Giật mình: Chúng ta đang 'hành hạ' con mình đến kiệt sức!

Một đứa con nít bình thường ở TP.HCM rời khỏi nhà lúc 6 giờ sáng. Chiều học xong ở trường là đến lớp học thêm và thường trở về lúc 9 giờ tối, ăn vội thêm cái gì đấy rồi ngồi vào bàn học bài đến 22 giờ 30 thì đi ngủ. Sáng hôm sau dậy lúc 5 giờ 30 vệ sinh, ăn vội rồi lại đến trường. Mỗi ngày, các em dành cho chuyện học và di chuyển đến 17 tiếng.

Tôi nghĩ tính tổng lượng thời gian học, một học trò lớp 6 đã ngốn lượng thời gian ngang những người thế hệ mình, từ lúc đến trường tới khi nhận học vị tiến sĩ. Thế nhưng vì sao kiến thức xã hội, khả năng sáng tạo và ứng dụng của tụi nhóc bây giờ lại kém? Những đứa trẻ ngày xưa có thể không rành công nghệ nhưng sự mơ mộng, khả năng sáng tạo, ý thức lý giải hiện tượng và ứng dụng kiến thức tốt hơn trẻ cùng lứa bây giờ.

Hôm qua, phụ huynh một đứa bạn của con trai gọi cho tôi. Chị ấy nói: “Em năn nỉ mãi mới được một cô giáo nhận dạy kèm môn lý. Anh cho bé nhà anh học cùng rồi chia ra”.

Con trai tôi học lý rất tệ, rõ là cần phải hệ thống lại kiến thức. Tiền thì không phải chuyện quá lớn nhưng nghĩ đến việc con trai mịt mù với lịch học, cuối cùng tôi nói thôi. Nghĩ thương tụi nhóc, một ngày của chúng nó thấy đèn trong lớp học nhiều hơn thấy ánh sáng trời. Đã thế, mùa hè của chúng cũng bị cắt xén bởi các lớp học thêm theo ý người lớn.

Trẻ em tranh thủ ăn vội đồ hộp ngay trên xe khi cha mẹ chở đi học, cảnh thường thấy ở TP.HCM. Ảnh: THUẬN THẢO

Mà đâu chỉ trẻ con, nhà có hai đứa con tức là cả nhà đi học. Sáng đưa đến trường, chiều đón về ăn vội rồi đưa đi học ngoại ngữ hoặc học thêm, tối chờ đón về. Cũng hôm qua, ngồi nói chuyện với một đồng nghiệp, anh ấy nói nhà hai đứa học khác trường nên bà xã phải làm tài xế suốt ngày. Sợ con đói, tối đưa con vào lớp ngoại ngữ thì mẹ về nhà nấu thức ăn đưa tới chờ nó giải lao cho nó ăn, xong đi đón đứa khác qua lớp toán, đưa được cả hai đứa về là 21 giờ rồi phải lo dò bài.

Nhà tôi cũng từng phải làm như thế. Cuối cùng quyết định đứa bé đi bộ đến trường gần nhà, đứa lớn sáng đưa đi, chiều đi xe bus về. Tối chỉ học thêm hai buổi Anh văn. Hễ rảnh thì đưa đón, không thì nhờ bác xe ôm. Học là để nâng cao chất lượng đời sống chứ không thể bố trí thời gian cái kiểu hy sinh hết thời gian nghỉ ngơi và giải trí của cả cha mẹ và con cái từ năm này qua tháng khác như thế.

Cuộc đời con người ta, thời gian vô tư nhất là từ lúc bé cho đến 18 tuổi, học xong 12. Nó được vô tư cho đến khi khoác lên mình trách nhiệm và nghĩa vụ của người trưởng thành. Thế nhưng trẻ con đang bị vắt kiệt sức cho chuyện học. Chúng hầu như không còn thời gian tìm hiểu thế giới bên ngoài.

Hai đứa cháu của tôi ở Moscow, đến trường 6 giờ 30 sáng và đi xe bus về đến nhà lúc 15 giờ. Từ đó chúng nó chỉ chơi. Ngoài mấy tháng nghỉ đông và nghỉ hè, cứ học bốn tuần lại được nghỉ một tuần. Những ngày đó cả nhà đi cắm trại, câu cá hoặc đi chơi xa. Vậy thì điều gì khiến trẻ con Việt Nam phải học nhiều như thế?

Cái sự học khùng điên của trẻ con, áp lực điểm số mà trường thông báo mỗi ngày qua sổ liên lạc điện tử, phong trào thấy con người khác học thêm thì sốt ruột và bắt con học thêm. Thầy cô giáo thì bận tâm vì sao lớp mình điểm số sút kém mà không bận tâm tự hỏi rằng: “Học sinh của mình có còn thời gian vui chơi giải trí hay không?”… Tất cả điều đó khiến tôi nghĩ cứ để nó vừa học vừa chơi, rồi lớn lên làm nghề gì cũng được miễn là vui vẻ, hạnh phúc, như chủ tiệm tạp hóa chẳng hạn.

Còn hơn để nó suốt mười mấy năm chỉ thấy ánh đèn neon thay vì ánh sáng mặt trời.

Các em phải học như hành xác

Giật mình: Chúng ta đang 'hành hạ' con mình đến kiệt sức! ảnh 2
 
Tôi không mấy ngạc nhiên khi tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố giáo dục Việt Nam xếp hạng thứ 12 dựa trên kết quả kiểm tra toán học và khoa học ở tuổi 15. Tuy nhiên, chúng ta đừng nên tự hào, đừng nhầm lẫn rằng với kết quả xếp hạng này thì có thể giáo dục chung của Việt Nam cũng xếp hạng cao cỡ như vậy. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau nhưng rất dễ nhầm lẫn. Chúng ta phải hiểu cái mà tổ chức này đánh giá chỉ là nói về khả năng giải các bài toán và khoa học thôi chứ không phải đánh giá trình độ của học sinh về các mặt giáo dục nói chung.

Đau lòng mà nói, để có kết quả xếp hạng cao như vậy, cái giá chúng ta phải trả lại quá đắt. Chúng ta phải hy sinh dường như cả tuổi thơ của con em, phải hy sinh quá nhiều năng lực của toàn bộ hệ thống, làm hao mòn toàn bộ sức lực và trí tuệ của con em. Các em phải học như hành xác, không có thì giờ để vui chơi, tư duy, rèn luyện các khả năng khác về đức, trí, thể, mỹ nữa. Chúng ta chỉ cố nhồi nhét để các em học, cố gắng để mà giải bài tốt, cố gắng để thi có kết quả cao, suốt ngày lao đầu vào học, sáng chiều không đủ thì phải học tối nữa chỉ để lo thi cử thôi, thầy và trò cứ cuốn theo hoài như vậy. Phần lớn các em học vì điểm số, vì thi cử như nhai lại kiến thức chứ không phải sáng tạo.

TS NGUYỄN CAM, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Công nghệ dạy học thuộc
Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

PHẠM ANH  ghi

Phần Lan, đất nước có hệ thống giáo dục phổ thông phát triển bậc nhất thế giới, đã có một điều luật áp dụng trong năm học với nguyên tắc “khối lượng bài tập/công việc của học sinh được điều chỉnh sao cho thời gian để các em nghỉ ngơi, sáng tạo và vui chơi phải nhiều hơn thời gian ngồi trên ghế nhà trường, đi lại từ nhà đến trường và làm bài tập về nhà” (Luật Giáo dục cơ bản Phần Lan, Phần 24, Điều 1). Trẻ em Phần Lan bắt đầu học lớp 1 vào lúc bảy tuổi, thời lượng học sinh 7-14 tuổi học ở trường tại quốc gia này là thấp nhất trong khối các nước thuộc tổ chức OECD (Sahlberg, 2010, tr. 62-63)… Lý do là người lớn để cho những chủ thể đang “tuổi ăn tuổi chơi” được hưởng tuổi thơ trọn vẹn.

TS NGUYỄN KHÁNH TRUNG, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm