ĐH Sư phạm Kỹ thuật tuyển sinh ngành học... không ngành

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCMvào chiều 11-5, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết năm học 2018-2019, trường mở thí điểm ngành học không ngành. Năm đầu tiên, chỉ tiêu cho  ngành này là 100, điểm nhận hồ sơ từ 24 điểm trở lên.

Theo đó, khi trúng tuyển vào trường, sinh viên sẽ học những khối kiến thức chung mang tính nền tảng, bước sang năm thứ 3 sinh viên mới chọn ngành để học.

Gian hàng Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Đại học Bách khoa TP.HCM. ẢNH: hcmute.edu.vn

Ông Dũng cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trường thí điểm mở ngành học này trong năm học tới.

Thứ nhất, qua khảo sát các em sinh viên bị buộc thôi học hằng năm tại trường cho thấy nguyên nhân chủ yếu do các em không chọn đúng ngành nghề. Vì thế khi vào trường, các em không có đam mê cũng như động lực để học tập.

Mặt khác hiện nay, công tác tư vấn hướng nghiệp của mình dù đã triển khai nhiều nhưng chưa giúp sinh viên hiểu được ngành nghề. Thực tế, các em chọn nghề chủ yếu dựa trên lời khuyên của gia đình, bạn bè, theo cảm tính là chính. Cho nên, khi vào đại học, các em cảm thấy “chới với”, không thích. Thế nhưng, dù không muốn các em cũng phải học vì không thể chuyển ngành theo quy chế đại học.

Thứ hai, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ cấu ngành nghề sẽ thay đổi rất nhanh, sẽ có nhiều ngành mới xuất hiện cũng đồng nghĩa nhiều ngành sẽ bị triệt tiêu. Nghề nghiệp và yêu cầu công việc sẽ thay đổi liên tục. Sinh viên năm nhất chọn 1 ngành nhưng có thể 4 năm sau, khi sinh viên ra trường ngành này sẽ không còn phù hợp. Đào tạo theo hướng không ngành như trên sẽ giúp sinh viên nắm bắt xu hướng việc làm tốt hơn.

Ông Dũng giải thích gọi là ngành không ngành nhưng thực tế ngành học này... có ngành nhưng không phải chọn ngay từ đầu như hiện nay. Lâu nay, quan điểm của mình cũng như chính sách của Bộ GD&ĐT bắt học sinh đăng ký ngành ngay từ khi tốt nghiệp phổ thông trong khi chưa hiểu rõ về nó. Do đó đã có những hệ lụy xảy ra.

Về mức điểm nhận hồ sơ từ 24 điểm trở lên, ông Dũng cho rằng để đảm bảo nguồn đầu vào chất lượng, theo kịp chương trình đào tạo của trường. Sau thời gian học đại cương, tùy vào năng lực của mình sinh viên có thể học bất kỳ ngành nào mà mình muốn.

“Thí điểm ngành này, chúng tôi vướng yêu cầu phải đăng ký chỉ tiêu theo ngành khi tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Vậy ngành không ngành sẽ đăng ký vào mã ngành gì? Nhưng may mắn, trường chúng tôi đã tự chủ cho nên Hội đồng trường sẽ quyết định. Mặt khác, ngành không ngành có chỉ tiêu và chỉ tiêu đó nằm trong tất cả các ngành. Có 2 phương án được cân nhắc. Thứ nhất, các em chọn một ngành nào đó và đậu vào trường. Nếu từ 24 điểm, các em sẽ được đăng ký vào ngành không ngành. Hoặc các em có thể đăng ký vào ngành này ngay từ đầu”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dũng, ý nghĩa sâu xa của ngành không ngành có nghĩa là chọn ngành sau khi đã có một thời gian dài trải nghiệm môi trường thực tế. “Tôi nghĩ đây là xu thế phù hợp thời đại mới, giúp sinh viên chọn đúng ngành nghề của mình trong tương lai”, ông Dũng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm