Đổi mới dạy học phải bắt đầu từ tư duy của giáo viên

Đó là chia sẻ của TS Phan Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tại hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương pháp giảng dạy trong các trường sư phạm theo hướng tiếp cận năng lực người học” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng 24-6.

TS Thu Hiền cho rằng hiện nay chúng ta đang chú trọng quá đến kết quả học tập, chú ý quá nhiều đến kế hoạch giảng dạy, chương trình dạy của giáo viên mà chú ý quá ít đến trải nghiệm của người học.

Về vấn đề này, ThS Nguyễn Thị Hồng Mai, giảng viên Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM, cũng cho rằng phương pháp giảng dạy của giáo viên hiện nay có rất nhiều hạn chế, nhất là tại các trường ĐH sư phạm. Theo đó, các trường sư phạm phải rà soát lại chuẩn đầu ra của giáo viên để đánh giá thực chất chất lượng đào tạo. Từ đó có kế hoạch đầu tư, phân bổ và đổi mới cho phù hợp.

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng nêu lên một thực tế rằng hiện nay, sau khi rời trường sư phạm, nhiều giáo viên chỉ biết dạy thôi, thậm chí còn rất bỡ ngỡ với thực tế và rất yếu về kỹ năng, kể cả kỹ năng giao tiếp với học trò hay với phụ huynh.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, PGS-TS Ngô Minh Oanh cho rằng các trường cần chủ động đổi mới toàn diện từ nội dung, hình thức, chương trình đào tạo và nhất là phải thay đổi mô hình đào tạo giáo viên. Các trường sư phạm phải chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học. Mỗi trường sư phạm phải vừa là trung tâm đào tạo, vừa là trung tâm nghiên cứu khoa học và là trung tâm hoạt động cộng đồng để hình thành và phát triển năng lực toàn diện cho sinh viên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm