Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời vô giá trị?


Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời vô giá trị? ảnh 1

Sinh viên ĐH Y dược TP.HCM trong ngày tốt nghiệp - Ảnh: Trần Huỳnh

Trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp khó khăn, sinh viên vừa tốt nghiệp đại học hết sức vui mừng khi Tổng Cục thuế ra thông báo tuyển dụng công chức.

Thông báo của Tổng cục Thuế cho biết thời gian tiếp nhận hồ sơ dự tuyển trong năm ngày làm việc (từ 8g ngày 11-8 đến 17g ngày 15-8). Nhiều bạn trẻ hồ hởi mang hồ sơ đăng ký dự tuyển công chức nhưng họ "thực sự sốc” khi bị cơ quan tuyển dụng lạnh lùng từ chối với lý do không đủ điều kiện về văn bằng.

Trong khi tất cả những bạn trẻ có nguyện vọng dự tuyển này đều đã được công nhận tốt nghiệp đại học với ”Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời” do nhà trường cấp.

Về việc này một lãnh đạo của Vụ Tổ chức cán bộ - Tổng cục Thuế cho biết những quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự thi tuyển dụng công chức của ngành thuế được áp dụng theo thông tư 13/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ.

Theo đó, hồ sơ đăng ký dự tuyển công chức phải có “bản chụp các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển”.

Hơn nữa trong thông báo tuyển dụng công chức năm 2014 Tổng cục Thuế cũng nêu rõ “không tiếp nhận hồ sơ đối với thí sinh chưa được cấp bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trung cấp khi đăng ký nộp hồ sơ dự tuyển”. Cũng theo vị lãnh đạo này, “giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời" không có giá trị tương đương như văn bằng.

Vì thế, những ứng viên nào mới có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời đều bị loại ngay từ vòng nộp hồ sơ.

Theo Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, thời hạn để các trường cấp văn bằng, chứng chỉ co sinh viên chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày thi tốt nghiệp, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, cán bộ đào tạo của các trường đại học đều cho rằng thực tế không có trường nào thực hiện đúng được quy chế này.

Hiện nay, ngoài hai Đại học quốc gia các đại học vùng được in ấn, quản lý phôi bằng, cấp văn bằng từ cao đẳng đến tiến sĩ và các chứng chỉ giáo dục theo qui định của Bộ GD-ĐT, các trường còn lại đều phải mua phôi bằng từ Bộ GD-ĐT.

Các trường muốn mua phôi bằng phải có quyết định và danh sách sinh viên được công nhận tốt nghiệp. Bộ GD-ĐT cấp phôi bằng theo đúng số lượng các trường đề nghị trong quyết định công nhận tốt nghiệp.

Sau khi nhận phôi bằng các trường còn phải ghi nội dung, ký tên và đóng dấu. Thông thường thời gian để có một văn bằng hoàn chỉnh cấp cho sinh viên phải mất vài tháng.

TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết nhà trường giấy chứng nhận tốt nghiệp để sinh viên làm hồ sơ xin việc trong khi chờ nhận bằng chính thức. Tất cả sinh viên được cấp giấy này đều phải thông qua hội đồng xét và công nhận tốt nghiệp.

Ông Đỗ Thanh Duy, trưởng phòng quản lý thi và công nhận văn bằng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT cũng cho biết hiện nay bộ không có quy định về việc cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Việc này do các trường chịu trách nhiệm.

Trong thời gian chờ nhận bằng, sinh viên được các trường cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời này cũng có đầy đủ thông tin giống như một văn bằng, được hiệu trưởng ký tên, đóng dấu và có giá trị từ 1-6 tháng.

Đương nhiên giấy này không phải là văn bằng nhưng chứng nhận sinh viên đã tốt nghiệp rồi. Vì vậy nó cũng có giá trị sử dụng khi xin việc. Thực tế không ít cơ quan, doanh nghiệp chấp nhận giấy chứng nhận này khi tuyển dụng nhân viên.

Qua việc này, nhiều người thắc mắc: phải chăng giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời này vô giá trị hay đơn vị tuyển dụng chỉ coi trọng bằng cấp, quá cứng nhắc khi thực hiện các quy định về tuyển dụng? Tại sao không cho họ cơ hội được ứng thí, chứng tỏ năng lực làm việc trong một kỳ thi tuyển dụng?

Nếu không chấp nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời thì các trường cấp giấy này làm gì cho tốn kém? Trong tuyển dụng, bằng cấp là quan trọng nhưng chỉ là điều kiện cần, quan trọng hơn là năng lực thực sự của ứng viên. Giá trị thực của ứng viên không phải chỉ nằm ở tấm bằng.

Theo TRẦN HUỲNH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm