Đừng để tên trường kìm hãm sự vươn lên

Sáng 7-9, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách bước sang ngày làm việc thứ 2, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo không có mặt do đi công tác.

Không phải cứ ĐHQG là được xã hội đánh giá cao

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa –Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày tại hội nghị

Một trong những vấn đề lớn được Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa –Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Phan Thanh Bình trình bày trước hội nghị là vấn đề mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và khái niệm Đại học. Theo ông Bình, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Loại thứ nhất của cơ quan thẩm tra đề nghị quy định thống nhất mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm trường đại học và đại học (hệ thống các trường đại học).

Theo đó, hạt nhân cơ bản của hệ thống giáo dục đại học là trường đại học có cơ cấu tổ chức bên trong gồm các trường chuyên ngành, các khoa, bộ môn và các tổ chức cần thiết khác phục vụ cho hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ tùy theo nhu cầu của nhà trường.

Loại ý kiến thứ hai (của cơ quan soạn thảo) đề nghị quy định hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm có đại học, trường đại học, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác phù hợp với quy định của pháp luật, gọi chung là đại học.

Đưa ra ý kiến mở đầu về quy định này, ông Bình cho rằng đây là quy định chưa giải quyết được bản chất vấn đề về mô hình trường đại học bên trong đại học của các đại học hiện nay, cả về nội dung và tổ chức. Đồng thời có thể làm phức tạp thêm hệ thống khi quy định tất cả cơ sở giáo dục đại học là đại học. Các cơ sở giáo dục đại học đa lĩnh vực được thành lập các trường trực thuộc bên trong mà chưa phân định rõ tư cách pháp nhân, địa vị pháp lý của các tổ chức này.

Tranh luận tại hội nghị, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng không nên phức tạp về mô hình mà cần nhìn vào thực lực, vào nhu cầu của đất nước và của người học. Sai lầm trong việc tổ chức, phân loại là chỉ nhìn vào quy mô trường mà không nhìn vào năng lực đào tạo, vào nhu cầu của người học… Theo ông, việc phân loại mô hình theo hướng tư duy này ảnh hưởng lớn đến sức phát triển của giáo dục đại học.

“Xưa nay cứ nói đến Đại học Quốc gia là nói tới sự hoành tráng, quy mô nhưng trong Đại học quốc gia không phải trường nào, khoa nào cũng nhận được sự đánh giá cao từ xã hội. Trong khi đó Đại học Quốc gia lại sinh ra một bộ máy quản lý trung gian cồng kềnh, phức tạp”, ông Nhưỡng bình luận.

Chưa giải quyết được mong muốn của các trường ĐH

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói, quy định về mô hình đại học thể hiện trong bản dự thảo luật mới nhất chưa giải quyết được các vấn đề vướng mắc đã bộc lộ trong thực tế.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu 

“Hiện tại có rất nhiều ý kiến băn khoăn là tại sao chỉ các Đại học quốc gia, đại học vùng được gọi là “đại học” trong khi có rất nhiều các trường uy tín khác như Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân… lại không được gọi đúng từ định danh đó”, Phó thủ tướng nói.

Vấn đề nữa được Phó thủ tướng đề cập là khó khăn cho việc hội nhập vì khi dịch ra tiếng Anh chẳng hạn, chỉ có một từ thống nhất để chỉ trường đại học là University. Phó thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận hạn chế trong mô hình tổ chức hai Đại học Quốc gia cũng như ba đại học vùng hiện nay.

“Cá nhân tôi và Chính phủ cũng nghe rất nhiều kiến nghị của ĐH vùng và nhiều trường ĐH hiện nay. Có một ý rằng là mô hình ban đầu ban soạn thảo và ban thẩm tra chưa giải quyết được triệt để theo xu hướng thế giới. Chưa giải quyết được mong muốn của các trường ĐH trong nước” – Phó thủ tướng nói.

 Ba ĐH vùng đều rất không đồng tình với dự thảo như ban soạn thảo trình vì tâm lí anh em nói rằng, luật GD ĐH hiện hành có rất nhiều bất cập tuy nhiên trong đó vẫn quy định ĐHQG và ĐH vùng còn dự thảo thì không còn ĐH vùng. Tâm tư của anh em các trường ĐH chúng ta phải tính tới. Mô hình theo ban soạn thảo thì giải quyết được vấn đề đó. ĐH bao gồm ĐHQG, ĐH khu vực và ĐH vùng và các đại học lớn sau này người ta phát triển lên và tùy người ta gọi tên. Không nên vì tên trường mà ấn người ta vào anh chỉ ở mức đó thôi không được vươn lên. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. 

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.