Giới trẻ đổ xô chọn ngành kinh tế quá nhiều

Đó là chia sẻ của PGS-TS Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Tài chính – Marketing tại Hội nghị Khoa học kinh tế trẻ về chủ đề: Đánh giá tác động của các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia đến lực lượng lao động trẻ và nền kinh tế Việt Namngày 3-12.

Hội nghị do Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM phối hợp với Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức.

Tại đây, các vấn đề về lao động trẻ trong thời đại hội nhập quốc tế 4.0 được nhiều đại biểu quan tâm.

Theo, PGS-TS Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho rằng công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh, đòi hỏi người lao động cũng phải cập nhật thông tin kịp thời. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải nhanh, nắm bắt công nghệ và áp dụng hiệu quả công nghệ mới có thể phát triển.

Theo PGS Anh Thư, để đáp ứng được, vai trò định hướng và giáo dục cho thế hệ trẻ cũng cần thay đổi từ trong mỗi gia đình, nhà trường và đạo đức xã hội cũng cần thay đổi theo. Từ đó, các em mới không bị lạc lối và đem lại lợi ích cho xã hội.

“Việc chọn ngành nghề của các em cũng cần được quan tâm hơn vì hiện nay các em đổ xô đăng ký vào khối ngành kinh tế quá nhiều, trong khi các lĩnh vực về khoa học tự nhiên đang rất cần thu hút để phát triển các nghiên cứu đáp ứng cho sự phát triển của xã hội lại chưa thu hút” – PGS-TS Anh Thư nói.

Theo vị này, để hội nhập và phát triển trong thời đại 4.0, mỗi lao động, nhất là các bạn trẻ cần thành thạo ít nhất một ngoại ngữ và kèm theo đó là phải am hiểu văn hóa nước bạn. Mỗi bạn phải luôn luôn trau dồi kỹ năng, tác phong, tăng cường tham gia hoạt động xã hội, rèn luyện bản thân.

PGS-TS Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư trình bày tại hội nghị. Ảnh: PHẠM ANH

Tương tự, trong bài nghiên cứu của mình, bà Lê Thị Yến, Trường ĐH Kinh tế và quản trị kinh doanh (ĐH Thái Nguyên), cho rằng nguồn lao động trẻ là một trong những nhân tố quan trọng để thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư. Bởi lẽ khi lao động phù hợp với yêu cầu và năng lực quản lý cao sẽ cho ra năng suất cao. Các nhà đầu tư sẽ giảm chi phí và thời gian đào tạo, các dự án triển khai sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, theo bà Yến, qua nghiên cứu, năng lực thích ứng của các lao động trẻ hiện nay còn rất hạn chế, tính dễ bị tổn thương là khá cao. Do đó, cần quan tâm nâng cao trình độ học vấn cho lao động trẻ, nhất là ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm. Tạo điều kiện cho lao động trẻ tham gia các lớp tập huấn do các đơn vị tổ chức để bắt nhịp xu hướng phát triển của thế giới.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Chung Quế Ngọc Chi, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM, cho rằng bối cảnh kinh tế hội nhập quốc tế cũng là thời kỳ vàng cho hoạt động khởi nghiệp. Không chỉ góp phần phát triển kinh tế quốc gia mà là cơ hội cho sự sáng tạo và phát triển bản thân, nhất là các bạn trẻ. Tuy nhiên, thách thức lớn của Việt Nam là khả năng hòa nhập của HSSV sau tốt nghiệp, khả năng thích ứng với các thay đổi, kỹ năng thưc hành và ý thức, tác phong của sinh viên còn nhiều hạn chế.

Đại biểu Chi đề xuất cần có chương trình chuẩn về giáo dục khởi nghiệp ngay từ bậc phổ thông. Hệ thống giáo dục cần được điều chỉnh theo hướng gắn thực tế với lý thuyết, đào tạo và thực tiễn để đề cao tinh thần tự chủ và thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp cho mỗi bản thân người học.

Đồng thời, cần xây dựng chương trình, lộ trình cụ thể để nâng cao nhận thức khởi nghiệp cho mọi người dân. Ngoài ra, Nhà nước cần có những chính sách đồng bộ và nhất quán, có chính sách đầu tư và hỗ trợ đúng mức cho nhằm tạo điều kiện cho quá trình khởi nghiệp của người dân được phát triển và xuyên suốt. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm