Giữ nguyên hai hình thức biên chế và hợp đồng

Hôm qua (31-12-2008), lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 Sở GD&ĐT trên cả nước để thông báo bản dự thảo 14 về Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2009-2020.

Kết thúc hội nghị,Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Hữu Châu (ảnh)- Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam xung quanh những điểm mới so với dự thảo 13, những tiếp thu về ý kiến đóng góp của các nhà giáo...

Chỉ ký hợp đồng với giáo viên mới

. Thưa ông, dư luận đang rất quan tâm đến vấn đề chuyển đổi biên chế sang hợp đồng. Như vậy có đồng nghĩa với việc hơn một triệu giáo viên có nguy cơ mất việc?

Giữ nguyên hai hình thức biên chế và hợp đồng ảnh 1+ Giống như nhiều nước trên thế giới, chúng ta phải hướng tới việc bãi bỏ biên chế thành hợp đồng. Khi mình làm tốt sẽ được ký tiếp, thậm chí ký hợp đồng với lãnh đạo, hiệu trưởng các trường.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi biên chế sang hợp đồng mà dự thảo nêu không có nghĩa là mời tất cả giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đang trong diện biên chế nhà nước thành hợp đồng. Những người biên chế vẫn giữ nguyên và từ năm 2010, tất cả giáo viên được tuyển vào các cơ sở đại học đều ký hợp đồng. Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) đã có một kế hoạch cụ thể, năm 2009 sẽ thực hiện thí điểm ở một số trường đại học và đến năm 2010, 100% cán bộ, giảng viên mới được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục và đào tạo sẽ được ký hợp đồng.

Chúng tôi cũng dự đoán sẽ có nhiều hiện tượng tiêu cực xuất hiện sau khi diễn ra việc ký hợp đồng. Tuy nhiên, Bộ đã giao cho Vụ Tổ chức cán bộ có thêm chế độ để hỗ trợ cho những thầy, cô giáo trong diện ký hợp đồng. Tôi cũng tin chắc bằng cơ chế đánh giá này sẽ khiến cho những người đang trong biên chế phải có sự thay đổi về cách dạy học “cứng nhắc, ỷ lại” như hiện nay.

. Với hơn một triệu giáo viên (chiếm hơn 80% lực lượng cán bộ, công chức của cả nước) thì ngành giáo dục cũng từng rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu giáo viên. Việc chỉ ký hợp đồng cho giáo viên mới có làm giảm bớt những thiếu hụt đó không, thưa ông?

+ Hiện nay, giáo viên tiểu học không còn thiếu, thậm chí thừa. Chúng ta chỉ thiếu giáo viên bộ môn giỏi như môn công dân, ngoại ngữ, tin học, thể chất... Nhưng với chủ trương hợp đồng, các trường sẽ có được những giáo viên bên ngoài nhưng có chuyên môn giỏi. Tôi thấy rằng những người đã có chân trong biên chế nhà nước rất dễ ỷ lại vì đã có “bà đỡ” là nhà nước nên không cố gắng phấn đấu. Ngoài ra, với chính sách đánh giá thực chất của từng người, sinh viên đánh giá giảng viên, giảng viên đánh giá hiệu trưởng và trao quyền cho hiệu trưởng sẽ tạo được sự cạnh tranh cao.

Rút bớt hơn 20 chỉ tiêu

. Điểm khác biệt giữa dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 13 và 14 là gì, thưa ông?

+ Nội dung không thay đổi mà chỉ rút gọn lại hơn 20 chỉ tiêu. Dự thảo 13 có 74 chỉ tiêu, thì đến dự thảo 14 là khoảng 50 chỉ tiêu. Tất cả đều được chúng tôi tính toán kỹ lưỡng bằng những con số cụ thể nhưng không thể nói rõ ra trong dự thảo chiến lược này.

. Có nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục đề ra nhiều mục tiêu không khả thi. Ngay cả vấn đề hiệu trưởng trả lương cho giáo viên. Ông nghĩ sao?

+ Chúng tôi đã tiếp thu những ý kiến đó một cách nghiêm túc và đã rút ngắn chỉ tiêu. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, cũng giống như việc chuyển đổi biên chế sang hợp đồng, từ năm 2009 sẽ thí điểm ở một số trường đại học việc hiệu trưởng có quyền quyết định việc trả lương cho giáo viên. Khi tôi cùng bộ trưởng sang thăm nhiều nước có nền giáo dục phát triển, vấn đề này họ tiến hành từ lâu rồi. Một thầy giáo có lương gấp 10 lần thầy giáo khác trong cùng một trường là chuyện rất bình thường. Và cũng để hạn chế những vấn đề tiêu cực sẽ nảy sinh sau đó, song song với việc trao quyền này, mỗi trường sẽ có một hội đồng đánh giá những việc làm của người hiệu trưởng đó.

. Tại sao Bộ không thành lập các tiêu chí để hội đồng đánh giá áp dụng cho khách quan?

+ Nếu Bộ mà làm nữa thì lại mang tiếng là ôm đồm quá nhiều việc. Ông hiệu trưởng phải là người bản lĩnh, công minh và chịu trách nhiệm trực tiếp trước bộ trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh ông hiệu trưởng là cả một bộ máy chứ đâu phải cá nhân mình ông.

. Các học giả cũng chỉ ra rằng cần phải ưu tiên cho giáo dục đại học, trong đó có giáo dục thường xuyên...?

+ Đây là một chiến lược mang tầm quốc gia nên có đề cập đến tất cả các cấp học, ở nước nào cũng vậy. Bắt đầu từ năm tới, các vụ sẽ chịu trách nhiệm lấy ý kiến của tất cả Sở GD&ĐT các tỉnh, thành về vấn đề này.

. Xin cảm ơn ông.

Quá trình thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 được chia làm ba giai đoạn:

- Giai đoạn một (2009-2010): Điều chỉnh một số chỉ tiêu và tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010. Tập trung vào một số trọng điểm: Đẩy mạnh cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy học; chấn chỉnh nền nếp và kỷ cương trong các hoạt động giáo dục để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, cải cách hành chính trong hệ thống quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương.

- Giai đoạn hai (2011-2015): Triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, chuẩn bị chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời tăng cường sử dụng các chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế ở các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học. Tổ chức đánh giá quốc gia và tham gia chương trình đánh giá quốc tế về kết quả học tập. Đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo sư phạm, công tác bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục...

- Giai đoạn ba (2016-2020): Đẩy mạnh việc xây dựng các trường đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thực hiện những điều chỉnh cần thiết về các mục tiêu, chỉ tiêu chiến lược và đánh giá kết quả thực hiện chiến lược giáo dục...

Tại cuộc họp trực tuyến nói trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Bắt đầu từ năm 2009, Bộ sẽ áp dụng việc đánh giá chất lượng đối với các trường sư phạm trên toàn quốc. Cũng từ năm nay, Bộ sẽ áp dụng “Ba công khai” ở tất cả các cơ sở giáo dục: Công khai chất lượng giáo dục, chất lượng giáo viên và công khai tài chính. Ngoài ra, Bộ đã lập cục khảo thí ở 55 tỉnh, thành để có thể đánh giá thêm chất lượng giáo viên nhằm giúp xã hội, gia đình có thêm lựa chọn.

Cũng theo Phó Thủ tướng, ngay sau cuộc trực tuyến này, ngày 20-1-2009, các sở phải có hướng dẫn cho các trường đóng trên địa bàn góp ý, lấy ý kiến cho dự thảo 14. Phải có ít nhất 50% tổng số cơ sở có ý kiến. Chậm nhất ngày 10-2 phải tổng hợp gửi về Bộ để cuối tháng 2 gút ý kiến lần cuối trước khi trình Chính phủ.

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm