghị nên duy trì việc dạy nghề và cần đầu tư cơ sở vât chất cho môn học này. Cái nên bỏ chính là việc cộng điểm nghề!

PLO xin trích đăng ý kiến góp ý của một số bạn đọc:

Tôi đã được học nghề trong trường phổ thông từ năm lớp 6 đến lớp 12, mỗi tuần 1 buổi, mỗi tam cá nguyệt 1 “nghề”.

Trong trường của tôi môn nghề đối với nữ sinh gọi là “Kinh tế gia đình”. Các bạn học nữ công, gia chánh, may vá, đan thêu, nấu ăn, học đánh máy chữ, sử dụng bàn tính bằng gỗ và làm kế toán gia đình…

Nam sinh thì học môn “Công kỹ nghệ”. Chúng tôi học cưa lộng gỗ ván làm quà lưu niệm, học lắp ráp mạch điện “cầu thang” trong gia đình, học quấn dây quạt điện, quấn tăng phô đèn neon, học in lụa, học sắp chữ bằng chì trong chế bản in…

Đầu tiên của đầu tiên là học “Vẽ kỹ thuật”. Chúng tôi được làm quen với cách dùng thước chữ T, bàn vẽ, đinh ghim, giấy crô-ki, com-pa, thước kẻ, bút chì cứng mềm với các kí hiệu H, B, với khung tên, kiểu chữ, cách trình bày… Món nghề đầu tiên này thật là hữu ích khi vừa bỗ trợ cho môn toán hình học vừa là hành trang cho mỗi học sinh tiếp cận với các môn nghề khác và cho cuộc sống hàng ngày.

Khi học cưa lộng chúng tôi được dạy làm ra cái cưa từ thép ống, phân biệt lưỡi cưa đơn – kép, cách chọn gỗ ván, mẫu mã trước khi thực hành cưa… Bài tập hết môn được tự chọn sẽ là thành phẩm hoàn chỉnh có thể dùng trang trí trong nhà mình hoặc là quà lưu niệm tặng bạn bè, người thân … Chúng tôi đã toàn tâm toàn ý tự nỗ lực hết mình sao cho đẹp nhất, ý nghĩa nhất… và vì thế chúng tôi nhớ rất lâu, thực hành ngay khi cần thiết trong khoảng đời sau này.

Các món nghề khác cũng vậy, món sau kế thừa “kỹ năng” của món trước, bắt đầu từ tạo ra “công cụ” sản xuất, rồi lựa chọn “nguyên liệu” đầu vào, rồi sản xuất theo “nhu cầu” từng học sinh… một cách hết sức logic, hệ thống chặt chẽ… làm cho chúng tôi nhập tâm và hứng thú với môn nghề một cách mặc nhiên “không ý thức”. Còn gì sung sướng, hãnh diện hơn với gia đình, chòm xóm khi cách đây trên 30 năm, thời kỳ xã hội khốn khó vô cùng, dám mạnh dạn xin phép người lớn đem đến lớp chiếc quạt máy bị cháy, cái tăng phô đèn tuýp không sử dụng được rồi sau đó vài tuần mang về nhà một sản phẩm hoạt động êm ái, bền bỉ như chưa hỏng bao giờ do chính tay mình làm ra!

Nghề khi đó là một môn học, có điểm riêng chứ không phải là môn “ân huệ” không thể giải thích được cho các kỳ thi cuối cấp. “Nghề” cần thiết cho mỗi người trước khi nói đến “nghiệp”.                                                                                     Hồng Phan

Không cho các con học thì tiếc 1,5 điểm cộng vào cấp 3. Mà cho con học thì mất tiêu 20 buổi sáng chủ nhật để học cái đã biết rồi hoặc cái không biết thì cưỡi ngựa xem hoa. Sao gọi là NGHỀ? Con trai mình học tin học ở trường là Office 10, ở trung tâm dạy nghề vẫn dạy Office 2003, vậy là vẫn phải học lại vì trường dạy nghề chỉ dạy Office 2003. Chưa hết, buồn cười nhất là trường nào học nghề mộc, nghề may. Với số buổi ít ỏi như vậy các con học được gì?

Nghề điện có thể đưa vào cùng môn vật lý, phần thực hành thì quá ổn. Các con cũng có thể vừa thực hành, vừa hiểu biết sâu về môn mình học. Thực chất việc học điện ở trung tâm học nghề lại rất cưỡi ngựa xem hoa. Học cả lắp mạch điện trong khi con chưa hiểu về lý thuyết mạch. Hay các bạn nữ học may trong khi cầm kim chưa thạo. Vẫn phải đi học, vẫn phải thi vì 1,5 điểm thi cấp 3 quá quan trọng. Dẫn tới tình trạng học không ra học, thi không ra thi. Thậm chí ở một số trung tâm đã xảy ra tình trạng "mua điểm" để học sinh có điểm để lên cấp 3 cho an toàn.

Thực ra tôi nghĩ cuối cùng lại là thầy cô giáo. Cháu nào may được gặp phải lớp mà thầy cô biết dạy sáng tạo sẽ rất có ích. Còn nếu không thì đúng là hời hợt lãng phí thời gian.

Pham Hien Chinh

Học nghề ở trong trường phổ thông rất là ko xài được, phần đông học sinh học nghề để được cộng điểm cho tốt nghiệp. Nhưng riêng ở TP.HCM một số trung tâm dạy nghề thì thật sự được học cái mình muốn và dạy những cái rất thiết thực.

Đôi khi nghĩ lại, nếu lúc nhỏ được tiếp cận với các nghề may vá, làm gốm, nấu ăn, làm bánh, thợ mộc thì hay biết mấy. Giờ không phải tự mày mò đi học lại mọi thứ. Càng làm nghề thủ công, càng thấy nó rất thiết thực và ứng dụng được. Từ bàn tay của mình có thể làm ra những sản phẩm cho mọi người.

Ở nước mình thì từ nhỏ chỉ cho con em học chữ chứ không chú trọng dạy nghề, nên nhiều trẻ em có năng khiếu về thủ công, mỹ nghệ không được phát triển tài năng. Mọi đứa trẻ đều học chữ như nhau, lớn lên đều trở thành kỹ sư, bác sĩ, cử nhân bàn giấy, mà không chủ trọng phát triển kỹ năng của những người thợ trực tiếp làm ra sản phẩm.

Nói chung việc học nghề vẫn nên giữ lại ở các trường phổ thông, thậm chí tiểu học. Nhưng hãy thay đổi cách dạy, cách tiếp cận và chọn lọc ngành nghề ứng dụng với thực tế hơn. Nhìn bọn nhóc thi Master Chef Mỹ mà xem, tụi nó có chút xíu thôi nhưng kỹ năng nấu ăn thì tuyệt vời, điều này không phải ngẫu nhiên. Ngay cả bé Alexander quán quân MasterChef Junior season 1 cũng từng nói là có tham gia một vài khóa học nấu ăn từ bé nên đã nuôi dưỡng tình yêu, ước mơ với ẩm thực cho em ấy.

Bé Bầu

Nên duy trì học nghề và đầu tư cơ sở vật chất cho môn hôc này. Đầu tư thêm cho môn này để học sinh ham học và kích thích đam mê khoa hoc. Lồng vào các khóa học ngoại khóa và chỉ đánh giá. Đừng cho nó thành một môn học riêng và cấp chứng chỉ.

Nam Trân

Hãy cho các em tự chọn nghề mà mình yêu thích và có khả năng tiếp nhận nó, còn lại là phần việc của người Thầy

Phạm Duy Phượng Chi

Học nghề để hình thành kỹ năng nghề!

Mục tiêu của hoạt động giáo dục nghề phổ thông nhằm giúp cho HS hiểu được một số kiến thức cơ bản về đặc điểm, yêu cầu kỹ thuật, quy trình công nghệ…đối với một số nghề phổ thông. Học nghề sẽ hình thành cho HS một số kỹ năng cơ bản về nghề nghiệp, kỹ năng sử dụng công cụ và thực hành kỹ thuật theo quy trình công nghệ để làm ra sản phẩm theo yêu cầu của giáo dục nghề phổ thông. Từ đó, HS sẽ có thái độ đúng về nghề và phát triển hứng thú kỹ thuật, biết vận dụng kiến thức, kỹ năng vào lao động, hình thành thói quen làm việc có kế hoạch, tuân thủ quy trình kỹ thuật, có ý thức tìm hiểu nghề và lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân, có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống và sản xuất trong các lĩnh vực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế địa phương.

Việc đánh giá kết quả học nghề được thực hiện bằng cho điểm các loại bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ và tính điểm trung bình và xếp loại như bình thường. Sau khi học xong, các em có nhu cầu sẽ đăng ký thi để được cấp Giấy chứng nhận Nghề phổ thông.  

(Trích Hướng dẫn thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông năm học 2014-2015 của Sở GD&ĐT TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm