Đổ xô xét học bạ, vào đại học bằng mọi giá

Năm 2019, ngoài thi THPT quốc gia, xét học bạ là phương thức được hầu hết các trường ĐH triển khai để tuyển sinh. Như thời điểm này, dù năm học chưa kết thúc và chỉ tiêu cho cách thức này ở các trường ĐH cũng không ở mức cao nhưng đã thu hút hàng ngàn hồ sơ của thí sinh (TS) nộp đến hoặc đăng ký để thêm hy vọng có suất vào ĐH.

Trực đến 10 giờ đêm để nhận hồ sơ

Ngay từ đầu tháng 5, nhiều trường ĐH tại TP.HCM đã bắt đầu thông báo nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ. Và chỉ sau ít ngày, số hồ sơ đăng ký lên đến hàng ngàn, dù chỉ tiêu cho phương thức này trung bình chỉ 10%-30% trong nguồn tuyển của từng trường cho năm nay.

Cụ thể, tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, sau 20 ngày thu nhận đã có hơn 2.000 TS đến nộp. Trong đó, hơn 50% hồ sơ nộp trực tiếp tại trường, còn lại nộp qua đường bưu điện và đăng ký trực tuyến tại website trường. Không chỉ tại TP.HCM, nhiều phụ huynh, TS ở các tỉnh, thành xa như Tây Ninh, Vũng Tàu, Bình Phước... cũng đón xe lên tận trường để nộp hồ sơ.

Em Đoàn Quốc Đại Hưng, học sinh (HS) Trường THPT Đồng Xoài, Bình Phước, cho biết em và hai bạn cùng trường vừa đón xe khách lên nộp hồ sơ vào trường này. Không chỉ bằng học bạ mà em còn đăng ký xét cả điểm thi THPT quốc gia cho yên tâm.

“Tụi em phải lên tận trường vì sợ hồ sơ thất lạc. Hơn nữa em cũng muốn tham quan trường và tìm hiểu thêm về các ngành học để chắc chắn với học lực của mình hơn. Trường có bao nhiêu cách tuyển sinh thì hầu như tụi em đều tận dụng hết, miễn phù hợp để cố gắng đậu được ĐH” - Hưng cho hay.

ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh - Truyền thông của trường, cho biết trường có tám đợt xét tuyển bằng học bạ với chỉ tiêu chiếm 25% trong tổng số gần 6.000 chỉ tiêu vào trường năm nay. Tuy nhiên, ngay đợt đầu này, hồ sơ TS đăng ký đã rất đông.

“Những ngày gần đây, trường phải tăng cường nhân sự và tăng thời gian trực đến 22 giờ hằng ngày để hỗ trợ TS vì nhiều em ở xa, đi lại rất vất vả. Có nhiều em tự thuê chung xe từ tỉnh xa lên trường, có nhà ba anh em sinh ba đều đăng ký xét học bạ vào trường, cũng có những gia đình đưa con đi làm hồ sơ...” - ThS Phương nói.

Tương tự, mặc dù Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đến tháng 7 mới nhận hồ sơ xét tuyển học bạ nhưng hiện nay số lượng các em liên hệ nhận hồ sơ khá đông, lượng download hồ sơ online cũng lên đến hàng ngàn em.

Đại diện nhà trường cho biết tưởng chừng là phương án dự phòng nhưng năm nay HS quan tâm rất nhiều đến việc nộp học bạ, nhất là TS ở các tỉnh xa hoặc vùng ngoại thành TP.HCM. Có những em cùng một lúc nộp hồ sơ tại nhiều trường khác nhau để mong đậu ĐH.

Phụ huynh học sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM những ngày qua. Ảnh: PV

Chỉ trúng tuyển bằng một phương thức

Theo thống kê, năm 2019 được xem là năm có nhiều phương thức tuyển sinh vào ĐH nhất khi có khoảng 10 phương thức khác nhau. Trung bình một trường áp dụng 3-4 phương thức, có trường thậm chí sử dụng sáu phương thức để tuyển sinh.

Qua ghi nhận của PV, hầu hết HS khối 12 đều cùng lúc đăng ký xét tuyển vào ĐH bằng nhiều cách thức khác nhau. Trong đó, hầu như các em đều chắc chắn sử dụng điểm thi THPT quốc gia làm cách thức chính. Kế đến là thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và xét học bạ.

Chưa kể những em học giỏi còn có vô vàn cơ hội tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển ĐH.

ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh truyền thông, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, đánh giá phương thức xét học bạ được áp dụng khoảng bốn năm nay nhưng xu hướng TS lựa chọn ngày một tăng. Lý do thì ThS Nguyên cho rằng phương án này có nhiều ưu điểm nhất vì không gây áp lực thi cử cho phụ huynh HS. Thủ tục đơn giản và thuận lợi, các em có thể nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Chưa kể cơ hội trúng tuyển cao vì điểm chuẩn theo học bạ không quá khó để đạt được và đã được các em cố gắng trong năm học rồi. Nhất là các em cũng sớm biết kết quả trúng tuyển để yên tâm nhập học sớm.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cũng lưu ý TS rằng năm nay Bộ không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký vào ĐH theo điểm thi THPT quốc gia và cả các phương thức tuyển sinh. Vì thế, TS sẽ có thể trúng tuyển nhiều trường ĐH một lúc. Tuy nhiên, TS chỉ được xét trúng tuyển một nguyện vọng có thứ tự cao nhất theo điểm thi THPT quốc gia. Hoặc ở các phương thức khác, TS trúng tuyển ở phương thức nào thì phải xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT vào một trường trong thời hạn quy định của trường.

Quá thời hạn này, TS không xác nhận nhập học được hiểu là từ chối nhập học và trường được xét tuyển TS khác. Còn TS đã xác nhận nhập học sẽ không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.

Hơn 33% sẽ trúng tuyển ĐH không từ kết quả thi THPT

Năm 2019, cả nước có 370 trường ĐH-CĐ, trung cấp tham gia xét tuyển. Tổng chỉ tiêu chung là gần 490.000 TS, tăng gần 7,6% so với năm 2018.

Trong đó, tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia là gần 342.000 TS, chiếm 69,8%. Còn lại, hơn 30% tổng chỉ tiêu dành cho xét tuyển bằng phương thức khác như học bạ, tuyển thẳng, thi đánh giá năng lực..., tức gần 148.000 TS. Đáng nói là tỉ lệ chỉ tiêu xét ngoài điểm thi này năm nay tăng hơn 33% so với năm 2018. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm