Giáo viên mỗi trường được bỏ phiếu kín để chọn SGK

Bộ GD&ĐT vừa công bố Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT), có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2020.

Theo đó, SGK được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở GDPT phải thuộc danh mục SGK đã được bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn một đầu SGK. Việc lựa chọn SGK phải bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở GDPT do người đứng đầu cơ sở GDPT thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở GDPT tổ chức lựa chọn SGK. Mỗi cơ sở GDPT thành lập một hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng.

Hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (gọi chung là môn học) có SGK được lựa chọn, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở GDPT.

Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên. Đối với cơ sở GDPT có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là bảy người.

Người đã tham gia biên soạn SGK hoặc tham gia thẩm định SGK do các nhà xuất bản tổ chức, tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành SGK và người làm việc ở các nhà xuất bản có SGK không được tham gia Hội đồng.

Hội đồng có nhiệm vụ: Lựa chọn SGK theo quy định tại thông tư này và quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn SGK của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đề xuất danh mục SGK để sử dụng trong cơ sở GDPT với người đứng đầu cơ sở GDPT. Hội đồng lựa chọn SGK tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch. Cuộc họp của hội đồng được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham gia, trong đó có chủ tịch, phó chủ tịch và thư ký. Kết quả của mỗi cuộc họp hội đồng được lập thành biên bản. Biên bản phải có chữ ký của chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký và các ủy viên tham dự.

Thông tư quy định, Ít nhất 2/3 hội đồng lựa chọn SGK là tổ trưởng tổ chuyên môn, giáo viên.

Quy trình lựa chọn SGK được thông tư quy định như sau:

Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu SGK cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn.

Tổ chuyên môn báo cáo Hội đồng danh mục SGK được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Danh mục SGK được lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên trong tổ chuyên môn.

Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn theo các nguyên tắc quy định và tiêu chí lựa chọn SGK. Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn SGK.

SGK được lựa chọn phải được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp SGK không được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn, Hội đồng thảo luận, phân tích các SGK với các tiêu chí lựa chọn SGK và bỏ phiếu lựa chọn lại.

Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn thì hội đồng quyết định lựa chọn SGK có số phiếu đồng ý cao nhất trong danh mục SGK do tổ chuyên môn báo cáo theo quy định. Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn SGK thành biên bản, có chữ ký của chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký và các ủy viên tham dự.

Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở GDPT danh mục SGK đã được hội đồng lựa chọn để sử dụng trong cơ sở GDPT.

Trên cơ sở đề xuất của hội đồng, người đứng đầu cơ sở GDPT quyết định danh mục SGK sử dụng trong cơ sở GDPT.

Người đứng đầu cơ sở GDPT công bố công khai danh mục SGK sử dụng trong cơ sở GDPT và niêm yết tại cơ sở GDPT trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là bốn tháng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. 

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.