“Dưỡng” lá … “ngắt” mầm, chồi

Năm học 2011-2012, TP.HCM đẩy mạnh công tác phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi. Đây cũng là nguyên nhân khiến chỗ học của trẻ ở các trường mầm non công lập càng thiếu và phải dựa vào hệ thống trường ngoài công lập. Một số hiệu trưởng cũng dự báo năm học 2012-2013, lứa “heo vàng” (sinh năm 2007)vào lớp lá sẽ tăng đột biến và chỗ học sẽ căng thẳng hơn.

Ưu tiên trẻ năm tuổi

Chị Nguyễn Thị Huyền Nga, công tác tại một công ty nước ngoài thuộc phường Đa Kao, quận 1, phản ánh: “Được biết Trường Mầm non Bến Thành, quận 1, tuyển sinh các cháu trên địa bàn quận 1 không theo tuyến phường nên tôi gửi hồ sơ cho con vào lớp mầm nhưng ban tư vấn tuyển sinh của trường không tuyển vì lý do ưu tiên cho các cháu lớp lá (các cháu năm tuổi), tôi đành chọn trường mầm non quốc tế cho con học”.

Tương tự, tại nhiều trường mầm non của quận Phú Nhuận, tuy không công khai thông báo từ chối nhận trẻ trong độ tuổi mầm, chồi (trẻ 3-4 tuổi) nhưng khi vào năm học mới, phụ huynh xin cho con học “ngang xương” rất khó được chấp nhận vì kế hoạch, chỉ tiêu đã được các trường chuẩn bị từ thế hệ “nhà trẻ”. Cô Lê Thị Ngọc Giàu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca 9, chia sẻ: “Chúng tôi ưu tiên tuyển trẻ năm tuổi, tiếp đó là khối nhà trẻ cho các cháu trên địa bàn phường, sau đó mới nhận diện khác. Trường không từ chối nhận trẻ trong thời điểm tuyển sinh. Tuy nhiên, cũng không dám thông báo rộng rãi nhận ngoài tuyến vì dễ quá tải, gây căng thẳng. Sau khi chốt danh sách, số trẻ lớp lá ưu tiên còn dư gần 100 cháu, chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi để tiếp nhận các cháu 3-4 tuổi trên địa bàn chưa có chỗ học”.

“Dưỡng” lá … “ngắt” mầm, chồi ảnh 1

Giáo viên hướng dẫn các cháu vui chơi tại Trường Mầm non Tuổi Thơ 7, quận 3. Ảnh: QV

Ngay như địa bàn phường 7, quận 3, tập trung khá đông cụm trường công lập, nhiều trường cũng không tuyển lớp mầm và lớp chồi “ngang xương”. Bởi theo cô Bùi Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thơ 7, trường phải nhận hết các cháu năm tuổi rồi mới giải quyết các cháu thuộc diện có ba mẹ công tác tại các cơ quan trên địa bàn. Thế hệ các cháu nhà trẻ lên lớp mầm, chồi, lá là vừa khít nên trường không nhận ngang trẻ 3-4 tuổi vì sẽ không đủ chỗ học cho các cháu. Tuyển sinh đầu cấp hằng năm, trường chỉ tuyển các cháu nhà trẻ căn cứ vào lượng trẻ năm tuổi vào lớp 1.

Trường công “dựa” trường tư

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, phụ trách mầm non Phòng Giáo dục quận 12, hiện tại quận có 15 trường mầm non công lập, 18 trường tư thục với 615 phòng học, không đáp ứng nổi số lượng gần 19.000 trẻ. Riêng việc thực hiện chủ trương đưa trẻ năm tuổi ra lớp, các trường mầm non công lập của quận vẫn đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ, còn phần lớn các cháu vẫn vào học trường ngoài công lập và nhóm trẻ gia đình.

TP.HCM hiện có 397 trường mầm non công lập và 326 trường ngoài công lập cùng 1.054 nhóm, lớp. Toàn TP vẫn còn tới 15 phường, xã chưa có trường công lập. Hệ thống trường ngoài công lập phải gánh 30%-50% số trẻ.

Tương tự tại quận Tân Phú, để đạt được con số 98%-100% trẻ năm tuổi đến lớp phải mất vài năm nữa chứ năm học tới toàn quận chỉ huy động được 62% trẻ năm tuổi ra lớp. Theo bà Chung Bích Phượng, phụ trách mầm non Phòng Giáo quận, trẻ năm tuổi toàn quận phải ra lớp là 5.554, hệ thống trường công lập và ngoài công lập đáp ứng đủ số trẻ này. Nhưng thực tế, số trẻ năm tuổi chưa ra lớp còn tới 1.677 cháu. “Từ nay đến hết ngày 1-8, các phường phải báo cáo về phòng tìm hiểu nguyên nhân vì sao các cháu này chưa ra lớp vì lý do đã có chỗ học khác hay lý do gì để phòng có kế hoạch tuyển sinh các cháu lứa tuổi mầm, chồi” - bà Phượng nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: “Các trường mầm non công lập tại các quận, huyện không đáp ứng đủ chỗ cho trẻ học. Trước thực tế này, nắm bắt được nhu cầu của phụ huynh, nhiều người đã từng công tác trong ngành mầm non đầu tư, mở trường tư thục ngày càng nhiều, giảm áp lực cho trường công, tuy học phí có cao so với mặt bằng chung. Cạnh đó, có những nhóm trẻ gia đình mới mở, vẫn chưa đảm bảo đúng và đủ về điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên nhưng thu học phí giá rẻ dành cho đối tượng con em công nhân, lao động nghèo nên ngành chỉ đạo các cấp cơ sở cần tăng cường kiểm tra, hỗ trợ thêm về chuyên môn cho họ”.

TP.HCM chi 2.300 tỉ đồng để thực hiện Đề án phổ cập trẻ mầm non năm tuổi đến năm 2015, tập trung xây trường mầm non cho các phường, xã chưa có trường. Đến 2015, phường, xã nào cũng có trường mầm non công lập, phường, xã nào đông dân cư phải có ít nhất hai trường. Với hệ thống trường tư, TP có chủ trương không thu thuế (có thu thì thu nhẹ) một số quận, huyện có quỹ đất thì hỗ trợ để họ mở trường, phía ngành thì hỗ trợ chuyên môn, tập huấn đào tạo, bồi dưỡng miễn phí cho giáo viên và những người nuôi dạy trẻ.

Ông NGUYỄN TIẾN ĐẠT, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. 

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.