GS Thuyết: Không ngại chuyện nhiều bộ sách giáo khoa

Ngày 15-9, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT mới), đã có buổi giao lưu xung quanh chương trình GDPT mới. GS Thuyết chia sẻ: “Việc xin ý kiến nhân dân, chuyên gia về chương trình đã hoàn thành. 25 hội đồng thẩm định các môn học đã thông qua, Ban soạn thảo đã biên tập, chuyển Bộ GD&ĐT để xem xét, ban hành. Hy vọng tháng 9, 10 sẽ ban hành chương trình môn học”.

Tuy nhiên, GS Thuyết nói không chắc chương trình mới kịp cho năm học 2019-2020 bởi “Bộ GD&ĐT còn phải báo cáo Chính phủ, Quốc hội”.

Chương trình mới có gì mới?

Theo GS Thuyết, đã có ba lần cải cách giáo dục nhưng đều không có chương trình tổng thể. Lần này mới là lần đổi mới bài bản nhất. “Lần này có chương trình tổng thể, có người phụ trách, có ba điều phối viên cấp THCS, THPT, điều phối viên chính để kết nối tất cả bậc học” - GS Thuyết nói.

Theo GS Thuyết, Bộ GD&ĐT đã đánh giá bốn lần chương trình GDPT hiện hành. “Không phải ngồi phòng lạnh đánh giá mà đã đến tận sở, trường tổ chức hội thảo… để lấy ý kiến. Sau đó, khi bắt đầu soạn chương trình đã tiến hành dạy thử. Yêu cầu là không được lạc hậu với xu thế của thế giới, không được xa rời thực tiễn cuộc sống” - GS Thuyết cho hay.

Cũng chính vì vậy, quan điểm xuyên suốt là nội dung sách giáo khoa (SGK) sẽ không bất biến, sẽ có sự thay đổi, chỉnh sửa. Nhưng không phải là đợi 10 năm, 20 năm để sửa đổi mà sẽ có sự cập nhật, sửa đổi liên tục, tuy nhiên không gây xáo trộn.

Điểm mới của chương trình, theo GS Thuyết, là mục tiêu chuyển một nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực của cá nhân. “Chuyển từ học xong để biết gì sang học xong để làm gì, tức chuyển từ học để biết sang học để làm. Học sinh phải được phát triển toàn diện” - GS Thuyết cho hay.

Về chương trình tích hợp, GS Thuyết nói: “Thế giới họ đã dạy tích hợp từ lâu. Lớp 1, lớp 2 sẽ học sáu môn và các hoạt động trải nghiệm, ngoại ngữ là môn tự chọn và là môn bắt buộc từ lớp 3 trở đi. Dĩ nhiên, tích hợp sẽ gắn với đào tạo giáo viên (GV). Đáng chú ý, lần đầu tiên môn nghệ thuật được dạy một cách thiết thực, ví dụ dạy thiết kế thời trang, để nếu các em sau này theo học nghề có thể vận dụng được”.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, tại buổi giao lưu.  Ảnh: ĐẠI THANH

Một chương trình, nhiều bộ SGK

Theo GS Thuyết, giáo dục Việt Nam phải theo xu thế của thế giới. “Các nước trên thế giới họ thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK. Chúng ta không thể khăng khăng một chương trình, một bộ SGK được. Trên thế giới, thậm chí GV có quyền viết SGK, miễn là tuân thủ theo chương trình. Nhiều SGK sẽ có nhiều phức tạp nhưng không thể vì sợ phức tạp mà chúng ta không làm” - GS Thuyết bày tỏ.

Vì vậy, việc cạnh tranh giữa các bộ SGK cũng là một thực tế. “Mong muốn của chúng ta là có sự cạnh tranh lành mạnh để có các bộ SGK chất lượng nhưng chắc chắn là không thể tránh khỏi sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, dìm hàng nhau, vì đại gia, trí thức lớn vẫn có chuyện nói xấu nhau” - GS Thuyết nói và cho rằng cần có những quy định chặt chẽ, có hội đồng chuyên môn của từng trường lựa chọn SGK.

Theo GS Thuyết, chuyện các nhà xuất bản đi vận động để đưa SGK vào trường chắc chắn là có nhưng để hạn chế thì phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 88/2014/NQ13 của Quốc hội (về đổi mới chương trình, SGK GDPT) là lựa chọn SGK trên cơ sở ý kiến của tổ chuyên môn. “Việc trường năm nay học bộ SGK này, năm sau học bộ SGK khác là hoàn toàn có thể xảy ra” - GS Thuyết nói.

Báo chí đặt câu hỏi: “Cái khó nhất khi thực hiện chương trình mới là gì?”. GS Thuyết trả lời: “Khó nhất là lòng dân, nếu không có sự đồng thuận xã hội thì rất khó thành công”. GS Thuyết cho hay GV cũng là khó khăn thứ hai. “Hiện nay, cách quản lý khiến GV không thể sáng tạo. Chương trình mới đã quy định rõ GV được giao quyền chủ động. Tối thượng là ở chương trình, còn SGK GV có thể sáng tạo trên cơ sở tuân thủ chương trình” - GS Thuyết nói.

80 triệu USD để đổi mới giáo dục phổ thông

Dự án hỗ trợ đổi mới GDPT trị giá 80 triệu USD, trong đó 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng. Dự án được phê duyệt từ năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8-8-2016 và kết thúc vào năm 2020.

Kinh phí thực hiện dự án chia ra làm các thành phần. 1) Hỗ trợ phát triển chương trình hơn 16,4 tỉ đồng. 2) Hỗ trợ biên soạn và thực hiện SGK theo chương trình mới hơn 20,5 tỉ đồng, trong đó tiền biên soạn một bộ SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện chiếm hơn 16 tỉ đồng. 3) Hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và sách GDPT hơn 37,5 tỉ đồng…

(Nguồn: Ban Quản lý dự án)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm