Điểm chuẩn đại học tăng cao ở rất nhiều ngành

Sau ba ngày chạy lọc nguyện vọng ảo, chiều tối 8-8, nhiều trường đại học (ĐH) đã chính thức công bố điểm chuẩn theo kết quả thi THPT quốc gia.

Nhìn chung, điểm chuẩn các trường tăng đều ở các ngành. Những ngành hot và trọng điểm có số nguyện vọng đăng ký đông thì điểm chuẩn thậm chí tăng 2-3 điểm so với năm 2018, cũng như so với điểm sàn mà các trường đã công bố trước đó.

Điểm khối ngành kinh tế tăng cao

Theo công bố của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ngành công nghệ thực phẩm có mức điểm chuẩn cao năm nay là 20,25. Các ngành thuộc nhóm ngành kinh tế có mức điểm dao động trong khoảng 17-20 điểm.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông nhà trường, cho biết điểm chuẩn các ngành năm nay tăng hơn năm 2018 từ 0,5 đến 3 điểm. Ngành có mức tăng cao nhất 3 điểm là quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.

Dù lấy điểm sàn chung cho các ngành của Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) đều là 17 điểm nhưng điểm chuẩn trường này công bố đều ở mức khá cao. Trong đó, ngành hệ thống thông tin (chương trình tiên tiến) có điểm chuẩn thấp nhất là 17,8 điểm. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là kỹ thuật phần mềm: 25,3 điểm. Một số ngành có điểm cao trên 24 điểm như công nghệ thông tin, an toàn thông tin, khoa học máy tính. Trung bình điểm các ngành cũng dao động 20-23 điểm.

Tương tự, điểm chuẩn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng dao động từ 16 đến 22 điểm. Ngành dược có điểm trúng tuyển cao nhất với 22 điểm.

Đáng nói, hầu hết các ngành đều có điểm trúng tuyển cao so với điểm sàn, như ngành kinh doanh quốc tế với 20 điểm (tăng 2 điểm), ngành marketing với 19 điểm (tăng 3 điểm). Kế đó, các ngành quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, tâm lý học và công nghệ thông tin có điểm trúng tuyển là 18 điểm (tăng 1-2 điểm).

Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, điểm chuẩn nhiều ngành cũng khá cao, tăng từ 0,5 đến 2,5 điểm so với năm ngoái. Như ngành robot và trí tuệ nhân tạo là 25,2 điểm (cao hơn sàn 1,2 điểm), ngành vật liệu dệt may và kỹ thuật nữ công có điểm chuẩn là 18 điểm. Và nhiều ngành khác cũng dao động từ 18 đến 20 điểm.

Tương tự, điểm chuẩn vào các ngành học của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm nay cũng rất cao, từ 21 đến 25,10 điểm, trong khi điểm sàn trường đưa ra trước đó chỉ với hai mức 17 và 19 điểm.

Tra cứu điểm chuẩn các trường đại học trên PLO.VN. Ảnh: HTD

Y dược, sư phạm khả năng tăng nhẹ

Năm 2019, Bộ GD&ĐT tiếp tục quy định ngưỡng điểm chất lượng đầu vào đối với hai nhóm ngành là sức khỏe và sư phạm.

Cụ thể, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) cho khối ngành đào tạo giáo viên là từ 14 đến 18 điểm. Trong đó, điểm sàn bậc đại học là 18 điểm, cao đẳng là 16 điểm và trung cấp là 14 điểm.

Khối ngành sức khỏe được chia thành ba nhóm với ba mức điểm gồm: y khoa, răng-hàm-mặt (21 điểm); y học cổ truyền, dược (20 điểm); điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng (18 điểm).

Tuy nhiên, điểm chuẩn các trường ĐH công bố ở những nhóm ngành này năm nay khá cao, phần lớn đều trên ngưỡng sàn quy định của Bộ GD&ĐT.

Chưa có mức điểm chuẩn chính thức nhưng Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng đã dự báo điểm chuẩn sẽ tăng ở tất cả ngành, trung bình tăng từ 1 đến 2 điểm so với năm ngoái, nhất là những ngành có số thí sinh đăng ký lớn như dược học, răng-hàm-mặt, y học cổ truyền ...

Tại ĐH Y Dược - ĐH Huế, điểm chuẩn cao nhất là ngành y khoa với 25 điểm, các ngành còn lại dao động từ 19 đến 24,7 điểm. Riêng ngành y tế công cộng có điểm thấp nhất là 16,5 điểm.

Với nhóm ngành sư phạm, như tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, điểm chuẩn cũng được dự báo cao hơn năm 2018 ở tất cả ngành. Tuy nhiên, so với mức điểm sàn năm nay, điểm chuẩn có thể tương đương. Hoặc ở những ngành có số thí sinh đăng ký lớn, điểm chuẩn có thể cao hơn sàn trên 1 điểm như sư phạm toán, sư phạm hóa và sư phạm tiếng Anh.

Phải xác nhận nhập học trước 17 giờ ngày 15-8

Theo quy chế tuyển sinh năm 2019, trước 17 giờ ngày 15-8, những thí sinh trúng tuyển sẽ phải xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia kèm những giấy tờ liên quan theo quy định và lịch trình từng trường. Nếu không, các em sẽ bị hủy kết quả và trường sẽ được phép tuyển bổ sung nếu thiếu chỉ tiêu.

Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức vào trường là danh sách thí sinh được phần mềm lọc ảo toàn quốc gửi lại trường vào cuối ngày 8-8, các trường tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức.

Từ ngày 28-8, các trường ĐH bắt đầu xét tuyển bổ sung những chỉ tiêu còn thiếu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm