Giáo viên tiếng Anh “than thở” học nâng chuẩn

Thực hiện đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 và Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông chuyên nghiệp giai đoạn 2011 - 2020, Sở GD-ĐT TPHCM ưu tiên việc nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên (GV) tiếng Anh.

Ngành đã ký kết với hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ để bồi dưỡng tiếng Anh cho GV nhằm nâng cao kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng giảng dạy theo hướng chuẩn quốc tế. Mà cụ thể là GV Tiểu học và THCS phải đạt chứng chỉ Anh ngữ quốc tế FCE của ĐH Cambridge nhằm đạt chuẩn ngôn ngữ B2 của khung tham chiếu ngôn ngữ châu Âu. Các GV sẽ học bồi dưỡng trong khoảng 75 - 150 giờ tùy trình độ của mỗi người.

Giáo viên tiếng Anh “than thở” học nâng chuẩn ảnh 1

Nhiều GV tiếng Anh "thờ dài" khi tham gia bồi dưỡng "nâng cấp" trình độ Ngoại ngữ. (Ảnh chỉ mang tính minh họa. Trong ảnh: GV tiếng Anh tại TPHCM tìm hiểu tại tài liệu dạy học).

Rõ ràng với trình độ tiếng Anh của GV còn nhiều bất cập như hiện nay, việc bồi dưỡng nâng chuẩn là cần thiết. Tuy nhiên, không ít GV than thở với việc học này vì gặp khá nhiều rắc rối. 

“Trình độ GV tiếng Anh hiện nay xuất phát từ hai chiều. Không chỉ do việc đào tạo từ các trường Sư phạm mà còn do bị mai một trong quá trình làm việc - đây là lỗi từ phía nhà sử dụng. Lẽ ra việc nâng cao chuyên môn cho GV tiếng Anh là một quá trình phải được thực hiện thường xuyên trong quá trình công tác. Còn khi thấy GV kém lại cho họ đi học theo đợt, liệu sau khóa học việc sử dụng GV tiếng Anh trong ngành giáo dục có thay đổi giúp họ nâng cao thường xuyên không, hay “mèo lại hoàn mèo”? - một GV tiếng Anh đã đạt chuẩn B2 bày tỏ, trình độ GV tiếng Anh

“Việc học tiếng Anh quan trọng nhất là phải phát triển kỹ năng đúng ngay từ đầu, nếu kỹ năng đã sai thì sau này thay đổi rất khó. Sự lệch chuẩn của thầy cô sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả thế hệ con em. Vì thế, GV phải là người tiên phong, trách nhiệm trong việc học hỏi, nâng cao kỹ năng, trình độ.” - ông Phạm Tấn Nghĩa, Chủ tịch Anh văn Hội Việt Mỹ

Nhiều GV bày tỏ khó khăn nhất là việc thu xếp thời gian để tham gia chương trình học một cách đều đặn (2 buổi/tuần). Nhất là khi họ vẫn phải lo công tác giảng dạy ở trường rồi quán xuyến việc gia đình. Ở nhiều trường, GV tiếng Anh phải dạy từ 28 - 30/tiết mỗi tuần, việc đi học gây nên xáo trộn lớn. Đi học nhưng GV lại khó đầu tư cho bài vở vì không có thời gian.

Tuy nhiên, điều ít người nói ra là họ mang suy nghĩ cho rằng mình đang phải… đi học lại. Chưa kể việc cuối kỳ bồi dưỡng phải trải qua kỳ thi chứng chỉ Anh ngữ quốc tế FCE của ĐH Cambridge nhằm đạt chuẩn ngôn ngữ B2 của khung tham chiếu ngôn ngữ châu Âu là điều thách thức với nhiều GV, nhất là các GV lớn tuổi, hạn chế khả năng tiếp nhận các kỹ năng mới. Tâm lý học lại, thi lại càng làm GV thêm nặng nề.

Bà Tôn Nữ Phương Thắm - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng (Q. Gò Vấp, TPHCM) cho biết trường ký hợp đồng thêm với một GV tiếng Anh bên ngoài vào dạy để thu xếp cho GV tham gia nâng cao chuyên môn.

“Điều làm các cô thấy không thoải mái có thể xuất phát từ áp lực áp lực đi học và thi. Việc để GV vốn ít có điều kiện trau dồi chuyên môn lâu nay trải qua khóa ôn luyện mà thiếu tập trung, đầu tư vì vẫn phải lo dạy học nên để đạt trình độ theo chuẩn là rất khó”, bà Thắm thẳng thắn.

GV không nên quá áp lực

Cô Hồ Dương Châu - Tổ trưởng bộ môn Ngoại ngữ trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1) cho hay, GV e ngại đi học trước hết là vì vấn đề về thời gian. Đi học về mà không có thể tập trung đầu tư cho bài vở là một điều rất đáng tiếc. Là nhà giáo đi học mà không thể lo bài vở đến nơi đến chốn nên GV ngại làm người dạy phiền lòng và khi không học bài có thể bị nhắc nhở này nọ. 

“Trước hết cần giảm tải giờ dạy cho GV, đồng thời có thể bố trí việc bồi dưỡng vào dịp hè để GV thuận tiện cho việc học. Vừa tránh lãng phí vừa giúp GV tự tin hơn khi đến lớp”, cô Châu nhấn mạnh.

Theo cô Châu, GV không nên đặt áp lực cho mình vì nếu thi chưa đạt chứng chỉ theo yêu cầu thì mình cũng đã có cơ hội trải qua khóa học nâng cao trình độ, qua đó biết được hạn chế của bản thân để khắc phục.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh việc dạy và học luôn là quá trình thay đổi để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao để sao cho kiến thức ứng dụng được vào cuộc sống chứ không phải là kiến thức ở sách vở nên không thể có sự cố định. Nếu như trước phương pháp học Ngoại ngữ chủ yếu tập trung vào đọc - viết thì bây giờ xác định một cách khoa học tiếp xúc về ngôn ngữ hiệu quả phải theo quy trình nghe - nói - đọc - viết. Muốn dạy được học trò thì trước GV phải đạt điều này.
“Việc bồi dưỡng là điều kiện để GV cập nhật ở hai lĩnh vực gồm khả năng ngôn ngữ và phương pháp dạy học khoa học nhất. Qua đó, thầy cô sẽ tự tin trong việc giúp HS nâng cao khả năng Ngoại ngữ hơn. Vì thế GV không nên nghĩ rằng tại sao tôi đã được đào tạo ở trường Sư phạm mà giờ phải đi học lại”, ông Sơn nói.
Theo Hoài Nam (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. 

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.