Giải vây nỗi khổ trông con mùa hè

Khi vừa biết thông tin năm học này, các trường ở TP.HCM không được mở lớp dạy các môn văn hóa trong dịp hè, nhiều phụ huynh tuy vui vì con được xả hơi nhưng cũng bắt đầu… hoảng.

“Mong hè nhanh qua mau”

Nhiều người viết lên Facebook: “Ác mộng mùa hè”, “Mình chỉ mong hè nhanh qua mau, mắc đi làm, gửi con đâu đây trời ơi!”…

Đó cũng là lý do khiến nhiều ông bố, bà mẹ phải cuống cuồng tìm chỗ học hè cho con từ đầu tháng 5. Anh Nguyễn Quang Thái, có con học tiểu học tại Trường Đinh Tiên Hoàng (quận 1), cho hay thời gian này gia đình anh rối hết cả lên. Anh có hai con, một đứa sang năm học lớp 3, một đứa chuẩn bị lên năm tuổi đều đang ở nhà vì trường mầm non của con anh thông báo giữa tháng 6 trở đi mới nhận giữ trẻ dịp hè, còn trường tiểu học thì thông báo nghỉ đến giữa tháng 8.

Cùng cảnh ngộ, chị Võ Hoàng Yến, có con học ở Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh), cho hay hiện hai con của chị chưa học hè ở đâu cả. Một đứa học lớp 7, một đứa học lớp 2. Ở trường thì chỉ mở lớp phụ đạo học sinh (HS) yếu cho những em cần kiểm tra lại hoặc những em bồi dưỡng HS giỏi thôi. Hiện đứa lớn phụ chị bán hàng ở chợ, còn đứa em thì chị gửi nhờ cho cô giáo trong xóm.

Chị Phạm Nguyễn Tú Trinh, có con chuẩn bị lên lớp 8, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Tân Bình, từ tháng 5 đã đăng ký cho con học thêm hè môn toán ở trung tâm bên Phú Nhuận và một khóa học bơi. Theo chị, trong trường cũng có câu lạc bộ (CLB) nhưng chỉ đáp ứng được một số em thôi và thời gian cũng không linh động.

“Nên chăng các trường phải phối hợp với các đoàn thể bên ngoài hoặc phối hợp với các công ty dịch vụ tổ chức dạy kỹ năng” - chị Trinh góp ý.

Các bé nhỏ tham gia sinh hoạt tại Hội quán Các bà mẹ. Ảnh: HQCBM

Trường trung học mở nhiều lớp kỹ năng

Nắm bắt được tâm tư và nhu cầu của phụ huynh, HS, nhiều trường học tại TP.HCM đã linh động mở ra nhiều khóa học và tổ chức hoạt động hè.

Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là trường có thế mạnh về tiếng Anh nên trường đã mở khóa học toán và khoa học bằng tiếng Anh dành cho các em học THCS của trường. Các em học chiều thứ Bảy hằng tuần.

Đồng thời, trường cũng mở lớp kỹ sư robot cho những em có năng khiếu và yêu thích về tự động hóa. Các em sẽ học từ tháng 6 đến giữa tháng 8 mới kết thúc.

Một cán bộ của trường cho biết trường cũng mở một số lớp về thể thao, nghệ thuật khác cho những em có năng khiếu tham gia như lớp bóng đá hè. Các em sẽ học tại sân bóng đá cỏ nhân tạo Cung văn hóa lao động TP. Mỗi lớp tối đa 25 học viên và sẽ do hai huấn luyện viên phụ trách. Mỗi tuần các em chỉ học hai buổi với 90 phút/buổi, học phí cũng khá nhẹ 350.000 đồng/ tháng. Ngoài ra trường còn mở các lớp piano theo bốn cấp độ là vỡ lòng, sơ cấp, trung cấp, nâng cao để cho các em cả khối THCS lẫn THPT học.

Ngoài bồi dưỡng HS giỏi và phụ đạo HS yếu miễn phí, Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) cũng linh động mở nhiều lớp kỹ năng. Chị Nguyễn Hải Yến, phụ huynh có con học ở đây, cho biết vừa đăng ký cho con học một khóa học trải nghiệm thực tiễn và kỹ năng sống. Học phí 1,2 triệu đồng/khóa nhưng trẻ được học nhiều môn như trải nghiệm lý hóa sinh, thể dục tự chọn, tin học, robotic, nghệ thuật, kỹ năng sống. Lớp học từ ngày 12-6 đến 5-8 với 96 tiết, mỗi tuần học các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu.

Trường Trần Văn Ơn còn mở các lớp về thể thao cho các em như bơi lội, bóng đá, bóng rổ. Trường cũng có thêm các CLB bóng đá và bóng rổ. Các em sẽ học từ tháng 6 đến cuối tháng 7. Học phí là 600.000-800.000 đồng/khóa, tùy môn.

Các trường khác như Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Tiểu học Bàu Sen (quận 5), THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10)... từ giữa tháng 6 cũng mở các CLB, các lớp kỹ năng về nghệ thuật hoặc thể dục thể thao cho các em tham gia.

Phụ huynh cũng vào cuộc

Với những phụ huynh có con từ năm tuổi trở lên thì Hội quán Các bà mẹ TP.HCM là nơi tạo ra những sân chơi khá bổ ích. Hầu hết chương trình đều là những hoạt động ngoài trời để trẻ trở về với thiên nhiên, lồng ghép vào đó những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cho trẻ như kỹ năng thoát hiểm khi có cháy, bổ sung kiến thức về xâm hại tình dục, kỹ năng sinh tồn, hướng đến các hoạt động bảo vệ môi trường...

Gần đây nhất, hội quán có tổ chức chuyến đi về Vũng Tàu để được hướng dẫn những kỹ năng sinh tồn khi ở biển cho trẻ, hay đi về Long Sơn để thăm ruộng muối, tìm hiểu về nếp sống của người dân địa phương.

“Trong buổi hôm đó, các con rất háo hức và chơi đùa với nhau. Các con dầm mình dưới ruộng muối, rồi cả nhóm nằm kể chuyện cho nhau nghe, dường như không còn khoảng cách nào giữa các con cả, rất dễ thương...” - chị Thúy kể lại.

Chị Linh Trang, có con trai chuẩn bị vào lớp 8, vừa tham gia cùng hội quán một vài chuyến đi sinh hoạt ngoài trời, chia sẻ: “Tôi bắt đầu cho con đi cùng hội quán vì nhận thấy niềm vui của con khi được nói chuyện với nhiều bạn, điều mà hằng ngày con thường hạn chế. Con tôi trở nên cởi mở, tự tin và vui vẻ hơn, có thêm kiến thức, con tìm được mùa hè đúng nghĩa cho riêng mình”.

Theo chị Nguyễn Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ, tùy thuộc vào từng chương trình, địa điểm đến trong mỗi hoạt động sẽ có mức phí phù hợp. Có những chương trình tổ chức ở TP.HCM hoàn toàn miễn phí, với những chương trình đi ngoại tỉnh thì mức thu cũng chỉ đủ để phục vụ cho việc đi lại và hoạt động của trẻ khi cần thuê người hướng dẫn...

Một lựa chọn khác cho phụ huynh là CLB Khoa học Sao nhỏ. Đây là nơi mà các bé 6-11 tuổi có thể thỏa thích khám phá các hiện tượng tự nhiên xoay quanh đời sống hằng ngày. Mỗi tuần các bé được thử sức với một trò chơi khoa học mới lạ như: làm thế nào để thổi xà phòng tạo bong bóng thật to, làm tên lửa nước từ baking soda, tự tay lắp ráp kệ sách, từ những que kem và động cơ làm thế nào có thể tạo thành ô tô, xe tải và cả chiếc thuyền… Các bạn nhỏ được trải nghiệm cảm giác “tự tay tạo ra sản phẩm”. Nội dung lớp học cũng rất đa dạng như làm đèn giao thông bằng nước màu đường, làm kính tàu ngầm, đốt cỏ bằng kính lúp, tái hiện trận thủy chiến Bạch Đằng bằng sa bàn, tàu có động cơ và cọc nhọn, tìm hiểu Mai An Tiêm bằng cách nào đã vận chuyển dưa hấu về đất liền nhanh nhất.

Cơ quan “tự xử”

Ấy là hình ảnh dễ bắt gặp tại các công sở, khi các ông bố, bà mẹ chưa xoay xở được chỗ sinh hoạt hè hoặc gửi người thân chăm nuôi con trong thời gian nghỉ hè.

Hình ảnh này chúng tôi bắt gặp khi sang liên hệ cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.HCM làm việc so với những ngày chưa vào hè. Trong khi các ông bố, bà mẹ tập trung rà soát hồ sơ thì một số cháu ngoan ngoãn ngồi bên mẹ đọc sách, học bài. Cách đó không xa, phòng làm việc của ông Trần Dũng Hà, Trưởng phòng Chế độ Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, rộng chừng 8 m2 có năm trẻ đang vui chơi khá trật tự, dường như được cha mẹ “phím” trước nên không quá ồn ào, ảnh hưởng đến công việc của người lớn.

Ông Hà giãi bày dịp hè đoàn thanh niên cơ quan tổ chức cho các cháu một buổi xem phim nên anh chị em trong cơ quan đưa các cháu đến chơi chung. Đây cũng là dịp để cha mẹ mang con theo vì nghỉ hè ở nhà không có người trông coi, thế nên các cháu cỡ tuổi nhau tự tìm đến chơi với nhau để cha mẹ tập trung làm việc.

Ông Hà chia sẻ hè đối với nhân viên trong cơ quan như một cuộc đánh vật vì không biết gửi con chỗ nào. Không có người thân trông giữ, bởi vậy trong dịp hè nhiều ông bố, bà mẹ phải mang theo con tới công sở để chơi. “Nói chung là dịp làm đảo lộn nhiều thứ, trong đó căng nhất là tìm người để trông con và tìm chỗ cho con sinh hoạt hè. Trong hoàn cảnh nhất định, cũng phải thông cảm với hoàn cảnh của anh chị em trong cơ quan, vì thế chúng tôi sắp xếp lại phòng ốc làm việc để dành một chỗ cho các bé” - ông Hà nói.

AN NHIÊN

NGUYỄN THANH THÚY, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ:

Tạo ra một sân chơi mà gia đình nào cũng có điều kiện tham gia

Điều mà tôi cùng các thành viên trong Hội quán Các bà mẹ hướng tới là mong muốn làm sao tạo sự gắn kết giữa những đứa trẻ với nhau, giữa cha mẹ và con cái. Hội muốn tạo ra một sân chơi mà bất cứ gia đình nào cũng có điều kiện để tham gia, mọi người giao lưu với nhau để cùng hòa nhập, trao đổi kiến thức về chăm sóc con cái, cho các con chơi với nhau để có thêm bạn...

TRẦN HOÀI THƯ, Chủ nhiệm CLB Khoa học Sao nhỏ:

Nhắm vào việc khơi gợi trí tò mò của trẻ với các hiện tượng tự nhiên

Hầu hết nội dung các khóa học của CLB Khoa học Sao nhỏ đều nhắm vào việc khơi gợi trí tò mò của trẻ với các hiện tượng tự nhiên xung quanh đời sống hằng ngày. Những câu hỏi được đặt ra là: Trẻ con cần gì? Kỹ năng nào con đang thiếu? Định hướng nào để con phát triển? Hè, điều con muốn là gì... là cơ sở để chị thiết kế, lên khung chương trình cho các bé được thỏa sức khám phá. Tùy vào từng hoạt động, CLB Khoa học sẽ thu phí hoặc không thu phí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm