Giáo dục đại học và hình ảnh xe đò “vớt” khách

Giáo dục đại học và hình ảnh xe đò “vớt” khách ảnh 1
Tuyển sinh đại học hiện nay được ví như xe đò đi vớt khách.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, vấn đề cốt lõi để tổ chức lại giáo dục đại học là phải làm rõ quyền tự chủ, song các quy định về nội dung này tại dự luật lại chưa thuyết phục, vẫn bộc lộ nhiều vương vấn, lưỡng lự. GS. Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc tạo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm phải được coi là cơ chế chung trong quản lý ở các trường đại học và trường nào cũng phải vận hành theo cơ chế đó. Bà Đan nói "cách đặt vấn đề chỉ cho đại học quốc gia, các trường đại học trọng điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm về một số hoạt động còn các cơ sở giáo dục đại học khác phải chờ đánh giá xong, thẩm định xong mới cho tự chủ hay không như quy định của dự luật là không phù hợp”. Khẳng định tự chủ là thuộc tính của đại học, GS. Đặng Hữu cho rằng các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường trong dự thảo luật chưa rõ ràng, cụ thể, “vẫn còn lưỡng lự, phân vân”, và “các điều kiện đặt ra trong luật vẫn trở lại cơ chế xin – cho, nặng nhiều về lộ trình, thủ tục”. Theo ông, nên mạnh dạn giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường, sau khi đã ban hành rõ ràng các tiêu chí, tiêu chuẩn để được thành lập các trường đại học và cơ chế xác định trách nhiệm. Có như vậy mới phát triển được hệ thống đại học và có những trường đại học chất lượng. Rất đồng tình với quan điểm về tự chủ đại học của hai vị giáo sư, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM nhìn nhận, lâu này Bộ Giáo dục nắm quyền tự chủ giáo dục đại học và cứ nhả ra từ từ. Tới bây giờ dự án luật lại tiếp tục nhả ra nhưng cũng chỉ ở một số nội dung. Cho rằng, nhiều việc Bộ Giáo dục làm được mà không chịu làm, đại biểu Lịch đã dẫn lời một vị quản lý trường đại học nói về tuyển sinh đại học lâu nay như xe đò đi vớt khách. Xe đầu tiên, nguyện vọng 1 là xe tốt, đi vớt trước, đầy chỗ rồi còn thêm ghế phụ, tới xe kế tiếp (nguyện vọng 2) và chuyến cuối cùng là xe ọc ạch. Thậm chí vài năm nay, trường đại học nhiều tới mức không còn khách để rước thì làm sao có chất lượng? Vẫn xoáy vào mục tiêu nâng cao chất lượng đại học của dự án luật, ông Lịch đặt câu hỏi về nguyên nhân những năm gần đây, đặc biệt 2006-2009, cứ 2 tuần ra đời 1 trường đại học mới, trong khi đội ngũ giáo viên không có. Ông Lịch cho rằng, hiện trạng 10% giảng viên là tiến sĩ, 40% thạc sĩ tức là một nửa những người học đại học giảng dạy đại học chỉ nên tồn tại trong chiến tranh chứ không thể nào tồn tại trong khi đất nước hòa bình phát triển với mục tiêu nâng cao chất lượng đại học như hiện nay. Việc cho ra quá nhiều trường đại học như vậy, không phải do thiếu luật mà do trách nhiệm của người quản lý, vị đại biểu này nhấn mạnh. Về vấn đề tự chủ, theo đại biểu Lịch thì không thể nào cho tự chủ cá nhân mà phải là tự chủ pháp nhân. Song rất tiếc dự luật này chưa quy định tổ chức đại học là pháp nhân. Cần xác định cơ sở đại học là pháp nhân, trên nền tảng đó hình thành tổ chức, có cơ quan quản trị, ông Lịch phát biểu. Phân tích thêm một số tồn tại trong giáo dục đại học ở các vấn đề liên quan đến lợi nhuận, đại biểu Lịch đề nghị phải khuyến khích mô hình giáo dục phi lợi nhuận, dù của nhà nước hay tư nhân. “Phải giải quyết căn bản toàn diện triệt để những bất cập của giáo dục đại học hiện nay, sau đó mới luật hóa, còn như hiện nay ra luật càng rối và không giải quyết được vấn đề”, ông Lịch nói.
Theo Nguyên Vũ (VnEconomy)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm